Buồn vui nghề công tác xã hội

05/04/2019 - 07:29

 - Thấu hiểu, sẻ chia, kết nối, hỗ trợ những đối tượng yếu thế trong xã hội để họ tự vươn lên trong cuộc sống… là những công việc rất đặc thù của nghề công tác xã hội (CTXH). Từ những cụ già neo đơn đến những nạn nhân mua bán người hay các trường hợp trẻ khuyết tật nặng, những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn trong bệnh viện… rất cần sự kết nối, hỗ trợ của nhân viên CTXH.

Kết nối, sẻ chia

Miễn phí cước gọi, bí mật được giữ kín… là những lợi thế của Trung tâm Kết nối đường dây nóng phòng, chống mua bán người và tư vấn tâm lý, hỗ trợ mua bán trẻ em (thông qua tổng đài 1800 8077). Từ những lợi ích đó mà mật độ cuộc gọi không ngừng tăng lên, qua đó tình trạng bạo hành, xâm hại, nguy cơ mua bán trẻ em được ngăn chặn kịp thời. Từ năm 2013 đến nay, tổng đài 1800 8077 tiếp nhận hơn 22.525 cuộc gọi, đồng thời, mỗi năm tiếp nhận 400 - 500 trường hợp cần hỗ trợ và hàng ngàn cas tư vấn; cấp huyện hỗ trợ khoảng 200 trường hợp, tư vấn khoảng 600 cas. Nếu trẻ chưa có khai sinh thì nhân viên CTXH sẽ tìm hiểu, hỗ trợ làm khai sinh; nếu bỏ học thì tổ chức tham vấn, hỗ trợ để trẻ tiếp tục đi học… Đến nay, đã có hơn 200.000 lượt trẻ được hỗ trợ như thế.

Tổ CTXH thuộc Phòng Điều dưỡng (Bệnh viên Đa khoa Trung tâm An Giang) gồm 6 thành viên, thực hiện nhiều hoạt động: khám, chữa bệnh; cấp phát thuốc miễn phí; tiếp nhận, khám và điều trị tại bệnh viện; hỗ trợ tư vấn, thăm hỏi, động viên, nhất là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn… Bác sĩ Nguyễn Thị Phi Yến, Trưởng phòng Điều dưỡng (phụ trách Tổ CTXH) cho biết, bệnh viện là nơi cần có hoạt động của CTXH nhất. Người làm CTXH ở bệnh viện không chỉ có vai trò hỗ trợ bệnh nhân, mà còn hỗ trợ thầy thuốc giảm bớt áp lực công việc, nâng cao hiệu quả điều trị, chất lượng dịch vụ. Người làm CTXH đảm nhiệm vai trò cầu nối giữa người bệnh và bác sĩ, giúp người bệnh yên tâm, tăng sự hài lòng khi sử dụng dịch vụ y tế.

Ông Nguyễn Hoàng Khanh, Giám đốc Trung tâm CTXH (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện vẫn còn rất nhiều người nhầm lẫn CTXH với hoạt động từ thiện - xã hội, xem CTXH là công tác từ thiện. Thực chất CTXH là một nghề chuyên nghiệp được công nhận, đào tạo bài bản ở các trường đại học với ngành nghề cụ thể. Hoạt động CTXH là kết nối dịch vụ để giúp thân chủ (các đối tượng yếu thế trong xã hội, kể cả người giàu nhưng bị sang chấn tâm lý) để họ tự vươn lên hòa nhập cộng đồng… “Cả nước hiện chỉ vài trường đào tạo ngành CTXH, nên chưa đáp ứng đủ nguồn nhân lực làm CTXH. Mặt khác, ở một số nơi, cấp ủy, chính quyền, nhân dân chưa hiểu rõ về CTXH, cũng như chưa rõ về vai trò, ý nghĩa của CTXH, nghĩ rằng là làm từ thiện, vận động, hỗ trợ khó khăn… Chính vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của lãnh đạo, quản lý và cộng đồng đối với CTXH. Đặc biệt, tạo điều kiện để người làm CTXH hoạt động bài bản, đồng thời phát triển các mô hình CTXH để người yếu thế kết nối dịch vụ, tự thân vươn lên” - ông Khanh thông tin.

