Bỏ tiêu, trồng 150 cây nhãn da bò trái vụ bán Tết, lãi ròng 170 triệu

19/02/2018 - 14:29

“Giá nhãn da bò bán dịp tết Nguyên đán cao gấp 3 lần so với chính vụ. Năm nay, 8 sào nhãn với 150 cây của gia đình tôi tròn 18 năm, sản lượng ước đạt 10-12 tấn. Với giá bán hiện nay, trừ chi phí điện, nước, phân bón, gia đình lời hơn 170 triệu đồng", ông Bùi Đình Luyến ở ấp 8, xã Lộc Thái (Lộc Ninh, Bình Phước) phấn khởi nói.

Ông Bùi Đình Luyến cho hay: "8 sào nhãn của gia đình tôi 18 năm nhưng vẫn cho sản lượng cao là nhờ bón phân chuồng và theo mô hình vườn - ao - chuồng phụ trợ để vượt qua thời kỳ giá “lao dốc”.

Giá nhãn cao gấp 3 lần

Đúng hẹn ngày rằm tháng chạp chúng tôi cùng Chủ tịch Hội CCB xã Lộc Thái Đỗ Trọng Quỳnh về chung vui thu hoạch nhãn tiêu da bò trái vụ bán tết của CCB Bùi Đình Luyến ở tổ 14, ấp 8. Vườn nhà ông Luyến gần cuối con đường đất nhấp nhô đá, hai bên đường đất thấp nên nhiều nhà đang tất bật chăm sóc các loại hoa cúc, vạn thọ phục vụ tết. Ấp 8 giáp ranh xã Lộc Hưng (Lộc Ninh), thuộc vùng sâu, xa của xã Lộc Thái. Mùa khô đi giữa vườn nhãn được làm mát bởi hệ thống tưới tự động nhỏ giọt, hương thơm ngọt ngào của nhãn chín làm ngất ngây khách đến thăm.

Dù giữa mùa khô, vườn nhãn da bò nhà ông Bùi Đình Luyến vẫn mát mẻ, thơm ngọt hương nhãn chín.

Ông Luyến phấn khởi nói: Nhãn chín rộ vào thời điểm tháng 8, tháng 9 âm lịch hằng năm. Giá nhãn tiêu da bò chính vụ năm nay nhà vườn bán tại chỗ cho thương lái bình quân từ 6.000-7.000 đồng/kg. Thời điểm này, nhãn trái vụ của gia đình tôi được thương lái mua 19.000-20.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần so với nhãn chính vụ. Ngoài phục vụ thị trường tết Nguyên đán Mậu Tuất 218, nhãn còn được thương lái chở sang Campuchia nên không sợ dội hàng bởi đang là thời điểm “giáp hạt” các loại trái cây. Năm nay, 8 sào nhãn với 150 cây của gia đình tôi tròn 18 năm, sản lượng ước đạt 10-12 tấn. Với giá bán hiện nay, trừ chi phí điện, nước, phân bón, gia đình lời hơn 170 triệu đồng.

Đây là năm thứ 2 ông Luyến làm nhãn trái vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao nên rất phấn khởi. Ông Luyến nói: “Làm nhãn trái vụ không khó nhưng phải đủ nước tưới trong mùa khô, bảo đảm vườn luôn giữ được độ ẩm trong ngày nắng nóng. Như vậy, nhãn mới đủ sức nuôi trái, cho cơm dày, hạt nhỏ, vị ngọt thanh. Từ bài học của mùa khô khốc liệt năm 2016, để làm nhãn trái vụ tôi đầu tư hệ thống tưới nước tự động, nhờ đó đã tiết kiệm nước tưới và giảm công lao động. Đối với vùng đất cát cao để giữ độ bền của cây, người trồng nhãn phải đắp mô lấp rễ và bón phân chuồng để bù đắp dinh dưỡng cho đất sau mùa mưa bị xói mòn, bảo đảm đất xốp giúp cây phát triển tốt”. Với cách chăm sóc này, vườn nhãn của gia đình ông Luyến đã trụ được 18 năm mà vẫn cho hiệu quả kinh tế cao.

Tỏa sáng phẩm chất bộ đội cụ Hồ

Ông Luyến kể về “duyên” với cây nhãn tiêu da bò: “Mùa xuân năm 1975, tôi tròn tuổi 18, cùng bạn bè trang lứa ở quê hương Nam Định háo hức lên đường nhập ngũ. Lúc này, chúng tôi hành quân đến đâu đều đem tin vui giải phóng miền Nam, đất nước hoàn toàn thống nhất đến đó. Sau đó, chúng tôi tiếp tục chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Năm 1980 giải ngũ. Tôi từ tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia về nước đi qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, dọc quốc lộ 13 tôi đã thấy “mê” vùng đất biên giới phủ xanh cao su nhưng vẫn còn đất rộng người thưa”.

Gia đình ông Luyến thu lời cao từ vườn nhãn da bò trái vụ với giá bán cao gấp 3 lần chính vụ.

Năm 1985, cuộc sống ở quê khó khăn, gia đình ông Luyến vào Nam lập nghiệp. Sau 2 năm làm công nhân cho Nhà máy xi măng Hà Tiên, ông quyết định chọn Lộc Ninh lập vườn làm kinh tế. Như nhiều nông dân ở Lộc Ninh, gia đình ông cũng chạy theo phong trào “trồng - chặt”, thế nên 1,3 ha đất phải qua nhiều loại cây như điều, cao su, hồ tiêu. Năm 2000, vườn tiêu không chịu được chất đất mùa mưa trũng nước, mùa khô cháy hạn nên dần “đội nón” ra đi. Giữa lúc loay hoay không biết trồng cây gì, ông được người hàng xóm quê miền Tây Nam bộ “bật mí” đất này thích hợp nhãn tiêu da bò. Nhãn tiêu da bò lúc đó có giá rất cao nên cả xóm đua nhau trồng với diện tích gần 100 ha. Những năm này, thị trường vùng biên giới còn hạn hẹp và khi nhãn của người dân ấp 8 cho thu hoạch thì giá “rơi thẳng đứng” chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg. Vậy là cả xóm lại đua nhau chặt nhãn để trồng cao su.

Không chặt nhãn mà chờ giá hồi phục, vợ chồng ông lấy thu nhập từ ao cá, bòn từng chục trứng chim cút bán lẻ ở chợ để nuôi cây nhãn. Khi quyết tâm theo nghề nông ông Luyến đã học tập kinh nghiệm các mô hình và chọn vườn - ao - chuồng để làm kinh tế, đồng thời tận dụng nguồn phân chuồng hữu cơ hóa sản xuất. Ngoài 1,3 ha đất đồi, ông còn mấy sào ruộng nên có lúa ăn và phục vụ chăn nuôi. Ông đào ao nuôi cá và tích trữ nước tưới cho mùa khô, trước đây nuôi chim cút và nay nuôi gà thả vườn để lấy phân bón 8 sào nhãn. Chỉ riêng nuôi gà mỗi năm 2 lứa, khoảng 300 con gia đình ông thu trên 30 triệu đồng.

Chủ tịch Hội CCB Đỗ Trọng Quỳnh khẳng định: Cần cù, sáng tạo trong phát triển kinh tế, ông Luyến là gương điển hình CCB sản xuất giỏi của xã. Ông tích cực tham gia hoạt động xã hội vùng sâu, xa. Nhiều năm liền ông là Chi hội trưởng CCB ấp 8, hiện nay còn được người dân tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng khu dân cư và đều làm tốt mọi việc.

Theo Báo Bình Phước