Bị phản đối kịch liệt, chàng cử nhân xứ Nẫu vẫn quyết mê lan

31/01/2018 - 20:08

Bị bố mẹ, gia đình kịch liệt phản đối, nhưng chàng cử nhân Luật Kinh tế Lê Văn Khương vẫn quyết không đi tìm việc đúng chuyên ngành đã học mà bỏ về quê xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) khởi nghiệp trồng lan.

Tốt nghiệp ngành Luật kinh tế, Trường đại học Vinh, chàng cử nhân xứ Nẫu Lê Văn Khương quê xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân và không chọn công việc đúng với chuyên ngành đã học mà quyết định rẽ hướng khởi nghiệp trồng hoa lan.

Với chàng cử nhân Luật Kinh tế Lê Văn Khương, trồng lan vừa là cách thỏa đam mê, vừa là hướng khởi nghiệp.

Đi chơi và bén duyên với hoa lan

Trước mặt chúng tôi là 1 khu vườn chừng 600m đầy lan rừng các loại đến choáng ngợp, chủ nhân của nó là Lê Văn Khương. Trong không gian ấy có cả 1.000 giò lan lớn nhỏ, với hơn 60 loài, trong đó lan rừng chiếm 98%, cả những loài lan rừng quý hiếm cũng có như: quế lan hương, nghinh xuân, lan kim tuyến, hoàng thảo vạch vàng…

Chàng cử nhân trẻ Lê Văn Khương kể, trong 1 chuyến đi thăm nhà bạn cùng lớp đại học ở tỉnh Sơn La, nhìn thấy vẻ đẹp kiêu sa đầy mê hoặc của hoa phong lan trong vườn nhà bạn, Khương cảm thấy rất hứng thú và có ý tưởng muốn tạo một vườn lan như vậy ở quê nhà.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Khương về chia sẻ ý định trồng lan kinh doanh với bố mẹ, người thân trong gia đình, và bạn bè nhưng bị phản đối kịch liệt, gay gắt. Bởi lẽ, mọi người cho rằng với tấm bằng đại học có thể tìm được công việc ổn định, lương cao, lúc nào quần áo cũng bảnh bao. Trong khi đó, Khương không có kiến thức gì về cách trồng và chăm sóc lan. Vượt qua những ý kiến trái chiều cùng tình yêu mãnh liệt với vẻ đẹp của lan, Lê Văn Khương quyết định khởi nghiệp từ trồng lan với số vốn hơn 50 triệu đồng.

Lúc đầu mua lan về trồng do hoa chưa thuần với khí hậu nên bị chết, nhiều cây sống nhưng không ra hoa. Không nản chí, Khương dành thời gian tự tìm hiểu thông qua bạn bè, mạng xã hội, Internet. Rồi chàng cử nhân trẻ lân la đến các nhà vườn lan lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm từ các bậc tiền bối để hiểu thêm về sự phân bố và điều kiện sống của từng loại lan.

Từ thực tiễn đấy, Lê Văn Khương đúc kết thành những bí quyết trồng lan phù hợp cho vườn lan của mình. Theo Khương, muốn lan được phát triển tốt thì khâu kỹ thuật và quy trình chăm sóc cần được đặc biệt chú trọng. Ngoài 3 yếu tố cơ bản là độ ẩm, ánh sáng, độ thông thoáng, một yếu tố nữa quan trọng không kém đó chính là tình yêu đối với hoa lan.

Mỗi loại lan đều có một cách trồng khác nhau nên để hoa đẹp và phát triển mạnh, Khương luôn phun thuốc chăm định kỳ hàng tháng để hoa được phòng ngừa, sạch bệnh. “Khi mới tập tành chơi lan, mình thích lắm. Từ lúc trồng cho đến ra hoa, mình luôn theo dõi và chăm sóc chúng từng ngày như chăm sóc người yêu vậy. Chúng đòi hỏi phải quan tâm, chăm chút, bỏ vài hôm là bệnh ngay”, Khương chia sẻ.

Ngã rẽ khởi nghiệp

Thông qua mạng xã hội, bạn bè chơi lan giới thiệu, hoa lan Lê Văn Khương được khách hàng ở khắp cả nước từ địa đầu Tổ quốc cho đến đất mũi Cà Mau đặt mua. Mỗi ngày từ 10-20 giò lan, có ngày hơn 30 giò lan được anh xuất vườn bán đi khắp nơi, với thu nhập mỗi tháng trên dưới 10 triệu đồng. Những khách hàng quen biết hay mua lan của anh đều có chung một nhận xét vườn lan của anh Khương có nhiều giò lan đẹp và quý hiếm, cách tạo dáng rất phong phú cho đến cách chăm sóc chúng cho tốt nhất.

Là một người chơi lan lâu năm, anh Phạm Đình Lũy ở thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An (Phú Yên) nhận xét: “Tuy còn trẻ nhưng niềm đam mê trồng lan của Khương rất lớn, trong vườn nhà có nhiều loại lan đẹp và quý hiếm. Tôi thường xuyên đến đây để chiêm ngưỡng vẻ đẹp vườn lan, đồng thời hai anh em cùng nhau trao đổi kinh nghiệm với nhau để nâng cao kỹ thuật trồng lan”.

Ngoài ra, trong những cuộc triển lãm hoa phong lan hàng năm do CLB hoa lan các tỉnh thành tổ chức, Lê Văn Khương cũng hay mang hoa tham gia để giao lưu, học hỏi, bổ sung thêm kinh nghiệm trồng lan cho mình. Khương cho hay: “Ước mơ của mình là phát triển một vườn lan rộng lớn với nhiều loài lan, đồng thời bảo tồn các loài lan rừng quý hiếm để chúng không bị mai một. Khi mọi việc ổn định, mình sẽ trở lại theo đuổi ngành học đã chọn”.

Hơn 3 năm rong ruổi, nghiên cứu tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm trồng lan khắp nơi, bằng sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, nuôi ước mơ làm giàu từ hoa lan, Lê Văn Khương đã “sống” được từ vườn lan và dần tạo thương hiệu cho vườn lan của mình.

Theo Báo Phú Yên