Cảm hóa thanh, thiếu niên chậm tiến hòa nhập cộng đồng

31/05/2018 - 07:13

 - Thực hiện Chương trình tuyên truyền, cảm hóa, giáo dục thanh, thiếu niên (TTN) chậm tiến, sau giai đoạn I (2013-2015), huyện Phú Tân (An Giang) tiếp tục có những cách làm tích cực như tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ các nguồn vốn vay ưu đãi, tư vấn, giới thiệu việc làm giúp TTN chậm tiến hòa nhập cộng đồng.

Với sự hỗ trợ của gia đình, hàng tháng, Xã đoàn phối hợp Công an địa phương trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với đối tượng để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời tác động đến nhận thức, tư tưởng, định hướng giúp TN học nghề, vay vốn, tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao… từng bước chuyển biến tư tưởng tích cực.

Qua diễn đàn “Hướng tới tương lai”, các em được tuyên truyền giáo dục kỹ năng sống, trao đổi, tọa đàm với đại diện các cơ quan, ban, ngành, trình bày tâm tư nguyện vọng về công việc, nhu cầu học tập nhằm hòa nhập.

Ngoài ra, huyện còn duy trì và nâng chất sinh hoạt Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội”, Câu lạc bộ “Thắp sáng niềm tin”. Giai đoạn 2016-2018, huyện Phú Tân có 781 TTN chậm tiến, các xã, thị trấn đưa cảm hóa giáo dục 296 TN, trong đó tiến bộ 156, chưa tiến bộ 140 (trong số này có 58 em bỏ địa phương).

Ban Chỉ đạo chương trình tuyên truyền, cảm hóa, giáo dục TTN chậm tiến ở các địa phương tham gia hỗ trợ các em về dạy nghề, giới thiệu việc làm ổn định trong các công ty, nhà máy xay xát ngay tại địa phương, mức thu nhập từ 2,3-5 triệu đồng/tháng, bên cạnh đó còn giải quyết vay vốn cho 2 thanh niên làm kinh tế.

Khen thưởng những thanh, thiếu niên hòa nhập tốt cộng đồng trong giai đoạn 1

Khen thưởng những thanh, thiếu niên hòa nhập tốt cộng đồng trong giai đoạn 1

Được sự động viên, nhắc nhở của các ban, ngành, đoàn thể và gia đình, các em đã cố gắng sửa chữa bằng những việc làm thiết thực. Điển hình như em N.H.A. (xã Hòa Lạc), trước đây không có công ăn việc làm ổn định, thường xuyên uống rượu gây mất an ninh trật tự địa phương. Được chính quyền địa phương hỗ trợ vay vốn 20 triệu đồng, em sử dụng để mua bán gà thịt, thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng, cuộc sống ổn định và em đã sửa chữa thành người tốt.

Em T.Q.K. (xã Phú Lâm), sau khi vi phạm được đưa vào cảm hóa giáo dục đã tiến bộ rõ rệt. Em được Xã đoàn Phú Lâm kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và đã tham gia thi hành nghĩa vụ quân sự, hiện tại đang phục vụ tại một tiểu đoàn thuộc Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Em Đ.H.D. sau khi chấp hành án tù trở về đã khắc phục sửa chữa tốt, được chính quyền địa phương hỗ trợ vay vốn 20 triệu đồng. Em mua dụng cụ vẽ tranh, pa-nô, áp-phích, hiện tại phát triển nghề nghiệp rất tốt tại địa phương. Qua cảm hóa, giáo dục đến nay đa số TN không còn tụ tập ăn nhậu đêm khuya quậy phá và tham gia tệ nạn xã hội, tập trung lao động sản xuất phụ giúp gia đình, trở thành người có ích cho xã hội và tích cực tham gia các phong trào do Đoàn Thanh niên địa phương phát động.

Tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng việc giáo dục, cảm hóa TTN chậm tiến vẫn còn nhiều thách thức. Dù rất nỗ lực nhưng việc tiếp xúc, gặp gỡ các em gặp nhiều khó khăn.

Phần lớn các em không có nghề nghiệp ổn định, một số đã bỏ địa phương đi lao động, số còn lại hàng ngày phải đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Đa số địa phương chưa đáp ứng được nguồn vốn vay, đào tạo, giới thiệu việc làm cho các em theo đề xuất nguyện vọng.

Một số địa phương xem việc cảm hóa, giáo dục TTN chạm tiến chỉ do công an và Đoàn Thanh niên đảm nhận, chưa huy động hết các đoàn thể tham gia hoặc phân công kiềm cặp các em không đúng thành phần theo quy định.

Ngoài ra, kinh phí hỗ trợ tuyên truyền và kinh phí hỗ trợ TTN sản xuất - kinh doanh còn hạn chế cũng dẫn đến kết quả một số TN làm ăn không hiệu quả. Đa phần những đối tượng này thiếu sự quan tâm từ gia đình, không có ý chí vươn lên, thường xuyên giao du với bạn xấu nên dễ bị lôi kéo.

Ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể còn cần đến nhà trường và gia đình để quản lý, giáo dục đúng cách để các em có việc làm, tự lo cho bản thân.

MỸ HẠNH