Các địa phương chủ động ứng phó với lũ

06/08/2018 - 14:08

Hiện nay, mực nước trên sông ở các huyện, thị xã đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp lên nhanh, cao hơn so với trung bình nhiều năm. Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống lũ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do lũ gây ra.

A A

Đồng chí Đinh Văn Năm - Bí thư Huyện ủy Tân Hồng (bìa trái) kiểm tra đê bao và tình hình thu hoạch lúa hè thu

Lúa, hoa màu bị thiệt hại do lũ sớm

Buồn bã nhìn đám bắp hơn 1.000m2 bị ngập lênh láng, bà Trần Thị Bợ ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự than: Lũ về sớm và lên nhanh. Nước ngập mấy tấc như thế này coi như mất trắng bao công sức, chi phí đầu tư cho vụ bắp. Bắp thu hoạch sớm trước 1 tháng nên chưa vào hạt, thương lái từ chối mua tôi đành bán cho bò ăn,...

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, do nước lũ từ thượng nguồn đổ về, những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên. Dự báo, đến ngày 8-8, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu có khả năng lên 3,35m. Cấp ủy, chính quyền các địa phương ở đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp vẫn trên tinh thần cảnh giác, chủ động chỉ đạo ứng phó nhằm quyết tâm giảm thiệt hại, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Không chỉ riêng bà Bợ, hàng chục hecta hoa màu của nông dân ở vùng bãi bồi các xã Long Khánh A cũng đang chịu cảnh mất trắng do nước nhấn chìm. Chị Lê Thị Loan ở xã Long Khánh A nghẹn ngào chia sẻ: “Trồng bắp cải được hơn 2.000m2, chưa đến ngày thu hoạch đã chìm trong nước. Bì bõm lội cắt từng bắp cải non nhưng giá chỉ tầm 1.000 - 2.000 đồng/kg, gần 8 triệu đồng vốn liếng đầu tư coi như mất”. Chị Loan lý giải, mọi năm rằm tháng 7 nước mới đổ về, năm nay nước dâng cao đột ngột trước 1 tháng, khiến những người trồng hoa màu ngoài đê bao “chịu trận”.

Ông Nguyễn Hoàng Nhung - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hồng Ngự cho biết, toàn huyện có gần 30ha sản xuất hoa màu như bắp, bí, củ sắn, bắp cải... đang canh tác tại các khu vực bãi bồi ở các xã Long Khánh A, Long Khánh B, Thường Phước 1, Thường Phước 2. Đây là những diện tích sản xuất nằm ngoài quy hoạch, đê bao. Ông Nhung cho biết, nếu lũ làm thiệt hại năng suất, hoa màu của người dân nằm trong các tuyến đê bao khép kín mà huyện có chủ trương xuống giống thì địa phương sẽ xem xét và có kiến nghị tỉnh để có hướng hỗ trợ. Còn đối với các trường hợp người dân tự sản xuất khu vực ngoài bãi bồi sẽ không được hỗ trợ.

Tại TX.Hồng Ngự, nước lên nhanh mấy ngày qua cũng ảnh hưởng đến năng suất và giá cả một số diện tích lúa vụ hè thu của nông dân đang trong giai đoạn thu hoạch, trổ chín. Ông Nguyễn Văn Hiền ở ấp 2, xã An Bình B cho biết: “Lúa ở đây phải độ 25-6 (âm lịch) mới đúng ngày thu hoạch. Tuy nhiên nước lên liên tục (mỗi ngày lên 3-5cm), do hệ thống đê bao tại tuyến có một số đoạn còn yếu, khả năng nước tràn nếu lũ lên liên tục nên phải thu hoạch lúa sớm, khiến năng suất giảm gần 20%”.

Thu hoạch sớm hơn 1 tháng nên chưa vào hạt, thương lái không mua nên bà Bợ chỉ biết bán bắp non cho bò ăn

Không chỉ giảm năng suất, theo ông Hiền: “Trước mùa vụ, thương lái đã đến ruộng đặt cọc mua lúa. Nhưng do thu hoạch khi lúa chưa chín tới nên giá bán bị giảm từ 300 – 500 đồng/kg, vụ này tính ra lợi nhuận thấp”.

