Bệnh viện Tim mạch quá tải

24/05/2019 - 07:42

 - Tình trạng quá tải ở Bệnh viện Tim mạch An Giang diễn ra trong nhiều năm nay. Trong khi vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được kiểm soát tốt, lối sống của người dân có nhiều thay đổi… dẫn đến các bệnh lý tim mạch ngày càng gia tăng. Bệnh viện đã triển khai nhiều giải pháp để giảm tình trạng quá tải, rút ngắn thời gian khám và điều trị cho người bệnh.

Chen chúc chờ khám bệnh

4 giờ sáng một ngày cuối tháng 5, rất đông bệnh nhân chờ lấy số khám ở Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Tim mạch An Giang. Dọc các dãy ghế, trên hành lang ở Khoa Khám bệnh là cảnh bệnh nhân đứng ngồi chen chút, nhiều người còn ngồi xuống nền gạch để chờ đến lượt đọc tên đăng ký khám. Cảnh người tới lui tấp nập tại các sảnh chờ, đi lại va vào nhau xảy ra thường xuyên. Ngồi chờ đến lượt đăng ký khám bệnh cho người thân, anh Tình (quê xã Kiến An, Chợ Mới) cho biết: “Tôi chở ba tôi qua đây từ 3 giờ sáng để chờ lấy số khám bệnh. Ba tôi bị bệnh huyết áp lâu năm, mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ. Vô đây chen chúc như vậy là chuyện thường, mọi khi còn đông hơn”.

Đối với các nhân viên ở đây, cảnh nhộn nhịp diễn ra hàng ngày riết rồi quen. Một nhân viên Khoa Khám bệnh cho biết: “Cao điểm có hôm hơn 1.000 người đến khám bệnh. Có người tới đây từ chiều hôm trước để chờ lấy số. Dọc các dãy ghế, người bệnh đứng ngồi chật cứng. Tụi tôi vào làm phải đi vòng phía sau mới vào được. Bà con ai cũng muốn khám sớm nên có người bức xúc vì quá đông, mình giải thích và yêu cầu lấy số đúng quy định; đồng thời cố gắng cập nhật nhanh thông tin để chuyển đến các khoa điều trị nên cũng giải tỏa được cho bà con”.

Phòng săn sóc đặc biệt là nơi thường xuyên diễn ra tình trạng quá tải, do tiếp nhận cấp cứu lượng bệnh nặng rất nhiều. Các máy thở tại đây làm việc gần như hết công suất, liên tục 24/24 giờ. Mỗi ngày, bệnh viện có khoảng 800 người (cao điểm hơn 1.000 người) đến khám ngoại trú và có hàng chục cas phải nhập viện điều trị, trong đó có nhiều cas nặng.

Bệnh tim mạch ngày càng “trẻ hóa”

Thực trạng cho thấy, quá tải ở bệnh viện hiện nay do vấn đề tổ chức đăng ký tiếp nhận chưa đáp ứng lượng bệnh nhân khám ngoại trú quá đông do bệnh tim mạch ngày càng gia tăng, “trẻ hóa”. ThS.BS Bùi Hữu Minh Trí, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Tim mạch An Giang cho biết, bình quân mỗi tháng, bệnh viện khám ngoại trú cho gần 16.000 lượt bệnh nhân, trong đó điều trị nội trú khoảng 1.600 người. Quy mô của bệnh viện có 300 giường nhưng lúc nào cũng sử dụng hết công suất (công suất sử dụng năm 2018 là 111%), phải kê thêm giường ngoài hành lang vào mỗi cuối tuần do lượng bệnh rất đông. Mặc dù phải nằm chen chúc nhưng người bệnh vẫn đồng ý. Do đó, chúng tôi đẩy nhanh tiến độ khám sàng lọc, đồng thời điều trị tốt cho bà con”.

Hiện nay, cơ cấu bệnh có nhiều thay đổi. Nhiều nhất là bệnh mạch vành (nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim cục bộ), tăng huyết áp, tai biến mạch máu não (nhồi máu não, xuất huyết não), suy tim (rối loạn nhịp tim, bệnh van tim), sốc nhiễm trùng... Người ta ví “thời gian là tim, thời gian là não”. Cho thấy, thời gian điều trị bệnh tim mạch rất quan trọng, nếu chậm trễ nguy cơ tử vong rất cao.

