Bên lề những lễ hội

10/01/2019 - 07:31

 - Bất kỳ lễ hội nào diễn ra, theo đặc thù tôn giáo hay mang tính dân gian, mọi người thường hỏi nhau “Có đi chơi lễ không” hoặc “Lễ ở đó vui không”. Bởi, thói quen hễ đi lễ là phải “chơi lễ”, vui hội, phải có những hoạt động bên lề xôm tụ thì lễ mới thật sự gọi là vui. “Ăn theo” những ngày diễn ra lễ là hàng hóa bán buôn tấp nập, là bữa ăn miễn phí, là nhu cầu vui chơi, mua sắm, du lịch…

Bà Nguyễn Ngọc Lan (44 tuổi, Chợ Mới) tham gia đoàn hành hương đến An Hòa tự (Phú Tân) chia sẻ: “Khoái nhất đi đâu chơi mà chỗ đó có bán đồ, bán càng nhiều hàng hóa càng tốt. Quen rồi, đi đâu cũng vậy, dù xa hay gần cũng phải mua quà về cho họ hàng, con cháu. Đi chơi mà chỗ nào buôn bán “lèo tèo” chán lắm, không vui!”. Suy nghĩ của bà Lan dường như cũng là nhu cầu chung của hầu hết người thích đi chơi, tham quan nên để ý người dân đi lễ ai cũng quan tâm xung quanh có gì, sau lễ còn hoạt động nào vui chơi không. Chị Fala Hygiah (xã Đa Phước, An Phú) cho biết, nhờ nhu cầu mua hàng của khách hành hương, một số hộ trong làng Chăm thường chở hàng theo các lễ hội để bán. Phổ biến là khăn bàn, khăn choàng, vải thổ cẩm có hoa văn đơn giản phù hợp nhu cầu sử dụng của số đông. Khách mua nhiều đến nỗi mỗi ngày phải có xe chạy về lấy hàng bổ sung. Chịu khó theo vài ngày mà kiếm được số tiền khá. Tương tự, những mặt hàng khác cũng tập kết tại các lễ hội từ trước nhiều ngày, hội tụ dân tứ xứ, tạo cảnh xôm tụ, đông vui.

Trò chơi giải trí

Dân buôn là những người nhớ giỏi nhất các lễ trong năm, diễn ra ở địa phương nào. Họ “di cư” liên tục ngày này qua tháng nọ, trừ thời điểm mùa nước lên mới ở nhà làm việc khác, có gia đình đầy đủ vợ chồng con cái, phân công nhau cùng làm. Anh Võ Văn Hiền (một hộ bán vải) cho biết, chị gái chuyên buôn vải từ Thái Lan và Campuchia về bỏ mối tại chợ Tịnh Biên, nên anh có hàng vải khá tốt và giá mềm. Từ cúng đình, miếu, lễ tôn giáo, vía bà, anh đều có mặt, mỗi điểm lễ diễn ra vài ngày kiếm được hàng triệu đồng. Cực nhất là di chuyển hàng hóa liên tục, chưa kể mưa bão thì ế ẩm thất thu, nhưng làm lâu rồi cũng quen. Theo anh Hiền, chuyện tranh giành, mâu thuẫn giữa bạn nghề với nhau hiếm khi xảy ra, vì cùng là phường buôn bán quen biết từ lâu. Trước đây, mạnh ai nấy phát loa, vừa bán vừa hét qua “bông bí” để kéo khách. Chuyện bày bán la liệt phiền hà bà con đi lại. Sau này, đa số các nơi tổ chức lễ được ban tổ chức và công an địa phương nhắc nhở, tất cả đều đồng tình nên người bán hàng vỉa hè hợp tác rất tốt, trật tự, gọn gàng hơn.

Nhân vật tí hon Nguyễn Thị Kim Ly thu hút sự quan tâm lẫn tò mò của người xung quanh

Trước nhu cầu của khách thập phương, dịch vụ “ăn theo” phát triển rất đa dạng. Tùy theo khả năng vốn, ai buôn gì bán nấy, từ đồ ăn, thức uống, đồ gia dụng, áo quần, giày dép, đèn, đồ chơi, đặc sản, trò chơi giải trí, hàng lưu niệm… Người mua thích thú bởi có những món ra chợ không tìm thấy, chẳng hạn đèn dầu làm đế bằng sành, đồ thổ cẩm, cốm dẹp, trái trâm, bột huyền Bảy Núi… Trong mắt khách hành hương ngoài tỉnh, đây là dịp “săn” hàng khá thú vị. Hoạt động bên lề giúp lễ hội xôm tụ, hấp dẫn hơn. Không chỉ có người bán, người hành hương cũng có những câu chuyện riêng. Như trường hợp chị Nguyễn Thị Kim Ly (sinh năm 2002, đến từ tỉnh Vĩnh Long), là nhân vật quen thuộc mà dân hành hương thường bắt gặp ở các lễ đạo, bởi dáng người nhỏ nhắn như một cô bé mới lên 4 tuổi. Chị hay ngồi kề bên mẹ, vẽ hình ảnh công chúa, búp bê với đủ sắc màu dày cả quyển tập, thu hút sự tò mò của những người xung quanh. Người qua lại thường cho tiền nhưng mẹ chị khẳng định, chỉ đi chùa từ nơi này sang nơi khác, cầu mong cho chị phát triển bình thường, chứ không phải mục đích đi “quyên góp”. Hay chuyện của bà Sáu Nương (quê ở quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) rất siêng làm từ thiện. Bà Sáu Nương cho biết, bà không có điều kiện để giúp đỡ mọi người, do ưa làm việc thiện mà đôi chân lại “ham đi” nên ở đâu có lễ cúng đình, miếu hay lễ đạo là bà tham gia. Bà phụ tiếp làm bánh, lặt rau, nấu nướng, phục vụ bưng đồ ăn đến bàn cho khách… vậy mà thấy khỏe.

Mỗi người “đi theo” những ngày lễ với mục đích riêng, mưu sinh, tìm niềm vui giản dị hay hướng tinh thần về tâm linh, đều gặp nhau ở chỗ dung hòa cuộc sống, đem lại niềm vui cho nhau.

MỸ HẠNH