Ông Phạm Phước Nhơn - Phó Chủ tịch UBND xã An Bình B, TX.Hồng Ngự cho biết, tổng diện tích lúa xuống giống gần 1.600ha, đến ngày 31-7, An Bình B còn 700ha chưa thu hoạch, chủ yếu là lúa Nhật, nếp... Hiện tại, chênh lệch mực nước trong và ngoài mặt đê tại các ô bao sản xuất hai vụ từ 0,4 - 1m. Trong 10 ngày qua, mực nước lên khá nhanh, đặc biệt ngày 30-7 mực nước dâng lên 15cm gây khó khăn cho người dân trong công tác thu hoạch lúa hè thu, đặc biệt là các khu sản xuất chưa có đê bao khép kín.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh, mực nước tại các huyện đầu nguồn đang lên và còn diễn biến phức tạp. Nước lũ đang lên cũng là lúc các ngành chức năng ở các huyện đầu nguồn và người dân khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó...

Nỗ lực bảo vệ diện tích lúa hè thu

Mấy ngày qua, khu đê bao lửng bảo vệ hơn 300ha lúa ở cánh đồng Giòng Nhỏ (thuộc ấp Tuyết Hồng, xã Tân Phước, huyện Tân Hồng) đang bị nước lũ uy hiếp. Có những đoạn, mặt đê chỉ cao hơn mực nước từ 2 - 3 tấc. Nông dân chủ động đặt nhiều máy bơm và hùn tiền mua dầu để bơm nước chống ngập úng. Nhiều nông dân đã tranh thủ thu hoạch lúa. Ông Võ Văn Trung ngụ ấp 4, xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An cho biết: “Tôi có 2ha lúa trong cánh đồng Giòng Nhỏ. Thấy nước lũ lên nhanh, tôi rất lo nên tranh thủ cắt lúa cho an toàn”.

Đồng chí Dương Văn Thoảng - Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Phước thông tin: “Xã còn hàng trăm hecta lúa hè thu chưa thu hoạch. Đảng ủy xã chỉ đạo thành lập 3 tổ bảo vệ đê bao ở 3 ấp. Các tổ này kết hợp với lãnh đạo tổ hợp tác và người dân thường xuyên kiểm tra đê bao nhằm phát hiện, khắc phục kịp thời sự cố. Đồng thời cho phương tiện cơ giới gia cố các đoạn đê bao xung yếu. Với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng” nên đối với những diện tích lúa có nguy cơ ngập lũ cao, trong đê bao không chắc chắn, Đảng ủy xã có chủ trương vận động nông dân sớm thu hoạch lúa và đa số bà con đồng thuận”.

Chị Lê Thị Loan lội cắt từng bắp cải non, nhưng giá chỉ khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg

Năm 2018, tổng diện tích lúa vụ hè thu của huyện Tân Hồng là 24.700ha. Đến đầu tháng 8, đã thu hoạch trên 10.670ha, diện tích lúa còn lại đang được nông dân thu hoạch. Tuy nhiên, khoảng 1.160ha bị nước lũ đe dọa, chủ yếu thuộc các cánh đồng: Bình Phú II, Giọng Nguyệt, Bảy Thưa, Cà Vàng, thị trấn - Tân Công Chí, Giòng Nhỏ, Cây Me...

Trước tình hình lũ diễn biến phức tạp, đồng chí Đinh Văn Năm - Bí thư Huyện ủy Tân Hồng và lãnh đạo một số ngành chức năng của huyện thường xuyên đi kiểm tra công tác ứng phó với lũ tại các địa phương, nhất là việc gia cố đê bao bảo vệ đất sản xuất nông nghiệp.

Đồng chí Đinh Văn Năm cho hay: “Công tác phòng, chống lũ năm nay của huyện có sự chủ động hơn. Huyện ủy, UBND huyện Tân Hồng chỉ đạo Phòng NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn chủ động kiểm tra, gia cố đê bao, cống, đập bảo vệ lúa hè thu. Đối với diện tích lúa ở vùng trũng, ngập nước thì tiến hành bơm rút nước đảm bảo tiến độ thu hoạch; vận động nông dân thu hoạch lúa sớm để hạn chế thiệt hại do lũ; tăng cường huy động máy móc, thiết bị hỗ trợ người dân thu hoạch nhanh chóng”.

Người dân và lực lượng chức năng khẩn trương gia cố đê bao bảo vệ lúa hè thu tại cánh đồng ấp 2, xã An bình B, TX.Hồng Ngự

Tại TX.Hồng Ngự, ngoài nỗ lực gia cố các tuyến đê bao, địa phương còn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, túc trực 24/24 tại các điểm xung yếu nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời những sự cố có thể xảy ra. Đồng thời tuyên truyền vận động người dân tranh thủ thu hoạch sớm để tránh thiệt hại do lũ.

