Các nước châu Âu kêu gọi Iran tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân

27/06/2019 - 19:17

Ngày 26-6, các nước châu Âu đã lên tiếng hối thúc Iran tiếp tục thực thi thỏa thuận hạt nhân ký hồi năm 2015 với Nhóm P5+1, đồng thời khẳng định "không còn lựa chọn hòa bình đáng tin cậy" nào khác.

Nhà máy điện hạt nhân Bushehr. (Nguồn: Sputnik)

Ngày 26-6, các nước châu Âu đã lên tiếng hối thúc Iran tiếp tục thực thi thỏa thuận hạt nhân ký hồi năm 2015 với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nga và Trung Quốc), đồng thời khẳng định "không còn lựa chọn hòa bình đáng tin cậy" nào khác.

Phát biểu tại trước 15 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Liên hợp quốc Joao Vale de Almeida nhấn mạnh thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), là thỏa thuận hạt nhân vốn đang hoạt động và đang hướng tới mục tiêu của văn kiện này. Ông nhấn mạnh không còn sự lựa chọn hòa bình đáng tin cậy nào khác.

Trong khi đó, Đại sứ Pháp tại Liên hợp quốc Francois Delattre cảnh báo việc chấm dứt thỏa thuật hạt nhân trên sẽ đồng nghĩa với một bước lùi nguy hiểm, mang tới sự bất ổn và những hậu quả nghiêm trọng tiềm tàng đối với khu vực Trung Đông, xu hướng không phổ biến vũ khí hạt nhân, và an ninh của con người.

Ông Delattre nhấn mạnh Tehran phải tránh mọi biện pháp có thể khiến nước này ngừng các cam kết hạt nhân.

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia khẳng định mong muốn Iran duy trì cam kết rong thỏa thuận hạt nhân, song cáo buộc Mỹ đã phát đi những tín hiệu không rõ ràng.

Những phát biểu trên được đưa ra sau khi Iran cùng ngày khẳng định nước này không thể "một mình" cứu vãn thỏa thuận hạt nhân trong bối cảnh quốc gia Cộng hòa Hồi giáo đang có động thái bỏ qua những cam kết kiềm chế hoạt động hạt nhân.

Tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Majid Takht Ravanchi cho hay Iran đã làm nhiều hơn bổn phận của mình để bảo toàn thỏa thuận hạt nhân.

Tuy nhiên, ông Ravanchi nhấn mạnh một mình Tehran không thể và sẽ không gánh vác thêm gánh nặng để bảo vệ văn kiện này.

Theo nhà ngoại giao Iran, việc Mỹ rút khỏi JCPOA và tái áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này đã khiến JCPOA gần như không hiệu quả. Ông nhấn mạnh các nước khác tham gia ký kết JCPOA, gồm Anh, Pháp và Đức, phải tìm cách bồi thường cho Iran do các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng thư lý Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề chính trị Rosemary DiCarlo cho rằng việc Iran tuyên bố có những bước đi mới nhằm giảm các cam kết theo thỏa thuận hạt nhân 2015 cũng có thế không giúp cho việc cứu vãn thỏa thuận này.

Bà DiCarlo đồng thời cho rằng việc Mỹ quyết định không gia hạn miễn trừ trừng phạt đối với một số quốc gia nhập khẩu dầu mỏ của Tehran "có thể ngăn trở" việc thực thi thỏa thuận hạt nhân lịch sử này.

Trước đó, ngày 17-6, Iran tuyên bố sẽ bỏ qua những hạn chế về dự trữ urani theo JCPOA, theo đó, sẽ vượt qua giới hạn dự trữ 300 kg urani được làm giàu kể từ ngày 27-6.

Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran cảnh báo nước này sẽ thực thi các biện pháp mới nhằm "thu hẹp" các cam kết theo JCPOA vào ngày 7-7 tới nếu các nước các nước châu Âu không có động thái nhằm giúp bảo vệ nước Cộng hòa Hồi giáo trước những lệnh trừng phạt từ Washington.

Theo Vietnamplus