Cà na mùa nắng nóng

10/04/2019 - 09:52

 - Trước đây, trái cà na chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi. Hiện nay, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã thử nghiệm trồng cây cà na Thái, cho trái quanh năm. Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, tạo nguồn thu nhập ổn định cho cho nhiều nông hộ.

A A

Cây trồng hiệu quả

Cây cà na từng là loại cây tạp, mọc hoang ngoài bờ đê, bờ ruộng, giá trị kinh tế không cao. Nhiều nông dân phải đốn bỏ để trồng những loại cây mang lại giá trị kinh tế tốt hơn. Từ khi cà na Thái xuất hiện trên thị trường, bà con nông dân dần thay đổi quan niệm, không còn xem là cây “bỏ đi”. Cây cà na Thái được nhiều nông dân lựa chọn để canh tác, bởi có nhiều ưu điểm vượt trội như: nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, không bị sâu bệnh… đặc biệt là cây có thể cho trái quanh năm. Đây là điều mà gia đình ông Tiêu Văn Kến (ngụ ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Nhuận, Châu Thành) nhận thấy rõ nhất.

Tranh thủ thu hoạch trái cà na, ông Kến chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi trồng lúa, nhưng việc canh tác gặp nhiều khó khăn do thời tiết cũng như dịch bệnh gây hại, bị thương lái ép giá. Vả lại, gia đình tôi ít đất sản xuất nên sau mỗi vụ mùa lợi nhuận thu được không bao nhiêu, rất tốn công. Thấy vậy, tôi suy nghĩ nhằm tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình. Qua tìm hiểu được biết, cây cà na Thái những năm gần đây được người dân trồng nhiều, dễ bán trên thị trường nên tôi quyết định trồng thử nghiệm. Cũng nhờ cây cà na mà kinh tế gia đình tôi đỡ khó khăn hơn trước rất nhiều”.

Trên nền diện tích khoảng 1.000m2, gia đình ông Tiêu Văn Kến trồng 100 gốc cà na Thái. Sau hơn 1 năm rưỡi chăm sóc, cà na bắt đầu cho trái. “Một năm cà na thu hoạch 3 lần, mỗi lần thu hoạch kéo dài cả tháng. Mỗi cây cà na cho trái bình quân từ 20-30 kg/đợt, có cây cho trái cao nhất 40kg. Đợt đầu tiên thu hoạch được 1,2 tấn, bán với giá 32.000 đồng/kg” - ông Kến chia sẻ. Về kỹ thuật trồng, ông Kến cho biết, cây cà na Thái dễ trồng và nhẹ công chăm sóc. Chi phí đầu tư khá thấp, chỉ cần bỏ vốn đầu tư cho cây giống, làm đất; các chi phí khác như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… không cao, do cây ít bị sâu bệnh, nhu cầu phân bón không nhiều. Sau mỗi vụ thu hoạch chỉ cần bổ sung thêm chất dinh dưỡng để cây ra hoa, nuôi trái vụ sau.

Không lo đầu ra

Cũng giống như ông Kến, bà Ngô Thị Hai (ngụ xã Định Thành, Thoại Sơn) chọn cây cà na Thái là loại cây chủ lực để phát triển kinh tế gia đình. Theo đánh giá của bà Hai, so với các loại cây trồng khác trước đây của gia đình đã trồng, cây cà na Thái có nhiều ưu điểm vượt trội. Ngoài cho năng suất cao và ổn định, người trồng cà na Thái không phải lo về đầu ra, bởi hiện nay trái cà na là mặt hàng được khá nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Theo bà Hai, nếu cây cà na thường chỉ cho trái vào mùa nước nổi thì cây cà na Thái có thể cho trái quanh năm. Cà na ngoài việc được chế biến thành một số món ăn như: cà na muối, cà na ngào đường… một số cơ sở còn nghiên cứu sản xuất thêm rượu cà na và được thị trường chấp nhận. “Cà na Thái của gia đình tôi không đủ để bán cho khách hàng, ngoài bạn hàng ở TP. Long Xuyên, gia đình tôi chỉ bán trước nhà để phục vụ du khách” - bà Hai cho biết. Hiện nay, mỗi ngày bà Hai thu hoạch từ 4-10kg trái để bán trước nhà. Thời điểm thu hoạch rộ vào tháng 8 (âm lịch) có thể thu hoạch 30kg/ngày. Nếu như cà na thông thường bán từ 15.000 - 20.000 đồng/kg thì cà na Thái bán được với giá cao hơn, khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg. Từ cây cà na Thái tạo nguồn thu nhập khá cao và ổn định cho gia đình bà Hai gần 2 năm qua. Hiện nay, trên diện tích 5.000m2, bà Hai trồng 40 gốc cà na Thái, mỗi gốc cách nhau 4m. Ngoài bán trái cà na, bà Hai còn nhân giống, bán cây con với giá 40.000 đồng/cây.

Với những đặc điểm nổi bật, mô hình trồng cà na Thái đang là hướng đi mới, phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của các địa phương.

ĐÌNH ĐỨC