Bom nổ chậm' từ điện thoại di động đang sạc pin

24/09/2018 - 21:15

Nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra khi người ta vừa sạc pin điện thoại di động, vừa sử dụng. Mới đây nhất, bé trai tên Trương Xuân H. (7 tuổi, ở Nghệ An) đã bị dập nát hai bàn tay khi chiếc điện thoại đang sạc bất ngờ phát nổ.

Nhiều người không biết vừa cắm sạc pin điện thoại, vừa sử dụng - Ảnh: Đậu Tiến Đạt

Theo các bác sĩ của Bệnh viện sản nhi Nghệ An, bàn tay trái của bé H. bị dập nát, phải cắt bỏ 3 ngón, một phần tay phải bị chấn thương nặng. Bên cạnh đó, cháu bé cũng bị tổn thương mắt, suy giảm thị lực.

Nhiều vụ nổ từ điện thoại di động

Vụ việc này không phải là minh chứng hiếm hoi của những vụ tai nạn thương tâm do điện thoại di động phát nổ khi đang sử dụng.

Trước đó, hồi tháng 2-2018, cũng ở Nghệ An, một học sinh lớp 8 trú xã Châu Thôn, huyện Quế Phong cũng phải nhập viện cấp cứu vì sử dụng trên điện thoại đang cắm điện sạc.

Tháng 5-2017, một họa sĩ trú ở TP.HCM cũng gặp một vụ nổ tương tự với điện thoại di động. Khi sạc điện và thấy pin điện thoại của mình bị phồng, anh này đã rút điện mang ra cửa hàng để kiểm tra. Pin vừa tháo ra khỏi máy đã bất ngờ phát nổ khiến tất cả mọi người sợ hãi. Rất may mắn, không có thương vong xảy ra.

Chiếc điện thoại vừa sạc pin vừa sử dụng như một quả bom nổ chậm - Ảnh: Đậu Tiến Đạt

Trên thế giới cũng xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng từ chiếc điện thoại đang sạc pin. Tờ Channel News Asia đưa tin hồi tháng 6-2018, một nạn nhân tên Nazrin Hassan (45 tuổi, ở Malaysia) qua đời vì những vết thương khi chiếc điện thoại di động đang sạc ngay cạnh ông phát nổ.

Tháng 12.2017, theo ABC7 một nạn nhân người Mỹ vừa cầm điện thoại đang sạc pin vừa nhắn tin, chiếc điện thoại phát nổ, anh này đã kịp thời quăng điện thoại xuống sàn nhà và bị bỏng ở ngón tay.

Không chỉ điện thoại thông minh vừa sạc pin vừa sử dụng mới có thể phát nổ. Hồi tháng 9-2014, một phụ nữ tại TP.HCM đang chở con trên đường thì chiếc điện thoại đời cũ để trong túi quần cũng phát nổ khiến bà này bị thương ở đùi.

Lời cảnh tỉnh tới người sử dụng

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, 27 tuổi, mẹ của cô con gái 3 tuổi, giáo viên mầm non thành phố Bắc Giang, cho hay: “Tôi đọc báo thấy vụ em bé nát cả 2 bàn tay vì điện thoại phát nổ thì hoảng hốt nhìn sang con gái đang nằm ngủ cạnh mình. Bình thường cháu hay cầm điện thoại của mẹ để xem bài hát trên YouTube. Có lần điện thoại hết pin, tôi cắm điện thoại sạc và cho con xem bình thường. Lạy trời là không sao. Giờ tôi sẽ kiểm soát, kẻo có lúc hối hận không kịp”.

Anh Phan Hoàng Minh, 35 tuổi, kiến trúc sư, trú đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh, TP.HCM, thừa nhận: “Có lúc vì công việc, điện thoại hết pin, phải trả lời khách hàng nên tôi vẫn sạc pin và nghe, gọi điện thoại. Qua việc này, tôi sẽ cẩn trọng hơn”.

Bà Phạm Thị Phương Hoa, 52 tuổi, buôn bán tại chợ Rạch Ông, đường Nguyễn Thị Tần, quận 8, TP.HCM, hoảng hốt: “Tôi vẫn dỗ cháu ngoại ăn bằng cách cho nó xem điện thoại di động. Có lúc vừa cắm sạc vừa cho cháu xem. Phúc đức là chưa có vụ gì. Giờ thì không bao giờ mình dám liều như thế”.

Anh Phan Văn Hòa, chủ trung tâm kinh doanh, sửa chữa điện thoại di động Hòa Bỏng (khối 5, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) đưa ra 4 cảnh báo tới người sử dụng điện thoại di động.

Anh Hòa lưu ý, những cảnh báo này áp dụng với tất cả các loại điện thoại, máy tính bảng, không phân biệt các thương hiệu, đời cũ hay thông minh (smartphone): “Thứ nhất, tuyệt đối không được vừa sạc điện thoại vừa sử dụng. Thứ 2, không sạc máy qua đêm. Việc để điện thoại sạc pin ngay đầu giường ngủ cũng nguy hiểm. Thứ 3, lúc sử dụng nếu thấy máy nóng phải dừng lại ngay, để cho máy mát mới tiếp tục sử dụng. Thứ 4, khi sử dụng nếu thấy pin điện thoại bị phồng phải ngừng sử dụng, mang ra cửa hàng kiểm tra ngay. Vì pin bị phồng là nguyên nhân gây nổ nhiều nhất. Khi thay, không nên ham rẻ mà lựa chọn những pin không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng thấp. Nhiều người không biết, luôn nghĩ là pin nào dùng cũng được”.

Nên kiểm soát chặt chẽ việc cho trẻ em dùng điện thoại di động, máy tính bảng - Ảnh: Ngọc Dương

“Điều vô cùng nguy hiểm đó là nhiều người thấy pin điện thoại của mình bị phồng lên thì lấy thanh sắt tì đè nó xuống. IC của điện thoại sẽ chạy đến một ngưỡng nào đó sẽ rất nóng, kéo theo pin nóng, khi đó nếu người dùng dùng lực đè cho nó phẳng lại thì nổ là chuyện rất dễ xảy ra”, anh Hòa nhấn mạnh.

Theo anh Hòa, trước đây một số điện thoại di động có pin rời, người dùng dễ kiểm tra xem pin có bị phồng hay không. Hiện nay, đa phần điện thoại có pin liền khối, người ta sẽ khó biết trạng thái của pin.

“Tuy nhiên, một số điện thoại di động thông minh hiện nay có chức năng cảnh báo khi điện thoại bị nóng, nó sẽ yêu cầu người ta tạm dừng sử dụng để đảm bảo an toàn. Người dùng không nên bỏ qua cảnh báo này”, anh Hòa nói.

Anh Hòa cũng cho rằng, phụ huynh nên kiểm soát chặt chẽ việc cho trẻ em dùng điện thoại, máy tính bảng, dùng lâu không tốt cho mắt, trí não, đặc biệt nếu các con dùng khi điện thoại, máy tính bảng còn cắm sạc pin thì nguy cơ gặp tai nạn thương tâm nếu thiết bị phát nổ là khó tránh.

Theo THÚY HẰNG (Thanh Niên)