Buổi tiếp xúc cử tri đặc biệt

01/05/2018 - 07:53

 - Đến hẹn lại lên, trước mỗi kỳ họp Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh An Giang lại có buổi “tiếp xúc cử tri đặc biệt”: làm việc, gặp gỡ với Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành. Qua đó, ĐBQH nghe tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) những tháng đầu năm của tỉnh, các kiến nghị của địa phương đối với Trung ương; đồng thời các vị ĐBQH có dịp phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri qua tiếp xúc tại địa bàn với lãnh đạo tỉnh.

Theo UBND tỉnh, một vướng mắc cần được tháo gỡ khi Khoản 3, Điều 191 Luật Đất đai 2013 quy định: hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp (SXNN) thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng, cho đất trồng lúa.

Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6-1-2017 của Chính phủ quy định, UBND cấp xã có trách nhiệm xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp SXNN khi thực hiện thủ tục nhận chuyển nhượng, nhận tặng, cho đất trồng lúa.

Tuy nhiên, nhiều người dân chưa đồng tình với thủ tục này, vì từ trước đến nay, việc mua đất lúa không bắt buộc xác nhận đối tượng trực tiếp SXNN. Nhiều trường hợp ký hợp đồng mua bán, trả tiền cọc cho nhau, nhưng khi làm thủ tục sang tên thì UBND xã xác nhận không đủ điều kiện, làm phát sinh các tranh chấp, khiếu kiện.

Mặt khác, UBND xã xác nhận vẫn còn chậm, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Riêng đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thì không đủ điều kiện được chuyển nhượng, nhận tặng, cho đất trồng lúa, nên một số cán bộ, công chức bức xúc.

Vì vậy, tỉnh kiến nghị với Đoàn ĐBQH tỉnh: trong quá trình tham gia, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2003, nên xem xét bỏ quy định phải là đối tượng trực tiếp SXNN mới được nhận chuyển nhượng, nhận tặng, cho đất trồng lúa. Quy định này không phù hợp với quá trình tích tụ đất đai SXNN hàng hóa.

Buổi tiếp xúc cử tri đặc biệt

Trưởng đoàn ĐBQH Võ Thị Ánh Xuân kết luận tại buổi làm việc

Liên quan đến lĩnh vực giao thông, tuyến đường N1 dọc biên giới Việt Nam - Campuchia, đi qua 4 tỉnh: Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang. Riêng đoạn đi qua An Giang dài khoảng 68km, đã được Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) đầu tư hoàn thành đoạn từ Châu Đốc đến ranh Hà Tiên, dài 48km.

Tuyến đường tạo điều kiện thuận lợi cho VT hàng hóa và hành khách, góp phần phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh cho khu vực. Đoạn còn lại (từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc) được Bộ GT-VT ghi nhận, đưa vào kế hoạch trung hạn, ưu tiên 2.

Bên cạnh đó, khi cầu Cao Lãnh hoàn thành, tuyến đường bộ phía Campuchia nối từ Quốc lộ 1 đến cửa khẩu Vĩnh Xương xây dựng xong, việc quy hoạch và nâng cấp tuyến Quốc lộ 80B (nối từ cầu Cao Lãnh đến cửa khẩu Vĩnh Xương) là cần thiết. Đây là tuyến đường được tỉnh quy hoạch nâng cấp từ các tuyến Tỉnh lộ: 948 (Đồng Tháp), 942, 954, 952 chạy dọc sông Tiền, đảm nhận vai trò vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, giảm áp lực cho tuyến Quốc lộ 91.

Đồng thời, đóng vai trò tuyến đường bộ liên kết đối ngoại, đáp ứng nhu cầu lưu thông trao đổi hàng hóa, thúc đẩy phát triển KT-XH giữa các tỉnh ĐBSCL với Campuchia qua cửa khẩu đường bộ quốc tế Vĩnh Xương và Kaosamnor. Do vậy, tỉnh mong muốn sớm được đầu tư nâng cấp các tuyến đường này.

Ngoài ra, tỉnh còn kiến nghị Đoàn ĐBQH tiếp tục có ý kiến với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét, sớm hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án đầu tư cụm dân cư để di dời khẩn cấp các hộ dân vùng sạt lở nghiêm trọng ở vùng ĐBSCL nói chung, An Giang nói riêng; thông qua Đề án sáp nhập Trường Đại học An Giang vào Trường Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Kết luận buổi làm việc, Trưởng đoàn ĐBQH, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân khẳng định: sự phối hợp giữa tỉnh và Đoàn ĐBQH ngày càng tốt, hiệu quả hơn; nội dung các buổi “tiếp xúc cử tri đặc biệt” được chuẩn bị mang tính khái quát cao, thiết thực, đúng tầm; việc phối hợp giữa tỉnh và các hoạt động tiếp xúc cử tri, đóng góp dự thảo luật… của Đoàn ĐBQH ngày càng chu đáo, hiệu quả, góp phần tạo bước tiến đáng kể trong thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị.

Các ý kiến, đề xuất của cử tri, UBND tỉnh, các sở, ngành là tư liệu để các vị ĐBQH nghiên cứu, tìm thời điểm và cách thức phù hợp kiến nghị đến Trung ương, Quốc hội, sau đó đăng ký làm việc với các bộ, ngành để đạt hiệu quả cao nhất.

“Không chỉ vậy, An Giang nên nghiên cứu cơ chế, chính sách để chủ động thực hiện. Thứ nhất, những vấn đề Trung ương, Chính phủ đã cho chủ trương, nhưng chưa thực hiện đại trà, tỉnh có thể xin làm thí điểm trước nếu đủ điều kiện. Thứ hai, cần tư duy, tìm ra hướng đi mới cho tỉnh, rồi sau đó xin cơ chế chính sách cả vùng ĐBSCL để liên kết các tỉnh cùng thực hiện. Vấn đề này không dễ, nhưng nếu không làm, tỉnh sẽ không phát triển nhanh được.

Với các kiến nghị của tỉnh, trong thời gian chờ đợi, tỉnh cần thực hiện tốt các nội dung thuộc thẩm quyền Trung ương đã giao; chủ động thực hiện các giải pháp về GT, y tế, chế độ người có công… đáp ứng yêu cầu trước mắt của người dân. Qua tiếp xúc cử tri, chúng ta nghe rất nhiều ý kiến khen ngợi lẫn tâm tư, bức xúc, kiến nghị của Nhân dân.

Ngoài việc giải thích cho dân hiểu, tin tưởng, cần điều chỉnh điều hành trong phát triển KT-XH, từng bước khắc phục để mỗi lần tiếp xúc cử tri bà con sẽ hài lòng hơn. Mặt khác, mong rằng sau mỗi đợt “tiếp xúc cử tri đặc biệt” như thế này, chúng ta ít nội dung phải lo lắng và có nhiều nội dung mới, mang tầm quan trọng để kiến nghị với QH tốt hơn”- Trưởng đoàn ĐBQH, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân  nhấn mạnh.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH