Cà Mau xử lý dứt điểm việc lấn chiếm trái phép tại đầm Thị Tường

22/06/2018 - 20:25

Chiều 22-6, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải ban hành công văn chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện Trần Văn Thời, Cái Nước và Phú Tân khẩn trương xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm Đầm Thị Tường.

A A

Cụ thể, tại Công văn số 4708-UBND-NNTN, ngày 22-6, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện Trần Văn Thời, Cái Nước và Phú Tân chỉ đạo thực hiện hoàn thành việc di dời thủy sản nuôi, tháo dỡ công trình xây dựng, công trình khai thác và nuôi thủy sản trái phép lấn chiếm đầm Thị Tường (chòi, đăng, lú, nhà ở, dãy nhà, chòi quán…) trước ngày 24-8-2018; đồng thời, yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ khu vực đầm Thị Tường theo mốc giới địa chính đã bàn giao, không để xảy ra các trường hợp phát sinh mới, tái lấn chiếm mặt nước để nuôi, khai thác thủy sản, kinh doanh trái phép. 

Vị trí đầm Thị Tường. (Nguồn: Google Maps)

Công văn nêu rõ do việc di dời sò huyết nuôi và tháo dỡ các công trình trái phép tại đầm Thị Tường đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh gia hạn thời gian thực hiện nhiều lần, cho nên các huyện có liên quan kiên quyết triển khai dứt điểm, không đề xuất gia hạn thời gian. 

Các huyện Trần Văn Thời, Cái Nước và Phú Tân báo kết quả thực hiện về Ủy ban Nhân dân tỉnh trước ngày 31-8-2018. 

Đối với trường hợp không hoàn thành việc di dời thủy sản nuôi, tháo dỡ công trình trái phép đúng thời gian quy định hoặc để phát sinh mới và tái lấn chiếm mặt nước nuôi thủy sản trái phép tại đầm Thị Tường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện có liên quan phải kiểm điểm và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh. 

Dự án Quy hoạch Khu bảo tồn thiên nhiên đầm Thị Tường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã dừng thực hiện. Tuy nhiên, để tích hợp vào quy hoạch của tỉnh theo Luật quy hoạch, Ủy ban Nhân dân tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị chức năng tổ chức nghiên cứu, tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh giải pháp trước mắt và lâu dài để quản lý, bảo tồn Đầm Thị Tường; qua đó, bảo vệ có hiệu quả nguồn lợi thủy sản, cảnh quan môi trường sinh thái và đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. 

Bên cạnh đó, Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình an ninh trật tự tại Đầm Thị Tường để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh...

Thống kê cho thấy trên địa bàn huyện Trần Văn Thời còn tồn tại 26 trường hợp nuôi sò huyết và xây dựng công trình trái phép ( 26 chòi canh) với diện tích lấn chiếm khoảng 129ha; huyện Phú Tân còn tồn tại 47 trường hợp nuôi sò huyết kết hợp khai thác thủy sản, 11 căn nhà, 64 chòi và dãy nhà cùng các chòi quán của Hợp tác xã dịch vụ ăn uống Đầm Thị Tường. 

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cái Nước báo cáo không còn tình trạng nuôi sò huyết và xây dựng công trình trái phép tại đầm Thị Tường. Tuy nhiên, tình trạng tranh chấp diện tích mặt nước để nuôi sò huyết và khai thác thủy sản vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Theo KIM HÁ (Vietanm+)