Ông Nguyễn Huấn - Phó trưởng Phòng Kinh tế TX.Hồng Ngự cho biết, địa phương có khoảng 2.500ha lúa 2 vụ, trong đó gần 1.000ha chưa thu hoạch; khoảng 2.200ha lúa đang ở giai đoạn 40 - 45 ngày, nằm toàn bộ trong khu đê bao khép kín. Ông Huấn cho biết, trong khi lúa hè thu còn 10 ngày thu hoạch dứt điểm, nhưng trên thực tế do một số đoạn đê bao chống lũ của các ô bao trồng lúa 2 vụ hằng năm bị lũ bào mòn nên bị yếu, khả năng rất khó bảo vệ vụ mùa cho bà con, nếu không gia cố. “Để chủ động ứng phó, địa phương đã thành lập các đội nhóm ứng trực, thành lập các đoàn thường xuyên kiểm tra và tiến hành gia cố các đoạn đê xung yếu. Mục tiêu là đảm bảo tài sản, tính mạng cho người dân, đảm bảo cho người dân sản xuất ăn chắc khi lũ về” - ông Huấn chia sẻ.

Người dân huyện Hồng Ngự tranh thủ thu hoạch sớm để tránh thiệt hại do lũ

Lãnh đạo TX.Hồng Ngự vừa đi thực tế kiểm tra, khảo sát để có sự chỉ đạo hợp lý trong công tác đối phó với lũ. Đảng ủy, UBND các xã huy động phương tiện đóng cừ tràm gia cố đê bao; phân công lực lượng tuần tra, kiểm soát và túc trực 24/24 tại khu vực cống, trạm bơm, đoạn đê thấp... Các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi người dân tranh thủ thu hoạch lúa sớm; vận động nhân dân tham gia góp công, góp của để tôn cao đê bao chống lũ.

Còn tại xã Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự), Đảng ủy, UBND xã cũng đang tích cực lãnh đạo, chỉ đạo bảo vệ diện tích lúa hè thu. “Tổng diện tích lúa hè thu của xã là 2.100ha. Đầu tháng 8, thu hoạch xong khoảng 1.700ha. Đa số có đê bao bảo vệ nên chưa bị thiệt hại do lũ. Việc thường xuyên kiểm tra, sửa chữa các đoạn đê bao xung yếu; bơm nước chống ngập úng... được Đảng ủy quan tâm chỉ đạo. Dự kiến đến ngày 15-8 sẽ thu hoạch hết diện tích lúa còn lại”- đồng chí Trần Hồng Phúc - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thường Thới Tiền thông tin. Đến ngày 1-8, toàn huyện Hồng Ngự đã thu hoạch được 7.000ha/11.042ha, vài ngày nữa sẽ thu hoạch dứt điểm.

Huyện đầu nguồn Hồng Ngự, có gần 8.000ha đã được thu hoạch (chiếm 63,4%), song vẫn còn 3.200ha lúa chưa thu hoạch, tập trung ở các xã: Long - Phú Thuận, Long Khánh A, Long Khánh B. Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hồng Ngự Nguyễn Hoàng Nhung cho biết, tất cả các diện tích lúa ngoài đê bao khép kín đã được thu hoạch để đảm bảo ăn chắc. Còn lại những diện tích lúa chưa thu hoạch đều nằm trong các khu sản xuất an toàn, có đê đảm bảo. Tuy nhiên, địa phương luôn có những phương án dự phòng, vận động, tuyên truyền người dân theo hình thức “3 tại chỗ, 4 sẵn sàng”, có các đội túc trực kiểm tra đê bao, nhằm hạn chế thấp nhất các hậu quả khi có sự cố xảy ra.

Thi công kè bảo vệ đê bao khu 2.600ha (xã Thường Thới Tiền và Thường Phước 2)

Chủ động ứng phó với lũ

Ngày 1-8, mực nước thực đo trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,11m (cao hơn so với cùng kỳ năm 2017 từ 3 - 5cm). Ông Trương Văn Đém ngụ xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự, năm nay, nước lũ về sớm và cao hơn cùng kỳ năm 2017. Nhiều ngày qua, trên loa truyền thanh xã có thông tin tình hình mưa, lũ và kêu gọi người dân chủ động ứng phó. Dù mấy năm rồi, nhà tôi không bị ngập lũ nhưng năm nay, tôi vẫn nâng cao tinh thần cảnh giác, di dời đồ đạc lên cao, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với lũ.

