Bệnh án điện tử

14/03/2019 - 08:03

 - Thông tư số 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 3. Nhiều vấn đề lớn đang được người dân quan tâm xung quanh quy định này.

Mỗi người bệnh chỉ có 1 mã số quản lý tại 1 cơ sở khám, chữa bệnh

Hồ sơ bệnh án điện tử bao gồm: hồ sơ bệnh án nội trú, hồ sơ bệnh án ngoại trú và các loại hồ sơ bệnh án khác theo quy định của Bộ Y tế. Nội dung của hồ sơ bệnh án điện tử gồm đầy đủ các thông tin theo mẫu của hồ sơ bệnh án sử dụng trong cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) quy định trước đó. Có 3 nguyên tắc thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử cần phải tuân thủ: mỗi người bệnh chỉ có 1 mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại 1 cơ sở KCB; hồ sơ bệnh án điện tử phải ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin như hồ sơ bệnh án giấy, phải có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông tin được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử, tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định của Luật An toàn thông tin mạng; cơ sở KCB được phép sử dụng, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử thay cho hồ sơ bệnh án giấy khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 46.

Người dân sử dụng sổ khám bệnh tại bệnh viện

Để quản lý hồ sơ bệnh án điện tử, phần mềm hồ sơ bệnh án điện tử phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn công nghệ thông tin y tế và danh mục dùng chung trong hồ sơ bệnh án điện tử theo quy định của Thông tư 46 và quy định có liên quan của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Y tế. Bên cạnh đó, phải bảo đảm khả năng kiểm soát truy cập của người dùng (nhân viên công nghệ thông tin và nhân viên y tế) tại bất kỳ thời điểm nào (bảo đảm khả năng xác thực người dùng và cấp quyền cho người dùng; bảo đảm quyền riêng tư, bảo mật và kiểm tra truy vết); phải có khả năng kết xuất bản điện tử theo tập tin định dạng XML (gồm tóm tắt hồ sơ bệnh án điện tử; thông tin trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí KCB bảo hiểm y tế, thông tin hồ sơ sức khỏe cá nhân); có khả năng hiển thị trên màn hình máy tính hoặc các thiết bị điện tử khác theo mẫu hồ sơ bệnh án; có khả năng kết xuất ra máy in theo mẫu hồ sơ bệnh án trong trường hợp cần thiết.

Có độ bảo mật cao

Vấn đề bảo mật và tính riêng tư của hồ sơ bệnh án điện tử đang rất được quan tâm. Theo quy định trong thông tư, cơ sở KCB phải có biện pháp kiểm soát truy cập của người dùng (xác thực người dùng, phân quyền người dùng theo từng vai trò công việc, thiết lập khoảng thời gian giới hạn cho phép người dùng truy cập vào phần mềm); bảo vệ, ngăn chặn việc truy cập trái phép vào hồ sơ bệnh án điện tử; phương án hoặc quy trình phục hồi dữ liệu trong trường hợp có sự cố; phương án phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và loại bỏ phần mềm độc hại. Việc liên thông, trao đổi dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử giữa các cơ sở KCB phải được mã hóa trong quá trình trao đổi dữ liệu. Đồng thời, thông tin KCB của người bệnh phải được mã hóa theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Y tế. Phần mềm hồ sơ bệnh án điện tử có khả năng ghi vết tất cả các giao dịch, tương tác của người dùng, như: ngày, thời gian khi xem, nhập mới, chỉnh sửa, hủy, khôi phục dữ liệu, thông tin... Mặt khác, cơ sở KCB phải ban hành quy chế về bảo mật thông tin và quyền riêng tư của người bệnh trên cơ sở các khoản quy định trên.

Việc áp dụng bệnh án điện tử kỳ vọng sẽ mang đến nhiều lợi ích, như: hạn chế một số thủ tục hành chính trong ngành y tế; tiết kiệm chi phí mua sổ khám bệnh cho người dân; giúp người bệnh không phải lưu trữ tất cả loại giấy tờ khi đi KCB, không sợ làm mất kết quả xét nghiệm, có thể tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình.

Chưa áp dụng tại An Giang

Thông tư quy định, giai đoạn 2019-2023, các cơ sở KCB hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Các cơ sở KCB khác, căn cứ vào nhu cầu, năng lực thực tế để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Khi đáp ứng được các yêu cầu quy định tại Thông tư 46 thì bắt đầu triển khai thực hiện. Đến giai đoạn 2024 - 2028, tất cả các cơ sở KCB trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Trường hợp cơ sở KCB chưa triển khai được, thì phải có văn bản báo cáo Bộ Y tế, nhưng phải hoàn thành trước ngày 31-12-2030.

Sở Y tế An Giang cho biết: “Hiện nay, các cơ sở KCB trong tỉnh chưa triển khai bệnh án điện tử, vì trên địa bàn chưa có bệnh viện hạng I. Các cơ sở KCB trong tỉnh cũng chưa đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn về công nghệ thông tin theo quy định. Do vậy, các cơ sở y tế vẫn sử dụng bệnh án giấy và lưu trữ theo quy định của Bộ Y tế như từ trước đến nay. Tuy nhiên, một số cơ sở đã sử dụng phần mềm để thực hiện nhập hồ sơ bệnh án theo biểu mẫu quy định của Bộ Y tế, sau đó in ra ký tên và lưu trữ. Một số bệnh viện tuyến tỉnh đang trang bị các hệ thống phần mềm, như: hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS), hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS)… để chuẩn bị cho việc triển khai bệnh án điện tử thời gian tới. Việc triển khai sẽ gặp không ít khó khăn, đặc biệt là quá trình trang bị hệ thống công nghệ thông tin, chữ ký số của nhân viên y tế tốn nhiều chi phí. Mặc dù vậy, ngành y tế tỉnh sẽ nỗ lực chuẩn bị các điều kiện để triển khai bệnh án điện tử cho các cơ sở KCB theo lộ trình của bộ”.

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG