Cà Mau: Huyện Trần Văn Thời nỗ lực xây dựng nông thôn mới

18/06/2018 - 13:53

Có dịp thăm lại huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) vào những ngày đầu tháng 6, tôi mới thấy được sự thay da đổi thịt của vùng đất giàu truyền thống cách mạng này.

A A

Ông Lê Phong, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời

Điều đầu tiên trước mắt tôi, đó là sự nỗ lực, vượt khó của cả Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân nơi đây trên chặng đường xây dựng NTM.  

Khởi sắc đường quê

Hôm thăm lại huyện Trần Văn Thời, trên đường đi, bất chợt xuất hiện cơn mưa rào, tôi vội tấp vào một quán nước ven đường và gọi ly cà phê. Vừa nhấp nháp ly nước vừa trú mưa. Trong lúc đợi mưa tạnh, tôi có trò chuyện với ông Trần Văn Dân 58 tuổi, ngụ xã Lợi An và được biết, huyện Trần Văn Thời nay đã khác xưa, xe cộ bây giờ bon bon chạy khắp các nẻo đường, người dân địa phương thì cần cù chịu khó. Những nơi chưa có lộ bê tông đi đến, thì người dân cũng hì hục đắp lộ đất đen thẳng tấp, để chờ đến lúc chính quyền xây dựng thì bắt tay vào làm ngay, khỏi phải đợi lâu.

Mưa tạnh, rời quán cà phê, trên đường đi, tôi bắt gặp hình ảnh người dân địa phương cặm cụi cải tạo đất quanh nhà, trồng rau màu, cây ăn trái để tăng thu nhập. Dù mệt mỏi nhưng ở họ luôn nở nụ cười trên môi. Thái độ cởi mở, hiền hòa của người nông dân nơi đây khiến tôi nhớ mãi.

Anh Trần Tuấn Hoàng 36 tuổi, người trồng màu ở xã Trần Hợi, phấn khởi: “Nhờ xây dựng NTM mà nông sản tôi trồng trong những năm gần đây luôn được thương lái đến tận nhà để thu mua. Giá cả cũng ổn định. Không còn cảnh khi thu hoạch lại chật vật thuê đò vận chuyển ra chợ bán như trước đây”.

Được biết, đến cuối tháng 5, trên địa bàn huyện đã xây dựng được 10,59 km đường GTNT (rộng 1,5 m) với tổng trị giá trên 5 tỷ đồng; nâng cấp, mở rộng được 10,66 km lộ (rộng 3m) với tổng kinh phí xây dựng trên 16 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện còn vận động Nhân dân, bồi trúc lộ đất đen, phát quang bụi rậm được 78 km. Góp phần, giúp cho việc đi lại của người tham gia giao thông địa phương được thông suốt.

Ông Lê Phong, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, bộc bạch: “Từ lúc triển khai xây dựng NTM đến nay, địa phương luôn gặp nhiều khó khăn. Nhất là trong việc xây dựng hạ tầng nông thôn, muốn đạt được tiêu chí này, đòi hỏi ở địa phương cần phải có nguồn kinh phí lớn. Đến thời điểm này, dù hạ tầng nông thôn còn nhiều khó khăn, nhưng đổi lại, nhận được sự đồng thuận từ người dân trong xây dựng NTM, đó là điều đáng trân trọng và sẽ tiếp tục phát huy”.

Cùng với đó, huyện luôn quan tâm, nạo vét hệ thống thủy lợi trong sản xuất nông nghiệp. Điện về nông thôn được xây dựng, mở rộng nhiều tuyến với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng. Đến nay, huyện Trần Văn Thời có 99,7% người dân có điện thắp sáng, có 39 điểm trường đạt chuẩn quốc gia.

Theo ông Phong, dù hiện tại đường về đích NTM của địa phương sẽ còn rất xa và cần rất nhiều nguồn lực từ các cấp, các ngành, để hỗ trợ cho địa phương. Tuy nhiên, diện mạo GTNT của huyện ngày một tươi mới nhờ sự chung tay xây dựng, gìn giữ và tạo cảnh quang của người dân địa phương.

“Tôi thật sự rất mừng vì tinh thần hưởng ứng trong xây dựng NTM của người dân rất cao. Nhờ đó, diện mạo nông thôn của địa phương từng bước khởi sắc, tươi mới thông qua đôi bàn tay khéo léo, tỉ mẫn của người dân”, ông Phong nói.  

Nỗ lực xây dựng NTM

Dù địa phương đã có nhiều nổ lực trong công tác giảm nghèo. Tuy nhiên, do thiếu đất sản xuất, người dân không nghề nghiệp ổn định là nguyên nhân khiến cho tình trạng nghèo khó đeo đẳng.

Diện mạo nông thôn ngày một khởi sắc, tươi mới

Được biết, thu nhập bình quân theo đầu người của huyện Trần Văn Thời hiện nay là 37 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm hơn 11%. Trong đó, hộ nghèo chiếm 7,68%, cận nghèo là 3,74%.

Được biết, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất (thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững), đến nay các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã triển khai được nhiều dự án như, nuôi heo thịt, heo sinh sản, nuôi gà, vịt theo chuẩn an toàn sinh học và nuôi dê sinh sản…các dự án được triển khai thực hiện với số tiền trên 2 tỷ đồng.

Hiện huyện Trần Văn Thời có 11/11 xã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học đúng tuổi, đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục THCS và đạt chuẩn quốc gia về phổ cập mầm non. Song song đó, toàn huyện có hơn 84% dân số sử dụng BHYT, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 91%, có 3/11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, các xã còn lại đạt từ 7 – 13 tiêu chí. Tình hình ANTT trên địa bàn huyện trong thời gian qua được dẩy lùi, nạn tranh chấp, khiếu kiện được chú trọng quan tâm, giải quyết triệt để ngay từ cơ sở.

“Sắp tới huyện sẽ tranh thủ vận động các nguồn xã hội hóa, mời gọi các nhà đầu tư, xây dựng nhà xưởng để kinh doanh mua bán tại địa phương, tạo việc làm cho lao động địa phương. Có như vậy, thì huyện mới mong khởi sắc trên chặng đường tìm đến đích NTM”, ông Phong cho biết thêm.

Rời huyện Trần Văn Thời, tôi trong tâm trạng băn khoăn về vấn đề hạ tầng nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo cao…trong khi địa phương đang loay hoay để tìm hướng khắc phục. Dù khó khăn, bộn bề là vậy nhưng tôi tin rằng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Trần Văn Thời luôn có một nội lực mạnh mẽ, biết vươn lên từ trong gian khó nên chặng đường về đích NTM của địa phương chỉ còn là vấn đề thời gian.

Theo TRẦN DUY (Nông Nghiệp)