Cách thức mới trong tổng điều tra dân số và nhà ở

16/11/2018 - 03:41

 - Cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở được thực hiện định kỳ 10 năm/lần, nhằm tổng hợp và biên soạn các chỉ tiêu trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và phân tích, dự báo tình hình phát triển dân số và nhà trên phạm vi cả nước nói chung và An Giang nói riêng. Để chuẩn bị cho cuộc tổng điều tra theo chu kỳ vào ngày 1-4-2019 sắp tới đây, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở tỉnh đã nhanh chóng triển khai những cách thức mới trong tổng điều tra để việc thu thập các số liệu mang tính chính xác và hiệu quả cao nhất.

Ảnh: Thanh Hùng

Theo ông Thiều Vĩnh An, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở tỉnh An Giang Cục trưởng Cục thống kê tỉnh, cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được thực hiện theo Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 26-6-2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Đến nay, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành một số khâu quan trọng như: thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện; văn phòng ban chỉ đạo điều tra các cấp; vẽ sơ đồ nền và phân chia địa bàn ở các xã, phường, thị trấn và lập bảng kê hộ. Bảng kê hộ là hoạt động thu thập thông tin ban đầu từ các hộ dân cư trong tổng điều tra.

Khác với các kỳ trước, tổng điều tra năm 2019 không vẽ sơ đồ chi tiết địa bàn điều tra mà chỉ thực hiện bảng kê hộ và nhân khẩu đặc thù. Việc thay đổi giúp cuộc tổng điều tra được tiến hành thuận lợi, chặt chẽ, tránh điều tra trùng hoặc bỏ sót địa bàn, hộ, các nhân khẩu thực tế thường trú tại hộ.

Nét mới trong tổng điều tra năm nay còn ở phương pháp điều tra gồm: phỏng vấn trực tiếp và hộ tự cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử của tổng điều tra. Với cách phỏng vấn trực tiếp, điều tra viên đến từng hộ để hỏi người cung cấp thông tin và ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điều tra điện tử được thiết kế trên máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh (còn gọi là phiếu điện tử).

Trường hợp đối với những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không thể ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập số liệu thì điều tra viên sử dụng phiếu điều tra giấy để ghi chép thông tin.

Đối với các hộ bận rộn, thường đi làm vắng nhà có thể chủ động tự cung cấp thông tin theo mẫu trên trang thông tin điện tử của tổng điều tra. Nhờ vậy sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí đi lại cho điều tra viên và cả các hộ được điều tra. Đồng thời, giúp quản lý tốt dữ liệu, dễ dàng tổng hợp, phân tích và báo cáo dữ liệu thu thập.

Cùng với đổi mới phương pháp điều tra là bổ sung thêm nội dung điều tra, với cách điều tra toàn bộ và điều tra chọn mẫu. Điều tra chọn bộ được sử dụng với phiếu ngắn gồm các thông tin cơ bản về dân số và nhà ở các hộ.

Với điều tra chọn mẫu sử dụng dài, ngoài thông tin về dân số còn có thêm thông tin về lịch sử của nữ vị thành niên từ 10 - 14 tuổi và phụ nữ từ gần 15 - 49 tuổi, thông tin người chết, thông tin về nhà ở nhằm đáp ứng yêu cầu thông tin phân tích chuyên sâu, giúp nâng cao chất lượng điều tra, nhất là với những câu hỏi nhạy cảm và phức tạp.

Ông Thiều Vĩnh An nhận định: “Với cách thức mới trong tổng điều tra lần này tuy phải tốn nhiều thời  thời gian, công sức tập huấn cho ban chỉ đạo trong tổng điều tra các cấp và điều tra viên ở cơ sở nhưng sẽ mang lại tính chính xác cao trong công tác điều tra và giảm thời gian trong tổng hợp, quản lý và báo cáo số liệu.

Các kết quả điều tra sẽ được tổng hợp và biên soạn các chỉ tiêu trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia quy định trong Luật thống kê, giúp phân tích và dự báo tình hình phát triển dân số và nhà ở trên phạm vi cả nước nói chung và An Giang nói riêng; cung cấp thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia về dân số, xây dựng dàn mẫu chủ phục vụ các cuộc điều tra hộ dân cư.

Đặc biệt, đáp ứng nhu cầu thông tin về dân số và nhà ở phục vụ đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, phục vụ công tác giám sát thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới, giám sát các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết”.

Ông Thiều Vĩnh An cho biết thêm, đây là cuộc tổng điều tra lần cuối cùng của cả nước. Sắp tới, sẽ không tiến hành tổng điều tra dân số 10 năm/lần, mà thay vào đó là dựa trên kết quả điều tra chi tiết, chính xác lần này các ngành như: công an, Tư pháp sẽ tiến hành bổ sung các thông tin về nhân khẩu, hộ tịch, nhà ở… theo định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/lần. Nhờ vậy, giúp các số liệu, dữ liệu quốc gia được cập nhật thường xuyên, phục vụ cho công tác chuyên môn của rất nhiều ngành, nghề từ Trung ương đến địa phương.

NGỌC GIANG