Bồi dưỡng tình yêu sách cho sinh viên

20/09/2018 - 07:55

 - Trong buổi lễ trao tặng sách của GS.TS Philip Taylor (nhà nhân chủng học người Úc) cho thư viện nhà trường, PGS.TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang chia sẻ: “Cuộc sống là muôn màu, tri thức là vô tận, góc nhìn vấn đề luôn đa dạng, phong phú. Nếu chúng ta không chịu khó đọc sách hàng ngày, tự bồi dưỡng trình độ, tri thức, kỹ năng thì làm sao có thể kế thừa những giá trị nghiên cứu của thế hệ trước và tìm tòi những góc nhìn mới, năng động, tạo nên những sản phẩm mới cho xã hội”.

Cách đây 200 năm, nhà bác học Lê Quý Đôn từng viết: “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng, chẳng bằng kinh sử một vài pho”. Điều này đã khẳng định điều quý giá nhất của con người không phải là “vàng trăm, vạn lạng” mà chính là sách. Nói cách khác, sách là kho tàng vô giá đối với con người ở mọi thời đại, là người bạn thân thiết của sinh viên (SV) trong những năm tháng ngồi trên ghế giảng đường. So với SV thế hệ trước, các bạn SV ngày nay có nhiều cơ hội tra cứu, tìm tòi kiến thức qua sách vở, tạp chí, nguồn Internet hơn. Do vậy, các bạn trẻ nên dành nhiều thời gian hơn để đọc các loại sách nâng cao về chuyên ngành, sách bổ sung các kiến thức tự nhiên, xã hội, văn hóa.

GS.TS Philip Taylor giới thiệu sách cho sinh viên

Với mong muốn bổ sung thêm nguồn sách cho thư viện, tạo điều kiện cho SV An Giang tiếp cận nguồn tri thức mới, những kết quả từ những công trình nghiên cứu khoa học, GS.TS Philip Taylor đã trao tặng cho thư viện Trường Đại học An Giang 544 quyển sách (193 quyển sách bằng tiếng Anh và 397 quyển sách tiếng Việt), 13 tạp chí nước ngoài và 1 bản tóm tắt luận án tiến sĩ. Đây là kho tài liệu học thuật quý báu mà ông đã dày công tham khảo và biên soạn trong hoạt động nghiên cúu và giảng dạy, nay trao truyền cho giảng viên, SV học tập và nghiên cứu.

GS.TS Philip Taylor là nhà nhân chủng học người Úc, là thành viên của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Úc, chuyên nghiên cứu về ĐBSCL. Ông có rất nhiều bài viết, đầu sách viết về văn hóa, lịch sử, tôn giáo, dân tộc thiểu số và môi trường của vùng sông nước Nam bộ. Ông từng có nhiều năm sống và làm việc tại Việt Nam, dùng xe đạp rong ruổi đi khắp Nam Bộ, để tìm hiểu đời sống của người bình dân, hiểu cho bằng được tất cả mọi phong tục, tập quán, nghi lễ, tôn giáo, nét khác biệt của các cộng đồng dân cư, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để từ đó, viết nên những trang sách đậm màu sắc Việt và bằng tiếng Anh, ông đã để cả thế giới biết về Việt Nam ngày càng nhiều hơn.

Bạn Phạm Nguyễn Thúy Ly (lớp DH16NV, SV năm cuối ngành sư phạm Ngữ văn) bày tỏ: “GS.TS Philip Taylor đã làm em vô cùng ngạc nhiên và bất ngờ, vì em không nghĩ có một người nước ngoài đã dành hầu như cả cuộc đời và tình cảm cho vùng đất ĐBSCL để viết nên những công trình nghiên cứu, những quyển sách văn hóa mang tính thực địa rất cao. Nhìn lại thấy bản thân mình nhỏ bé vô cùng và hơi chút hổ thẹn, vì mình là người trẻ, có điều kiện, thời gian học tập và nghiên cứu mà chưa phát huy hết năng lực của bản thân. Chính  GS.TS Philip Taylor đã tiếp thêm nguồn động lực để em nỗ lực học tập tốt hơn. Ngay trên ghế nhà trường, em sẽ tiếp tục bồi dưỡng tình yêu sách, nguồn tri thức quý báu của nhân loại để làm nền tảng vững chắc cho công tác giảng dạy của mình ngay khi ra trường. Em tin chắc rằng, bản thân em ngày càng trưởng thành, học được những phẩm chất tốt đẹp hơn qua từng trang sách đang được thẩm thấu từng ngày”.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG

 

Liên kết hữu ích