Bộ Công Thương: Xuất khẩu tháng Tư giảm hơn 12% do nghỉ lễ kéo dài

04/05/2019 - 09:30

Theo Bộ Công Thương, trong 4 tháng đầu năm, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu xuất khẩu và đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung.

Nhiều doanh nghiệp ngành May đã có đơn hàng đến hết quý 3. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Do số ngày làm việc ít hơn nên kim ngạch xuất khẩu trong tháng Tư đã có sự sụt giảm khá mạnh so với tháng trước.

Giá nhiều mặt hàng nông sản đi xuống

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng 4/2019, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 19,9 tỷ USD, giảm 12,6% so với tháng 3/2019. Nguyên nhân chủ yếu là trong tháng có nhiều ngày nghỉ (dịp Giỗ Tổ và nghỉ lễ 30/4-1/5).

Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2018 và vượt con số 78,7 tỷ USD.

Cũng theo cơ quan này, sau 4 tháng, có tới 6/9 mặt hàng thuộc nhóm nông, thủy sản sụt giảm so với cùng kỳ năm 2018. Đơn cử, kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 1,3%, càphê giảm 22,6%, gạo giảm 21,7%, sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 4,5%...

Bên cạnh đó, giá nhiều mặt hàng nông sản cũng đi xuống. Tính riêng hạt điều đã giảm tới 20,8%, càphê giảm 10,4%, hạt tiêu giảm 25,9%, gạo giảm 14,9%, cao su giảm 8,7%.

Điểm sáng được ghi nhận là nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục giữ vững vai trò đầu và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung. Theo đó, xuất khẩu của nhóm này tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.

Một số mặt hàng có mức tăng trưởng khá cao, như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 12,6%); Hàng dệt may (tăng 9,8%); Giày dép các loại (tăng 13,4%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (tăng 4,1%); Gỗ và sản phẩm gỗ tăng (17,8%)...

Nói thêm về xuất khẩu dệt may, ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thông tin, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực may đã có đơn hàng hết quý 3, thậm chí là hết năm 2019.

“Đây là tín hiệu tích cực để ngành hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm nay,” ông Hiếu nói.

Trong khi đó, xuất khẩu vào các thị trường lớn cũng ghi nhận nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ đạt 17,8 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, thị trường EU đạt 13,7 tỷ USD, tăng 2,8%, thị trường ASEAN đạt 8,4 tỷ USD, tăng 7,3%. Hàn Quốc đạt 6,2 tỷ USD, tăng 7,3%. Nhật Bản đạt 6,1 tỷ USD, tăng 6,6%...

Hơn nữa, Việt Nam là một trong những thị trường đang hưởng lợi khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ tăng cao. Thông tin về điều này ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, trong 25 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tăng gần 120 lần, từ 450 triệu USD vào năm 1994 lên hơn 60 tỷ USD vào năm 2018.

“Nhiều năm liên tục, Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là một trong những thị trường xuất khẩu có mức tăng trưởng cao nhất của Hoa Kỳ,” ông Phú cung cấp thêm.

Xuất siêu hơn 710 triệu USD

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu tháng Tư giảm 2,6% so với tháng trước, ước đạt 20,6 tỷ USD. Trong số đó, Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 9,5%, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 1,4%, sắt thép các loại giảm 1,2%...

Tính chung 4 tháng đầu năm, con số nhập khẩu của cả nước ước đạt 78,05 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ 2018. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 32,80 tỷ USD, tăng 14,4% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 45,25 tỷ USD, tăng 7,6%.

Theo Bộ Công Thương, trong 4 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào các mặt hàng nguyên vật liệu trung gian phục vụ sản xuất hoặc gia công hàng xuất khẩu với tỷ trọng lên tới 88% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu.

Đáng chú ý, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 22,3 tỷ USD.

Với kết quả trên, sau 4 tháng đầu năm, cả nước đang xuất siêu khoảng 711 triệu USD, giảm khá mạnh so với con số xuất siêu 3,7 tỷ USD của cùng kỳ năm 2018.

Trong khi đó, để hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm nay, xuất khẩu trong 8 tháng còn lại của năm 2019 phải đạt từ 184 tỷ USD trở lên (tương ứng khoảng 23 tỷ USD/tháng), tăng khoảng 9 % so với cùng kỳ năm 2018.

Đây sẽ là mục tiêu khó khăn trong bối cảnh nhiều mặt hàng đang có dấu hiệu suy giảm. Do vậy, Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam với các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới, đặc biệt là đối với các mặt hàng Việt Nam có lợi thế và Trung Quốc đang có nhu cầu lớn như trái cây, thủy sản, gạo, càphê…

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh hơn vào Chương trình hành động thực thi Hiệp định CPTPP, đồng thời tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thị trường, chuẩn bị thủ tục, nguồn hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường các nước CPTPP...

Theo ĐỨC DUY (Vietnam+)