Bình dị, khiêm nhường mà vĩ đại

20/08/2018 - 04:36

 - Sống trong thế kỷ XX đầy biến động, Bác Tôn chứng kiến nhiều biến cố lịch sử và sở hữu nhiều kỳ tích độc đáo, thú vị. Trước hết, đại danh từ Bác với sự kính trọng, yêu thương đặc biệt của Nhân dân Việt Nam tôn vinh Bác Hồ và Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Vinh dự này là độc nhất. Khi đất nước sống “trong đêm tối”, Bác Tôn đã thành lập Công hội bí mật đầu tiên ở tuổi 30, lãnh đạo phong trào đấu tranh mà điểm son là thắng lợi của công nhân Ba Son (Sài Gòn-Chợ Lớn) vào tháng 8-1925. Đây là hạt giống phát triển Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, không chỉ ở Sài Gòn mà cả Nam Bộ.

Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, Bác Tôn bị Pháp bắt lính, ép phục vụ ở chiến hạm France. Tháng 4-1919, chiến hạm này tiến vào Biển Đen bắn phá hải cảng Xê-vát-tô-pôn của Nga. Lúc 8 giờ ngày 20-4-1919, Bác Tôn cùng anh em binh biến, Bác đã phản chiến, làm gián đoạn cuộc tiến công. Với hành động quả cảm này, Bác Tôn là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ Cách mạng Tháng Mười Nga.

Mô hình chùa Một Cột do Bác Tôn làm trong những lúc rảnh rỗi

Mô hình chùa Một Cột do Bác Tôn làm trong những lúc rảnh rỗi

Tại “địa ngục trần gian”, Bác Tôn là một trong những đảng viên thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở nhà tù, mở ra thời kỳ đấu tranh có tổ chức, phương pháp với những mục tiêu trước mắt và lâu dài. Tại đây, Bác Tôn đề xướng và thành lập Hội Cứu tế tù nhân Côn Đảo đầu tiên, mục đích đấu tranh, đoàn kết, giúp đỡ nhau. Bác Tôn gương mẫu học tập, biến “nhà tù thành trường học cộng sản”, ra đời 2 tờ báo “Ý kiến chung” và “Tiến lên”, làm “tiếng nói” của chi bộ, vũ khí đấu tranh, tiếp nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin trong sự kiểm soát gắt gao của giặc.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng đến thăm công nhân nhà máy Ba Son sau ngày đất nước thống nhất 1975

Chủ tịch Tôn Đức Thắng đến thăm công nhân nhà máy Ba Son sau ngày đất nước thống nhất 1975

 Qua 17 năm bị đày đọa ở “địa ngục trần gian”, Bác Tôn về đất liền. Trong cảnh nước nhà “ngàn cân treo sợi tóc”, Bác Tôn là “kiến trúc sư” xây dựng tổ chức đoàn kết rộng rãi các tầng lớp Nhân dân. Ngày 2-5-1946, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Hội Liên Việt) thành lập, Bác Tôn giữ chức vụ Phó Chủ tịch, làm chủ soái của phong trào. Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất toàn quốc thông qua Cương lĩnh, Điều lệ mới quyết định là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bầu Bác Tôn làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc. Bác Tôn giữ trọng trách này đến năm 1977, là chủ tịch đầu tiên và lâu năm nhất.

Với những cống hiến to lớn cho đất nước và hòa bình thế giới, Bác Tôn được tặng nhiều huân, huy chương, phần thưởng cao quý... Bác Hồ đã khẳng định: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, suốt đời cần - kiệm - liêm - chính, suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.

Tháng 12-1955, Ủy ban Giải thưởng hòa bình quốc tế Lênin vinh danh Bác Tôn đối với cống hiến “Về sự nghiệp củng cố hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc”. Bác Tôn là người Việt Nam đầu tiên được tặng phần thưởng cao quý này. Năm 1958, Bác Tôn được tặng Huân chương Sao Vàng, là người Việt Nam đầu tiên nhận phần thưởng cao quý này của Nhà nước…

92 năm tuổi đời, 70 năm hoạt động cách mạng, 17 năm ở “địa ngục trần gian”, Chủ tịch Tôn Đức Thắng để lại cho chúng ta bản lĩnh cách mạng kiên cường, một đời sống bình dị, khiêm nhường mà vĩ đại, giàu tính nhân văn cao cả.

NGUYỄN RẠNG