Đồng chí Hà Văn Công - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hồng Ngự cho biết: Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, Ban Thường vụ Huyện ủy Hồng Ngự lãnh đạo UBND huyện chỉ đạo UBND, Ban Chỉ huy ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, chủ động xây dựng phương án triển khai chống lũ, thường xuyên kiểm tra đê bao; củng cố, duy trì 28 đội cứu hộ, cứu nạn, trong đó có 17 đội túc trực tại các điểm xung yếu; huy động mọi nguồn lực trong cộng đồng thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, đảm bảo chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), “3 sẵn sàng” (chủ đồng phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả), kịp thời bảo vệ sản xuất nông nghiệp khi tình trạng ngập lũ xảy ra; có kế hoạch sớm thu hoạch lúa và hoa màu tại các vùng trũng, vùng ngoài đê bao. Đồng thời tập trung vận động các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao di dời nhà cửa, tài sản đến nơi an toàn; thông báo rộng rãi tình hình mưa, lũ trên Trạm truyền thanh để nhân dân chủ động gia cố, chằng chống nhà cửa đảm bảo an toàn.

Ngay từ giữa tháng 7-2018, Huyện ủy Tân Hồng đã có công văn lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống bão, lũ. Theo đồng chí Đinh Văn Năm, UBND huyện Tân Hồng, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội, Ban Chỉ huy ứng phó biến đổi khí hậu - phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, Đảng ủy các xã, thị trấn phải kiểm tra, tiến hành gia cố đê bao, cống, đập xung yếu, bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp; tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình mưa, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng và kịp thời thông tin cho nhân dân nắm, chủ động ứng phó. Ngoài ra, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chằng chống nhà cửa, bảo vệ trẻ em nhằm tránh tình trạng đuối nước; khuyến khích nhân dân xả lũ có kiểm soát đối với các ô bao sản xuất thích hợp để đón phù sa; thực hiện nghiêm chế độ trực ban 24/24, kịp thời báo cáo tình hình mưa, lũ, tình hình thiệt hại nếu có...

Phương tiện cơ giới có mặt trên tuyến kênh thuộc xã Thường Phước 1 sẵn sàng tham gia chống lũ

Ông Lê Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ giữa tháng 7 khu vực trung lưu sông Mê Kông đã có mưa vừa, mưa to, mực nước tại khu vực này tăng nhanh và ở mức cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng từ 0,2 - 4,0m. Ngoài ra trong 2 ngày (24-25-7), mực nước tại Trạm thủy điện Stungtreng (Campuchia) đã có sự gia tăng đáng kể với biên độ nước lên trong 48 giờ là 0,71 m. Nguyên nhân là do lũ thượng nguồn kết hợp với kỳ triều cường nên mực nước các nơi trong tỉnh lên nhanh.

Ông Hùng nói thêm, mực nước cao nhất tháng 7-2018 tại Tân Châu là 3,02m, cao hơn 0,02m so với cùng kỳ tháng 7-2017. Dự báo đến ngày 10-8-2018, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Trạm Tân Châu có khả năng lên mức 3,5m và cao hơn cùng kỳ 2017 là 30cm. Đỉnh lũ cao nhất năm tại khu vực đầu nguồn xuất hiện vào nửa đầu tháng 10, ở mức cao hơn năm 2017; xấp xỉ trung bình nhiều năm, dao động ở mức báo động cấp II. Đỉnh lũ cao nhất năm tại khu vực nội đồng Tháp Mười xuất hiện vào giữa tháng 10 và ở mức báo động cấp II. Mực nước khu vực phía Nam lên mức cao nhất vào tháng 10,11; ở mức báo động cấp III.

Trước tình hình trên, để chủ động ứng phó với mực nước lũ đang lên nhanh, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các địa phương theo dõi sát tình hình thời tiết, thủy văn, thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo tình hình thủy văn để phục vụ cho việc chỉ đạo xuống giống và triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ sản xuất; kịp thời thông báo cho dân biết để chủ động phòng tránh. Đối với những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng, lên phương án thu hoạch dứt điểm lúa và hoa màu ở vùng trũng và vùng ngoài đê bao. Bên cạnh đó, các địa phương bố trí lực lượng tuần tra các tuyến đê bao xung yếu, tăng cường kiểm tra đê bao, gia cố ngay những đoạn đê bao cống đập còn thấp, chuẩn bị các trang thiết bị máy bơm sẵn sàng ứng phó khi sự cố xảy ra.

Theo Báo Đồng Tháp