Cận cảnh cá ma cà rồng chữa bệnh cho người

17/01/2018 - 09:42

Một số gene của cá mút đá có thể giúp sửa chữa hệ thần kinh của động vật có vú, ví dụ các tổn thương tủy sống ở người.

Công trình do Phòng thí nghiệm Sinh học biển (MBL) thuộc Đại học Chicago (Mỹ) thực hiện với sự cộng tác của nhiều chuyên gia đến từ các đơn vị khác. 

Họ phát hiện ra rằng một số gene mà loài cá mút đá kỳ dị sở hữu có thể làm các mạch máu của một tủy sống đã bị cắt đứt được phục hồi hoàn toàn mà không cần dùng thuốc hay bất kỳ cách điều trị nào khác.

Cá mút đá chia sẻ với con người một thủy tổ vào 550 triệu năm trước - ảnh minh họa từ internet

Cá mút đá, còn được gọi là cá ninja, cá ma cà rồng, cá hút máu... là một động vật biển có hình thái hầu như không thay đổi từ hàng trăm triệu năm trước. Nó sở hữu một hàm răng kinh dị và sống bằng cách hút máu các sinh vật biển khác.

Các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp

Nguyên nhân khiến gene của nó sử dụng được cho con người có lẽ là vì khoảng 550 triệu năm trước, khi sự sống trên trái đất được gói gọn dưới lòng biển khơi, loài cá quỷ này cũng như người bà con xa của nó là cá mập có cùng một tổ tiên với con người, theo như các dữ liệu cổ sinh vật học đã chứng minh.

Nghiên cứu tập trung chủ yếu vào "con đường tín hiệu Wnt", là chặng đường các tín hiệu thần kinh di chuyển từ não xuống tủy sống và hệ thần kinh ngoại vi, giúp động vật điều khiển mọi hoạt động sống. Khi bị tổn thương tủy, con người sẽ không thể vận động từ nơi tủy bị đứt, dập trở xuống bởi con đường tín hiệu đã bị cắt đứt.

Cận cảnh loài ma cà rồng của biển khơi - ảnh minh họa từ internet

Ban đầu, các nhà khoa học thí nghiệm bằng cách làm cho những con cá này mất đi khả năng bơi lội và chứng kiến các gene đặc biệt giúp cơ thể chúng tự phục hồi. Nhóm nghiên cứu vẫn đang tiếp tục đào sâu và mong sớm có thể ứng dụng các gene này lên cơ thể người, đem lại hy vọng cho các bệnh nhân liệt tủy.

Liệt tủy thường mắc phải khi tủy bị chấn thương do tai nạn ở vùng cột sống. Thông thường, chỉ có bệnh nhân bị tổn thương nhẹ, không dập nhiều mới có thể phục hồi phần nào. Tổn thương nặng có thể gây chết người hoặc liệt vĩnh viễn, suốt đời sống trên xe lăn và mang theo bọc thông tiểu qua da.

Theo A. THƯ (Người lao động)