Các ngành hàng xuất khẩu kỳ vọng vào sự "bứt phá" cuối năm

07/09/2018 - 19:42

Với sự tăng trưởng tích cực, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sau 8 tháng đã hoàn thành 65,7% so với kế hoạch đưa kim ngạch xuất khẩu năm 2018 tăng 10% so với năm 2017, lên mức 236,63 tỷ USD.

Chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú Hậu Giang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo dự báo của các chuyên gia thương mại, kim ngạch xuất khẩu có cơ hội tăng trưởng mạnh từ nay đến cuối năm vì nhiều mặt hàng đã bước vào vụ sản xuất, đồng thời, kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất tăng cao trong thời gian qua cho thấy, hoạt động sản xuất trong nước vẫn đang duy trì được đà tăng trưởng khả quan nhờ sự gia tăng của những đơn đặt hàng mới. 

Điều này khẳng định xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự bứt phá của những tháng cuối năm.

Tăng trưởng tích cực

Thống kê mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 8 tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng tích cực với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 20,9 tỷ USD, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,05 tỷ USD, tăng 2,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 14,85 tỷ USD, tăng 2,8%.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết yếu tố tích cực đưa xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng trưởng trong 2 tháng vừa qua là do xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện phục hồi trở lại sau khi đã giảm nhẹ trong tháng Sáu. 

Nguyên nhân là do Tập đoàn Samsung đã cho ra mắt sản phẩm mới điện thoại Galaxy Note 9 vào ngày 9/8 vừa qua. 

Đây được kỳ vọng là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực cho Samsung nói riêng và cả ngành điện thoại nói chung trong những tháng cuối năm. 

Kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong tháng 7 đạt 4,4 tỷ USD, tăng 16,3% so với tháng Sáu và tiếp tục tăng 13,9% trong tháng 8.

Theo đó, tính chung 8 tháng xuất khẩu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đạt 155,4 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn mức tăng trưởng phấn đấu đạt được cho cả năm 2018, bằng 65,7% kế hoạch năm. 

Trong đó, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (tính cả dầu thô) tăng trưởng 13,4%, đạt 110,3 tỷ USD, chiếm 71% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu của khối khu vực kinh tế trong nước đạt 45,11 tỷ USD, tăng 17,4%. 

Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Đáng chú ý, mặc dù tăng trưởng nhóm hàng nông, thủy sản - nhóm hàng xuất khẩu chính của khối doanh nghiệp trong nước đã chậm lại đáng kể trong 8 tháng song kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng trưởng khá cao với mức tăng 17,4%. 

Điều này cho thấy, các doanh nghiệp trong nước đã có sự tham gia nhiều hơn vào ngành công nghiệp chế biến.

Ông Trần Thanh Hải cũng phân tích thêm từ đầu năm đến nay, nhìn chung cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm 2017, theo đó, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông, thủy sản và nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn duy trì xu hướng tăng, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm.

Vì vậy, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Nhóm hàng này chiếm tới 82,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (8 tháng năm 2017 chiếm 80,1%), đạt kim ngạch 127,8 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Đặc biệt, nhiều mặt hàng chủ lực của nhóm công nghiệp chế biến đều ghi nhận mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm ngoái như điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép các loại, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác...

Đáng lưu ý, thị trường xuất khẩu lớn nhất vẫn là Hoa Kỳ với kim ngạch đạt 30,2 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Điều này cho thấy, việc khai thác cơ hội từ cam kết hội nhập đã được thực hiện có hiệu quả hơn nhiều năm trước. Ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) đều ghi nhận tăng trưởng vượt trội.

Về cán cân thương mại, trong tháng Tám, Việt Nam tiếp tục nhập siêu tháng thứ 2 liên tiếp với kim ngạch đạt 100 triệu USD. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng Việt Nam vẫn duy trì được trạng thái xuất siêu với kim ngạch 2,8 tỷ USD.