Nhiều kỷ niệm vui buồn khiến ông Khanh khó quên nghề này. “Năm 2012, khi chúng tôi kết nối trợ giúp cho 2 trẻ em mồ côi là người dân tộc thiểu số Chăm ở huyện An Phú. Do cha mẹ 2 em ly thân, bỏ rơi, nên chúng tôi kết nối để đưa 2 em vào Trung tâm Bảo trợ xã hội nuôi dưỡng. Tuy nhiên, 2 trường hợp này đang được công an điều tra trong 1 đường dây mua bán trẻ em. Chính những người thân có ý định bán 2 em sang Malaysia. Khi nhân viên CTXH đến kết nối với các em thì bị công an giữ lại. Mặc dù nhân viên CTXH trình thẻ, giới thiệu đang làm CTXH… nhưng công an cũng chưa hiểu rõ Trung tâm CTXH cũng như ý nghĩa của hoạt động CTXH. Tôi trực tiếp xuống làm việc, trưng ra quyết định, văn bản… thì mới được bảo lãnh nhân viên CTXH về” - ông Khanh chia sẻ.

Thời gian qua, đường dây nóng tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em “111” và tổng đài 1800 8077 (bảo vệ trẻ em, hỗ trợ trẻ em và phòng, chống mua bán người) hoạt động rất hiệu quả. Hoạt động tư vấn tại Trung tâm CTXH- Bảo vệ trẻ em cấp tỉnh thực hiện tốt, hiệu quả (năm qua hỗ trợ tư vấn trực tiếp tại trung tâm 446 lượt cho các trẻ bị xâm hại, trẻ tự kỷ... tiếp nhận tư vấn qua tổng đài trung tâm kết nối đường dây nóng phòng, chống mua bán người “1800 8077” là 1.743 cuộc), cùng với hoạt động của 2 Văn phòng CTXH cấp huyện đã thực hiện khá tốt các nhiệm vụ hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế và bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, góp phần giúp đỡ họ tiếp cận kịp thời các dịch vụ xã hội.

Công việc thầm lặng đầy ý nghĩa

Nghề CTXH đã và đang có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bình đẳng và tiến bộ của mỗi quốc gia. Đặc biệt, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến đời sống của từng cá nhân, từng nhóm nhỏ và cộng đồng những người yếu thế. CTXH là một nghề mới ở Việt Nam, cũng như trên địa bàn tỉnh An Giang, hầu như mọi người còn lạ lẫm với tên gọi của nghề. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đất nước, nghề CTXH được công nhận là một nghề với nhiều công việc đáp ứng nhu cầu phục vụ xã hội, được đánh giá có những đóng góp tích cực vào hỗ trợ các vấn đề xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của những nhóm người yếu thế trong xã hội.

Tỉnh An Giang hiện có trên 80.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng, có 1.470 người khiếm thị, khoảng 5.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý và trên 46.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống, người tâm thần. Toàn tỉnh hiện có 19.989 hộ nghèo, 31.690 hộ cận nghèo, mỗi năm có khoảng 300 hộ gia đình bị thiên tai, hỏa hoạn cần cứu trợ đột xuất. Tất cả những đối tượng trên đều là những nhóm người yếu thế dễ bị tổn thương trong xã hội đang cần sự quan tâm của nhà nước, trợ giúp của cộng đồng và xã hội.

Sau 9 năm triển khai đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn tỉnh, đến nay, nghề CTXH đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống chính sách an sinh xã hội từng bước hoàn thiện, bảo đảm các nhu cầu cơ bản của đối tượng về trợ giúp, nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, dạy nghề và hòa nhập cộng đồng. Đối tượng trợ giúp từng bước được mở rộng, mức trợ cấp ngày càng cao, cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân viên làm CTXH trong lĩnh vực an sinh xã hội ngày càng được mở rộng. Đó là những người làm việc trong các lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, trợ giúp người khuyết tật; phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng yếu thế; giảm nghèo, bảo trợ xã hội…

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phan Văn Tuấn trăn trở: “Tôi mong muốn nghề CTXH sẽ phát triển mạnh mẽ theo hướng đổi mới mang tính chiều sâu hơn để bảo vệ quyền con người, xây dựng xã hội công bằng, bình đẳng. Thế nên, mong các sở, ngành liên quan, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực CTXH quan tâm thực hiện tốt để hoạt động mang nhiều màu sắc hơn. Đồng thời, mong muốn toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, cán bộ ở địa phương tiếp tục nỗ lực phấn đấu, tự hoàn thiện bản thân, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, phát huy hết khả năng gắn với vị trí việc làm, tinh thần chủ động sáng tạo, vươn lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, nhằm thúc đẩy CTXH mang nhiều ý nghĩa thiết thực, thực hiện nhiệm vụ ngày càng tốt hơn”.

Buồn vui nghề công tác xã hội

Bác sĩ Nguyễn Thị Phi Yến chia sẻ vui buồn trong hoạt động công tác xã hội.

Buồn vui nghề công tác xã hội

Hoạt động của nhóm truyền thông phòng, chống mua bán người.

Buồn vui nghề công tác xã hội

Truyền thông phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em và an toàn trên mạng. 

HỮU HUYNH