Bí ẩn dưới lớp cát sa mạc

11/02/2019 - 09:38

Cho đến nay, sa mạc vẫn chứa đựng nhiều bí ẩn chưa thể khám phá hết. Chiếm khoảng 1/3 diện tích bề mặt Trái Đất, những khu vực được bao phủ hoàn toàn bởi cát dày được tin là đã từng xanh cỏ, có khí hậu ôn hòa và dồi dào nguồn nước.

Nhiều đồn đoán cho rằng, trong điều kiện thuận lợi như vậy, các nền văn minh cổ đại đã phát triển vô cùng rực rỡ. Điều này càng được khẳng định khi giới khảo cổ phát hiện phế tích của nhiều thành trì cổ đại ẩn mình dưới lớp cát sa mạc ở rất nhiều nơi.

Đi vào nơi huyền sử

Sa mạc Taklamakan, theo ngôn ngữ của người Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc), có nghĩa là "cứ vào đi rồi sẽ không bao giờ trở ra". Đây là sa mạc lớn nhất ở Trung Quốc với diện tích hơn 33.700km², chứa đựng nhiều bí ẩn và huyền sử, cùng những di tích cổ vô cùng độc đáo và quý giá về mặt khoa học khảo cổ và lịch sử.

Phế tích Gonur-Tepe giống như một mê cung trong sa mạc.

Nhà thám hiểm người Thụy Điển Sven Hedin đã tìm thấy nhiều dấu tích của một ngôi nhà ở tại thị trấn ốc đảo Dandan Oilik, trung tâm Taklamakan. Sau đó, nhà thám hiểm Aurel Stein, nổi tiếng là người tiên phong khám phá Con đường Tơ lụa, đã ở Taklamakan hai tuần và phát hiện tàn tích của 18 ngôi nhà kích thước khác nhau cùng một số ngôi đền. Năm 1900, Hedin đến Taklamakan lần nữa, và tìm thấy tàn tích của thành cổ Lâu Lan - một vương quốc cổ nằm dọc theo Con đường Tơ lụa - bị chôn vùi dưới cát.

Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, giới khảo cổ tìm thấy nhiều xác ướp trong tình trạng được bảo quản rất tốt, đã tồn tại ít nhất 3.000 năm tuổi, tại sa mạc Taklamakan. Trong đó, có một xác ướp được đặt tên là "Vẻ đẹp của Lâu Lan", được cho là liên quan đến vương quốc Lâu Lan đã biến mất một cách bí ẩn với rất ít thông tin còn để lại.

Các xác ướp này có những đặc điểm nhân chủng rất khác lạ: tóc màu hung, cơ thể mang những đặc điểm của người châu Âu. Các nghiên cứu cho rằng, họ không thể là tổ tiên của người Trung Quốc hiện đại mà từng là thành viên nền văn minh cổ đại tồn tại tại những giao lộ trên con đường nối Trung Quốc và châu Âu.

Phế tích hiu quạnh

Hơn 4 thiên niên kỷ trước, thị trấn pháo đài Gonur-Tepe có thể đã là một nền văn minh hiếm hoi trước khi bị chôn vùi trong hàng thế kỷ dưới cát bụi của sa mạc Kara Kum (Turkmenistan).

Sau khi được các nhà khảo cổ Liên Xô tìm thấy cách đây 40 năm, Gonur-Tepe, nơi từng có hàng ngàn người sinh sống và là trung tâm của một khu vực phát triển mạnh mẽ, đã dần hé lộ các bí ẩn cùng các cổ vật mới được tìm thấy sau mỗi đợt khai quật mùa hè. Quy mô của di chỉ này vô cùng rộng lớn, trải dài trên 30ha và chỉ có thể ngắm nhìn một cách đầy đủ từ trên không. Các tòa nhà cũ của Gonur-Tepe trông giống như một mê cung trong sa mạc, được bao quanh bởi các bức tường cao và kiên cố.

Phế tích Gonur-Tepe là trung tâm của một mạng lưới các thị trấn và khu định cư nằm trong khu vực đồng bằng châu thổ sông Morghab đã chảy qua Turkmenistan từ nguồn nước nằm ở Afghanistan. Vào khoảng năm 2000 trước Công Nguyên, Gonur-Tepe là điểm định cư chính của khu vực Margush hay Margiana, và là nơi chứa đựng một trong những nền văn minh cao nhất nhưng ít được biết tới trong thời Đồ Đồng. Các phát hiện khảo cổ ở Gonur-Tepe cho thấy trình độ làm nghề thủ công rất cao của các nghệ nhân thời Đồ Đồng. Họ có thể nấu chảy kim loại, làm các thỏi vàng và bạc, tạo nên các vật liệu phục vụ thờ cúng, cũng như biết cách chế tác xương và đá.

Cách phế tích Gonur-Tepe vài trăm km là một bí ẩn khác: phế tích của thành phố Merv, nơi đã từng có vị trí rất quan trọng dưới thời Đế quốc Ba Tư và đạt tới đỉnh cao dưới sự lãnh đạo của người Turkic vào thế kỷ 12 sau Công Nguyên. Merv đã rơi dần vào suy thoái sau khi bị quân Mông Cổ cướp phá vào năm 1221 trong một cuộc chinh phạt chết chóc.

Kho tàng lớn nhất của phế tích này là lăng Seljuk Sultan Sanjar vẫn được bảo tồn cẩn thận, có đường kính hơn 17m và được coi là một cuộc cách mạng về thiết kế khi cấu trúc mái vòm của lăng đã đi trước tới 300 năm so với các ý tưởng của kiến trúc sư vĩ đại thời Phục Hưng Filippo Brunelleschi. Theo ước tính, trong khu vực này có 354 di chỉ khảo cổ và 95% trong số đó cho tới nay vẫn chưa được nghiên cứu.

Kho báu ẩn chứa

Theo truyền thuyết cổ xưa, trước khi thảm họa xảy ra, sa mạc Gobi trải dài trên lãnh thổ Trung Quốc lẫn Mông Cổ trong quá khứ từng là một đại dương rộng lớn với một hòn đảo đẹp như thiên đường. Hòn đảo hiện nay đã trở thành sa mạc Gobi, là nơi sinh sống của thế hệ cuối cùng của loài người trước người hiện đại. Tại vùng đất bí ẩn này, từng tồn tại một trong những đế chế thịnh vượng nhất trong lịch sử.

Người ta cho rằng dưới lớp cát của sa mạc Gobi là một kho báu đồ sộ, tượng tạc, vũ khí, đồ dùng, tất cả những thứ văn minh, những món đồ xa xỉ và các tác phẩm mỹ thuật mà không nơi nào trên thế giới ngày nay có thể sánh bằng.

Cát Gobi di chuyển thường xuyên từ đông sang tây trước khi những cơn gió mạnh thổi liên tục. Thỉnh thoảng có tin đồn một số kho báu ẩn giấu được phát hiện, nhưng không người bản địa nào dám động đến vì họ cho rằng nơi này đã bị ám bằng phép thuật siêu nhiên.

Theo MINH THY (Công an nhân dân)