Trong 8 tháng thặng dư của Việt Nam chủ yếu đến từ khối doanh nghiệp FDI khi khối này xuất siêu gần 19,5 tỷ USD; trái lại, khối doanh nghiệp trong nước lại nhập siêu khá lớn với kim ngạch đạt 16,74 tỷ USD.

Hướng tới bền vững

Đánh giá về khả năng tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) khẳng định, Bộ Công Thương sẽ phấn đấu, sát cánh cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp để xuất khẩu cả năm 2018 đạt mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội và Chính phủ đề ra, tăng trên 10%, đạt 233,6 tỷ USD.

Theo ông Dương Duy Hưng, dự báo xuất khẩu có khả năng tăng trưởng mạnh do các doanh nghiệp mới nhập khẩu tăng mạnh đối với các mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu như: hàng nguyên, nhiên, phụ liệu phục vụ sản xuất xăng dầu, nguyên phụ liệu dệt may, chất dẻo, ngô, cao su, bông, sắt thép.

Đặc biệt, tăng trưởng sẽ tăng cao đối với một số mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn bắt đầu vào chu kỳ tăng trưởng như dệt may, giày dép, đồ gỗ đều bước vào mùa vụ thu đông xuất khẩu.

Ông Dương Duy Hưng cũng lưu ý, thời gian tới mặt hàng thủy sản sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và căng thẳng thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc leo thang.

Dây chuyền chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Lý giải thêm điều này, ông Dương Duy Hưng cho hay, căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc khiến xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc có nguy cơ giảm. 

Vì vậy, Trung Quốc có thể sẽ tăng cường tìm kiếm thị trường xuất khẩu nông sản mới và đẩy mạnh tiêu dùng nội địa. Nhu cầu nhập khẩu nông, thủy sản của Trung Quốc giảm xuống sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản nói riêng của Việt Nam vào thị trường này.

Bên cạnh đó, giá nông, thủy sản có xu hướng giảm cũng ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, thị trường sẽ được hỗ trợ phần nào bởi nhu cầu tiêu dùng nông, thủy sản toàn cầu thường tăng cao trong những tháng cuối năm.

Theo ông Dương Duy Hưng, hiện Việt Nam đang tập trung hoàn thành việc phê chuẩn và đưa hai Hiệp định quan trọng là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đi vào thực thi năm 2019. 

Đây sẽ là động lực mới thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Cùng đó, thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN để mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu; tích cực chuẩn bị cho việc thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới…

Ông Dương Duy Hưng cũng cho biết, Bộ sẽ theo dõi sát diễn biến cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc - hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam hiện nay để có những phản ứng chủ động, kịp thời. 

Mặt khác, chú trọng kiểm soát nhập khẩu, tình hình điều hành tỷ giá để đảm bảo tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định cho hoạt động xuất nhập khẩu cũng như đầu tư trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ thế giới có nhiều biến động phức tạp.

Cũng theo ông Dương Duy Hưng, hiện tại Bộ Công Thương đã sẵn sàng các phương án ứng phó hiệu quả đối với các cú sốc lớn trên thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, tạo dư địa và giảm áp lực cho điều hành tỷ giá, thị trường tiền tệ, để ổn định sản xuất những năm tiếp theo. 

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ chú trọng cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý và cải cách bộ máy tổ chức quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để huy động nguồn lực cho sản xuất.

Đặc biệt, tạo nguồn hàng có chất lượng cho sản xuất, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường nhập khẩu. 

Mặt khác, tiếp tục nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Kịp thời chỉ đạo các giải pháp cụ thể, quyết liệt, có định hướng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường.

Đáng lưu ý, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường xuất khẩu mới còn tiềm năng, đồng thời củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác FTA; triển khai các cam kết hội nhập quốc tế, bảo đảm cho quá trình hội nhập của Việt Nam luôn hiệu quả và bền vững.

Theo VIETNAM+