Bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng ở An Giang tiếp tục tăng

02/10/2019 - 13:52

 - Ngày 2-10, Giám đốc Sở Y tế An Giang Từ Quốc Tuấn cho biết, 9 tháng của năm 2019, bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng trên toàn tỉnh tiếp tục tăng so cùng kỳ 2018.

Bệnh sốt xuất huyết và tay-chân-miệng ở An Giang tiếp tục tăng

Bệnh sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi An Giang

Cụ thể, bệnh sốt xuất huyết có 4.941 ca mắc, tăng 67% so cùng kỳ 2018; 11/11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có bệnh, chưa có trường hợp tử vong. Các địa phương có số ca mắc cao, như: huyện Chợ Mới, Tịnh Biên, TP. Long Xuyên...

Ngành y tế đã sử dụng 1.059 lít hóa chất phun diệt muỗi, để xử lý 1.443 ổ bệnh sốt xuất huyết tại 140/156 xã. Tuy nhiên, việc phun hóa chất diệt chỉ là biện pháp tức thời, nhằm diệt muỗi trưởng thành, giảm mật độ muỗi truyền bệnh, chứ không ngăn ngừa được sự lây lan của bệnh nếu không diệt lăng quăng triệt để.

Do đó, ngành y tế tỉnh khuyến cáo, để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, mỗi gia đình, cơ quan, công sở... phải dọn dẹp, loại bỏ những nơi, vật dụng chứa nước, như: xô chậu, thùng phuy, bình hoa, chậu hoa, cây cảnh, hồ tiểu cảnh, vỏ xe, ly nhựa, hầm cống, hố nước, hốc cây, các vật phế thải, các công trình xây dựng…, để không tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, phát triển và trở thành điểm nguy cơ gây bệnh.

Về bệnh tay chân miệng có 1.524 ca mắc, tăng 94% so cùng kỳ 2018, chưa có ca tử vong. Số ca mắc ở 11/11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều tăng so cùng kỳ 2018. Các huyện có số ca mắc cao, như: Chợ Mới, Châu Phú, Thoại Sơn... Tỉnh sử dụng 852 kg hóa chất Chloramin B để xử lý 176/176 ổ bệnh.

Nhằm ngăn ngừa dịch bệnh tay chân miệng, ngành y tế tỉnh  đã triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trong khu vực trường học, nhóm trẻ; tăng cường các biện pháp hiệu quả phòng, chống lây lan bệnh tay chân miệng trong trường mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ, đồng thời tuyên truyền phụ huynh tại các trường học, địa bàn dân cư.

Tin, ảnh: HẠNH CHÂU