Bộ Y tế công nhận thực phẩm bảo vệ sức khỏe trà Chùm Ngây HERBAGI

22/05/2019 - 07:55

 - Tháng 2-2019, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã công nhận sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe trà Chùm Ngây HERBAGI (thường gọi là thực phẩm chức năng) do Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang (tổ 22, ấp Vĩnh Phước, xã Vĩnh Bình, Châu Thành) sản xuất phù hợp tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Quy cách đóng gói 20gr/gói x 20 gói. Chất liệu bao bì: sử dụng bao gói PE đạt theo QCVN 12-1:2011/BYT, sử dụng túi lọc phù hợp theo “Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7975:2008 chè thảo mộc túi lọc”.

Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe trà Chùm Ngây HERBAGI, do Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang sản xuất

ThS Nguyễn Công Kha (Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang) cho biết: “Dược chất chính trong trà Chùm Ngây là flavonoid. Cơ chế tác dụng của trà Chùm Ngây là bảo vệ sức khỏe được sản xuất từ 100% lá Chùm Ngây có tác dụng bổ sung protein, các loại khoáng chất và vitamin A,C,E... giúp ổn định huyết áp và đường huyết; hỗ trợ điều hòa lipid, bảo vệ tế bào gan và chống ô-xy hóa, giảm mỡ máu”.

Cây Chùm Ngây (Moringa oleifera Lam) được gọi là cây “thần diệu” vì chứa rất nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như: vitamin C, β-caroten, protein, các acid amin và nhiều hợp chất có tác dụng sinh học như: zeatin, flavonoid... Trong lá chứa nhiều vitamin A và C được coi là có tác dụng chữa bệnh scorbut và các bệnh viêm xổ, dịch ép được dùng làm thuốc gây nôn, bột nhão từ lá đắp trị vết thương. Lá Chùm Ngây với hàm lượng cao các vitamin, khoáng chất (kali, calci, magne, sắt), protein, chất xơ... nên hiện đang được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) xem là giải pháp ưu việt cho các bà mẹ thiếu sữa và trẻ em suy dinh dưỡng.

Cây Chùm Ngây là một trong số những thảo dược có giá trị trong chữa bệnh cũng như bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể. Nhiều nghiên cứu thực nghiệm và lâm sàng cho thấy, bột lá và các cao chiết từ lá Chùm Ngây có tác dụng bảo vệ tế bào theo hướng chống tổn thương ô-xy hóa, tác dụng kháng viêm giảm đau, chống loét dạ dày, tác dụng hạ huyết áp, tăng cường miễn dịch, tác dụng ổn định đường huyết và điều hòa rối loạn lipid máu. Chùm Ngây ức chế quá trình sinh tổng hợp cholesterol, làm giảm cholesterol trong tế bào gan. Lá Chùm Ngây có chứa các hoạt chất có tính chống ô-xy hóa cao như: acid cholorogenic, rutin... tác dụng hạ lipid máu.

ThS Kha cho biết: “Từ dự án “Xây dựng mô hình phát triển cây Chùm Ngây” ở vùng Bảy Núi, Chùm Ngây được trồng khá phổ biến tại 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc vận chuyển, bảo quản lá Chùm Ngây tươi rất khó do chúng nhanh bị úa, hư hỏng nếu không có điều kiện bảo quản thích hợp. Vì vậy, số lượng cây Chùm Ngây được trồng tại 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên giảm dần. Do đó, yêu cầu cấp thiết là nghiên cứu sản xuất trà Chùm Ngây túi lọc nhằm tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu tươi sẵn có và góp phần phục vụ du lịch tỉnh nhà”.

Năm 2015, Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang thực hiện nghiên cứu khảo nghiệm “Nghiên cứu sản xuất trà Chùm Ngây túi lọc” trong phòng thí nghiệm và theo kết quả thu thập ý kiến đánh giá của người tiêu dùng cho thấy, sản phẩm trà Chùm Ngây túi lọc có khả năng sản xuất quy mô lớn và thương mại hóa. Năm 2016, nhóm nghiên cứu tiếp tục “Nghiên cứu hoàn thiện và thương mại hóa sản phẩm trà Chùm Ngây túi lọc”. Cây Chùm Ngây là loại rễ củ dễ trồng, không đòi hỏi nhiều nước tưới, phù hợp thời tiết nắng, không kén đất và thu hoạch ngắn. Khi cây đâm rễ, đủ cứng cáp, bắt đầu đào lỗ trên đất trồng kích cỡ rộng và sâu gấp đôi chậu nhựa, ứng với mỗi lỗ đào cách nhau 1,5-2m. Cây Chùm Ngây 3 tháng tuổi bắt đầu cho thu hoạch, cây cao 60cm bắt đầu cắt ngọn, sau 6 tháng cây cao 2m là thời gian thu hoạch chính, trung bình cho từ 500 - 900gr lá tươi trên 1 cây mỗi tháng.

Tỉnh An Giang có kế hoạch tập trung xây dựng vùng nguyên liệu Chùm Ngây 2.000ha tại 9 xã của 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, khai thác từng bước 6.000ha đất trồng rừng hiệu quả thấp. Qua đó, tăng giá trị kinh tế từ 2 triệu đồng/ha/năm lên 20 triệu đồng/ha, góp phần tạo việc làm, thu nhập cao cho lao động nông thôn.

Trước đây đã có nhiều nghiên cứu trên cây Chùm Ngây. Nhóm nghiên cứu của Trung tâm Sâm và Dược liệu TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành sơ bộ tiêu chuẩn hóa nguyên liệu (thực vật học, hóa học) với nguyên liệu lá Chùm Ngây thu hái tại tỉnh Đồng Nai, tỉnh An Giang (Tri Tôn) và TP. Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy, hàm lượng flavonoid (hợp chất chính) trong lá non cao hơn lá già và hàm lượng flavonoid tính theo chuẩn quercetin trong lá Chùm Ngây thu hái tại huyện Tri Tôn (An Giang) là 3,63%, cao hơn so với các mẫu thu hái tại TP. Hồ Chí Minh (3,26%) và tỉnh Đồng Nai (3,39%). Những cao chiết (cao chiết cồn, cao chiết nước và flavonoid thô) từ lá Chùm Ngây thu hái tại An Giang đã được khảo sát định tính và định lượng theo các hợp chất đánh dấu sinh học (biomarker) là acid gallic, quercetin và isoquercitrin.

 

HẠNH CHÂU