Bí ẩn quanh bộ hài cốt mà phát xít Đức săn tìm

10/11/2019 - 19:20

Trong nhiều thập niên, các nhà khảo cổ học đã cố gắng tìm hiểu về bộ hài cốt có từ thế kỷ thứ 10 phát hiện tại một lâu đài ở CH Séc – vốn trở thành mục tiêu để phát xít Đức tạo ý thức hệ.


Bức ảnh chụp bộ hài cốt khi được khai quật năm 1928. Ảnh: BBC

Bộ hài cốt này là của một người đàn ông, nằm với phần đầu nghiêng về phía bên trái. Dưới khuỷu tay có một tấm thép đánh lấy lửa – loại vật dụng biểu trưng cho địa vị thời xưa. Dưới bàn chân bộ hài cốt là chiếc xô gỗ nhỏ - giống với loại được người Viking sử dụng – và một sống rìu bằng kim loại.

Tay phải của người đã khuất đặt trên một thanh gươm kim loại, trong khi tay trái là một cặp dao. Thanh gươm của chiến binh mới là thứ gây chú ý, dài chưa đầy 1 mét nhưng toát lên sức mạnh và vẻ đẹp bất chấp thời gian 10 thế kỷ.

Ông Jan Frolik tại Viện Hàn lâm Séc đánh giá: “Thanh gươm có chất lượng tốt và có thể được sản xuất ở Tây Âu”. Loại gươm này cũng được người Viking tại Bắc Âu, Anh và Trung Âu sử dụng. Ông Jan Frolik nói: “Hầu hết vũ khí của người đàn ông này thuộc về Viking hoặc ít nhất cũng giống Viking. Tuy nhiên, quốc tịch của ông ấy vẫn là một ẩn số”.

Đây cũng chính là băn khoăn của các nhà sử học kể từ khi bộ hài cốt chiến binh này được phát hiện tại lâu đài Prague năm 1928.

Khi phát xít Đức đưa quân đến Prague năm 1939, chúng đã nhanh chóng coi người Viking là “những người thuần chủng” giống người Đức thượng đẳng. Theo phát xít Đức, Viking là Bắc Âu do vậy cũng mang yếu tố Đức.

Đối với phát xít Đức, bộ hài cốt tại lâu đài Prague với nguồn gốc Viking sẽ trở thành công cụ tuyên truyền tư tưởng của chúng, theo đó cho rằng việc đưa quân đến nơi này đơn giản là tái chiếm lại vùng đất "thuộc chủ quyền của người Đức".

Phát xít Đức đã đe dọa đưa người phụ trách cuộc khảo quật tại lâu đài Prague năm 1928 – nhà khảo cổ học Ukraine Ivan Borkovsky đến trại tập trung. Chúng còn ép ông phải phục vụ cho lĩnh vực khoa học của phát xít Đức. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của ông cũng bị chỉnh sửa.

Hơn 70 năm sau, các nhà sử học đã có được thông tin đầy đủ hơn về bộ hài cốt tại lâu đài Prague. Ông Jan Frolik nói: “Chúng tôi chắc chắn rằng ông ấy không sinh ra tại Séc”. Dựa trên phân tích đồng vị phóng xạ răng của hài cốt này, các nhà khoa học cho rằng người đàn ông này đã lớn lên tại Bắc Âu, có thể là bờ Nam của Biển Baltic hoặc Đan Mạch.

Việc người đàn ông này sinh tại Baltic không đồng nghĩa với việc ông ta là người Viking. Ông được cho là đã tử vong khi 50 tuổi và đến Prague ở độ tuổi thanh niên. Việc được chôn cất ở trung tâm lâu đài Prague cho thấy ông là nhân vật có địa vị cao trong xã hội thời điểm đó.

Theo HÀ LINH (Báo Tin tức)