Cà Mau: Nâng tầm thị trấn ven biển

21/09/2018 - 14:33

Là trung tâm hành chính của huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), thị trấn Rạch Gốc hội đủ các điều kiện để thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển, đi lên.

A A

Hiện địa phương này có thế mạnh về nuôi trồng và khai thác thủy sản, vì vậy, các dịch vụ hậu cần nghề cá tại đây phát triển rất rõ nét. Từ đó, giúp cho đời sống của người dân địa phương được nâng lên.  

Kinh tế phát triển nhờ hạ tầng

Ông Huỳnh Thanh Đảm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc, thông tin: “Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành để hỗ trợ địa phương trong xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Nhờ đó, thị trấn Rạch Gốc mới có điều kiện thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Một khi kinh tế đã phát triển thì kéo theo nhiều thành tựu tích cực”.

Ông Huỳnh Thanh Đảm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc

Theo ông Đảm, nếu một địa phương có nền kinh tế phát triển thì đời sống của người dân ở địa phương đó sẽ được nâng lên, giảm dần tỷ lệ hộ nghèo và đặc biệt, sẽ giải quyết được bài toán khó về việc làm cho lao động nhàn rỗi ở vùng nông thôn.

“Nếu như trước đây, địa phương là điểm nóng về tình hình ANTT, bởi nhiều thanh, thiếu niên không có nghề nghiệp ổn định, thường hay tụ tập, la cà rồi gây gổ, đánh nhau. Từ khi đường sá trên địa bàn thị trấn được đầu tư xây dựng, các nhà máy, xí nghiệp được dựng lên, thì nhiều lao động nhàn rỗi đã có việc làm ổn định. Nhờ đó, tình hình ANTT tại địa phương dần đi vào nề nếp, đẩy lùi các loại tệ nạn xã hội”, ông Đảm cho biết.

Được biết, từ khi hệ thống đường bộ trên địa bàn thị trấn Rạch Gốc được thông suốt, không còn cảnh lụy đò như trước đây, nhất là từ khi tuyến đường Hồ Chí Minh được đưa vào sử dụng, thì bộ mặt của thị trấn Rạch Gốc khởi sắc trông thấy. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của địa phương đạt hơn 40 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ học sinh đến trường đạt 100%, cơ sở tầng về điện, đường, trường, trạm… đã ổn định, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, học tập của người dân địa phương.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thị trấn Rạch Gốc có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, đạt trên 5.955 tấn, chiếm 49,62%, tôm đạt 3.067 tấn, chiếm 76,86%. Trong đó, sản lượng NTTS ước đạt 1.943 tấn, chiếm 62,67%; khai thác thủy sản ước đạt 4.256 tấn, chiếm 47,82%.

Nhờ có địa thế thuận lợi trong việc thu hút tàu thuyền ra vào neo đậu, mua bán nên tại thị trấn Rạch Gốc có nhiều doanh nghiêp đến xây dựng cơ sở để thu mua các mặt hàng thủy sản với số lượng lớn và thường xuyên xuất hàng đi tiêu thụ tại các địa phương trong và ngoài nước.

Nhiều lao động là nữ giới có thu nhập ổn định nhờ được vào làm ở Nhà máy bột cá Phúc Ngọc

Theo chủ một doanh nghiệp trên địa bàn thị trấn Rạch Gốc cho biết: “Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc nạo vét, khơi thông dòng chảy nên địa phương đã thu hút được nhiều tàu thuyền ra vào. Nhờ đó, chúng tôi thu mua được nhiều hơn và hàng hóa mang đi tiêu thụ cũng dễ dàng hơn nhờ hệ thống giao thông đường bộ được thông suốt”.  

Cuộc sống người dân ổn định

Thị trấn Rạch Gốc ngày một tươi mới, diện mạo nông thôn của địa phương này đã khởi sắc, nhiều nhà máy, xí nghiệp lần lượt được dựng lên, tạo đà cho kinh tế địa phương phát triển.

Ông Nguyễn Văn Hùng 56 tuổi, ngụ thị trấn Rạch Gốc phấn khởi: “Trước đây, khi nhà máy bột cá Phúc Ngọc chưa được đầu tư xây dựng thì đời sống của gia đình tôi rất khó khăn, cuộc sống chủ yếu dựa vào việc bắt ba khía, rất bấp bênh. Nhưng từ khi nhà máy đi vào hoạt động, hai người con của tôi được vào làm công nhân tại đây với mức thu nhập trên 300 ngàn đồng/người/ngày”.

Theo ông Hùng, bên cạnh đó, hằng ngày ông còn được một số tiểu khu, cho nhặt một số cành nhánh, tại một số khu vực rừng đã được khai thác, rồi chở về đem bán cho nhà máy bột cá với giá 1.000 đồng/kg. Với mức giá này, trung bình mỗi ngày ông Hùng có thu nhập trên 500 ngàn đồng từ việc bán củi khô.

Được nhận vào làm tại nhà máy bột cá Phúc Ngọc gần 1 năm nay, hiện cuộc sống của chị Tăng Ngọc Cẩm 25 tuổi, ngụ thị trấn Rạch Gốc rất ổn định, gia đình không còn lo chuyện chạy ăn từng bữa như trước, chị Cẩm cho biết: “Trước đây, hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, hằng ngày phải vào rừng để bắt óc, đào trùng đất để kiếm sống. Nhưng từ khi vào làm tại nhà máy bột cá, thì đời sống ổn định hẳn hơn, hiện thu nhập của tôi mỗi tháng trên 6 triệu đồng”.

Kinh tế biển là thế mạnh của thị trấn Rạch Gốc

Bà Phan Bích Thủy, Phó Giám đốc Nhà máy bộ cá Phúc Ngọc (khóm 7, thị trấn Rạch Gốc) cho biết: “Từ khi nhà máy xây dựng tại đây, chúng tôi đã tạo được công ăn, chuyện làm cho hàng chục lao động, nếu không có nhà máy thì họ phải đi làm ăn xa, thu nhập có khi còn bấp bênh hơn. Nhưng khi vào làm tại nhà máy, thì thu nhập của công nhân rất ổn định, trung bình khoảng 5 triệu đồng/người”.

Với những bước chuyển mình, phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, thị trấn Rạch Gốc đã hội đủ các điều kiện để tiến xa hơn nữa trong tương lai. Tin rằng, trong thời gian tới, địa phương này tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư từ các đơn vị, đối tác ở khắp nơi và tiếp tục phát huy thế mạnh sẳn có.

“Thế mạnh của địa phương là kinh tế biển và NTTS. Vì vậy, chúng tôi sẽ vận dụng ưu thế này để mời gọi, tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư, để xây dựng nhiều nhà máy, xí nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau. Qua đó, giúp cho kinh tế của địa phương ngày thêm phát triển, giúp đời sống của người dân được nâng lên”, ông Đảm nói.

Theo TRẦN DUY (Nông Nghiệp)