ThS.BS Trí cho biết, hiện có 4-5 cas bệnh tim mạch tử vong mỗi ngày (tại bệnh viện hoặc bệnh nặng xin về). Từ năm 2013, Bệnh viện Tim mạch An Giang triển khai kỹ thuật chụp can thiệp mạch vành, đến nay mỗi năm chụp khoảng 1.200 cas, trong đó 30% cấp cứu điều trị, tỷ lệ thành công trên 95%. Từ năm 2018, bệnh viện tiến hành “quy trình báo động đỏ bệnh đột quỵ” cấp cứu dùng thuốc tiêu sợi huyết để tiêu máu đông trong vòng 4,5 giờ đầu từ khi phát hiện triệu chứng. Trung bình mỗi tuần có 10-15 trường hợp cấp cứu đột quỵ, trong đó khoảng 30% bệnh nhân có đủ tiêu chuẩn sử dụng thuốc tiêu sợi huyết; sau khi dùng thuốc thì bệnh nhân phục hồi khá nhanh.

Xu hướng đáng báo động hiện nay là tình trạng bệnh nhồi máu cơ tim ngày càng “trẻ hóa”, đã có nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim dưới 30 tuổi. “Cách nay chưa lâu, bệnh viện tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nhồi máu cơ tim mới 24 tuổi. May mắn là bệnh nhân được cấp cứu kịp thời, tiến hành thông tim nên qua cơn nguy kịch. Lo ngại hiện nay là nhiều thanh niên sử dụng rượu, bia, hút thuốc lá thường xuyên (thậm chí sử dụng chất kích thích, ma túy) nhưng ít vận động, tập thể dục… dễ dẫn đến “trẻ hóa” nhồi máu cơ tim cấp tính. Bản thân tôi làm công tác trong ngành y mấy chục năm nhưng cũng rất ngạc nhiên vì có người bệnh nhồi máu cơ tim mới 24 tuổi” - ThS.BS Trí thông tin.

ThS.BS Bùi Hữu Minh Trí cho biết, gần đây, bệnh viện tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ đã làm giảm tình trạng quá tải tại bệnh viện, đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí chất lượng bệnh viện, quy tắc ứng xử, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ, tăng sự hài lòng của người bệnh. Bệnh viện đã triển khai “đăng ký khám bệnh theo giờ hẹn trước” (số điện thoại 0296.1080) để bệnh nhân dễ dàng đăng ký khám bệnh và hạn chế tiêu cực phát sinh. Triển khai “đăng ký khám bệnh theo giờ hẹn trước” tại khu khám ngoại trú (trước là trụ sở Ban Bảo vệ - Chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh) hơn 2 tháng nay, với số lượng đăng ký khám khoảng 180 bệnh nhân/ngày. Bước đầu cho thấy, phương án này rất thành công, góp phần giảm quá tải tại bệnh viện và ngăn ngừa tiêu cực phát sinh trong quá trình lấy số khám bệnh.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều người chưa biết được dịch vụ mới này, thậm chí ngại gọi điện, vẫn đến bệnh viện lấy số, nên gây ra tình trạng chen chúc. Giữa tháng 6-2019 sẽ tiếp tục triển khai “đăng ký khám bệnh theo giờ hẹn trước” toàn bệnh viện, để người dân dễ dàng đăng ký khám bệnh, giảm thời gian chờ đợi, qua đó bệnh viện sẽ dễ dàng nắm được số lượng người đăng ký trong ngày tiếp theo (có ngày chỉ khám vài trăm người, nhưng đột biến có ngày hơn 1.000 người đến khám) để chủ động bố trí ca kíp trực phù hợp. Nếu như bệnh nhân quá đông sẽ chủ động thông báo bệnh nhân dời ngày khám vào hôm sau (trường hợp bệnh ngoại trú) để đảm bảo chất lượng khám, điều trị và ngăn chặn tiêu cực phát sinh. Cùng với đó, đang xây thêm khu vực với 80 giường bệnh để giải quyết tình trạng quá tải trong điều trị nội trú tại bệnh viện. 

HỮU HUYNH