Các điểm đảo Trường Sa xanh tươi cây lá giữa biển khơi sóng vỗ

25/05/2018 - 08:30

Để có màu xanh mướt mắt trên các điểm đảo ở Trường Sa như hôm nay, không biết bao nhiêu mồ hôi của các thế hệ lính đảo đã đổ xuống, cộng với đó là sự chung tay, góp sức của nhiều tổ chức, cá nhân từ đất liền.

Dấu ấn đất liền trên Trường Sa

Ngoài hai bộ quân phục đựng trong chiếc balô con cóc bạc màu, hành lý ra Trường Sa của bác Phan Văn Bôn còn có một thứ rất đặc biệt. Đó là một hộp đàn ghita đựng 5 cây vối nếp mà bác luôn mang theo bên mình từ khi rời nhà tại phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. 

Màu xanh trên đảo Nam Yết. (Ảnh: Hữu Chiến/Vietnam+)

Trò chuyện với phóng viên TTXVN, người cựu chiến binh già từng chiến đấu trong những năm tháng ác liệt tại thành cổ Quảng Trị này cho biết, để có thể mang được 5 cây vối này ra đảo là cả một sự kỳ công. 

Chả là nhân viên sân bay không cho phép mang đất và mấy cây vối quá khổ lên máy bay. Thế là đành phải phải cho cây vào vali gửi theo đường hàng hóa.

Cây xanh trên đảo Sinh Tồn Đông. (Ảnh: Hữu Chiến/Vietnam+)

Lúc xuống sân bay Cam Ranh ra tàu đi đảo, cây lại được cho vào hộp đàn và để ngay sát giường ngủ để tránh nắng táp và nước mặn bắn vào. 

Không chỉ được tận mắt chứng kiến đời sống, thăm hỏi và động viên các cán bộ, chiến sỹ công tác tại các điểm đảo tiền tiêu của Tổ quốc như ước nguyện cuối đời của mình, người thương binh 67 tuổi này còn trực tiếp trao tận tay 5 cây vối cho đại diện các đảo Sơn Ca, Đá Lát và Trường Sa Lớn. 

Bác cho biết lý do chọn cây vối để tặng các chiến sỹ là không chỉ giúp các chiến sỹ có lá nấu nước uống hàng ngày, có thêm sức khỏe bảo vệ biển đảo thiêng liêng mà còn mong muốn mang dấu ấn của đất liền thân thương để lại Trường Sa. 

Cảm động trước tâm huyết của người đồng đội già, Trung tá Phạm Văn Nhương, Chỉ huy trưởng đảo Sơn Ca, hứa sẽ chăm sóc các cây được tặng, đảm bảo xanh tươi, góp phần tạo cảnh quan môi trường và giúp ngụy trang vũ khí. 

Anh Nhương cũng cho biết hàng năm các cán bộ, chiến sỹ trên đảo đều tổ chức trồng, chiết cây. 

Theo quy định của đảo, mỗi người trước khi hết nhiệm vụ vào bờ phải trồng mới một cây làm lưu niệm, để lại cho người sau. Hiện, đảo Sơn Ca có hơn 1.000 cây xanh, phủ kín tất cả các khu vực trên đảo. 

Đảo xanh Nam Yết. (Ảnh: Hữu Chiến/Vietnam+)

Về phần mình, Trung tá Đào Văn Kha, Phó chỉ huy trưởng đảo Nam Yết cho biết địa danh này là một trong những đảo “xanh” nhất ở Trường Sa với hàng nghìn cây thuộc nhiều chủng loại, trong đó có cây bàng vuông 350 tuổi được gắn biển “Cây di sản” vào năm 2014 và một số cây mù u, nhầu, tra cổ thụ. 

Để có được màu xanh như hiện nay là thành quả của nhiều thế hệ lính đảo. Anh em ở đây thường tận dụng nước tắm giặt và phân bón từ chăn nuôi gia súc để tưới bón cho cây xanh. Ngoài ra, các chiến sỹ còn tổ chức thu gom lá cây rụng để tạo mùn giúp cây phát triển tốt.

Cũng theo Trung tá Đào Văn Kha, hàng năm đều có nhiều tổ chức, cá nhân tặng cây xanh cho đảo. Hiện, đảo Nam Yết được trồng nhiều cây xanh nhưng đảo vẫn cần thêm nhiều cây xanh hơn nữa để lấy bóng mát cho bộ đội làm nơi sinh hoạt và học tập. 

Anh Kha cũng thông tin thêm rằng các tổ chức, cá nhân muốn tặng cây có thể gửi vào Vùng 4 Hải quân ở Cam Ranh để chuyển ra cho các đảo thông qua các chuyến tàu hậu cần chuyên dụng. Theo cách đó, cây xanh sẽ được bảo quản tốt nhất, đảm bảo tỷ lệ sống cao. 

Đem Trường Sa về với đất liền

Cũng như các đoàn khách tới Trường Sa, đoàn công tác của Học viện Cảnh sát Nhân dân ấp ủ một “kế hoạch lớn.”

Theo Đại úy Bùi Quốc Tuấn, Phó phòng Tổ chức Cán bộ của Học viện, đoàn đã trao tặng cây bồ đề cho một số chùa trên các điểm đảo với mục đích mang màu xanh tươi trẻ cho các cán bộ, chiến sỹ ngay đêm canh giữ biển trời quê hương. 

Ngoài ra, đoàn còn liên hệ xin giống cây bàng vuông - biểu tượng cho sức sống của Trường Sa anh dũng, bất khuất - mang về trồng trong khu vực truyền thống của nhà trường nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập và đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang lần thứ hai. 

Theo anh Tuấn, việc làm này không chỉ nhằm phủ xanh học viên mà còn góp phần giáo dục truyền thống cho các học viên, giúp các em hiểu rằng có được bình yên như hôm nay là nhờ sự đóng góp, xương máu của các cán bộ chiến sỹ Trường Sa. 

Từ nhiều năm nay, vào mỗi độ Tết đến Xuân về, Học viện thường xuyên tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, động viên gia đình các chiến sỹ Trường Sa thông qua mạng lưới hơn 20.000 học viên và kết nối với công an các địa phương.

Trung tá Đỗ Hải Đăng, Chính trị viên đảo Trường Sa Lớn, cho biết hàng năm, đảo thành lập các tổ chiết cây và tổ chức “Tết trồng cây” như trong đất liền với khối lượng 400-500 cây được trồng mới mỗi năm. 

Các đại biểu trồng cây xanh trên đảo Trường Sa Lớn. (Ảnh: Hữu Chiến/Vietnam+)

Không chỉ tự chủ được nguồn cây giống, đảo còn cung cấp cho các điểm đảo khác một số loại cây giống thuần chủng, phù hợp với điều kiện khắc nghiệt của thời tiết và môi trường nước mặn. 

Đặc biệt, hàng năm mỗi năm, đảo Trường Sa Lớn còn trao tặng 200-300 cây bàng vuông cho các địa phương, tổ chức, đơn vị và cá nhân ra thăm đảo, qua đó, đem hình ảnh Trường Sa tới gần hơn với đất liền, góp phần giáo dục tinh thần hướng về biển đảo trong quần chúng nhân dân./.

Theo HỮU CHIẾN (Vietnam+)