Cần cảnh giác hành vi lừa đảo thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội

29/07/2019 - 07:29

 - Theo Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh, thời gian qua, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng mạng viễn thông, mạng xã hội trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Bọn chúng có nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để thực hiện hành vi lừa đảo nhằm mục đích lấy tài sản của người nhẹ dạ, cả tin.

Đơn tố giác của người dân 

Trường hợp thứ nhất, các đối tượng làm quen với bị hại qua mạng xã hội, xưng là người nước ngoài đang đi lính trong quân đội, hứa kết hôn và tặng quà, tiền bằng đường hàng không. Sau đó, có người điện thoại xưng là nhân viên giao hàng của cơ quan hàng không, yêu cầu bị hại đóng phí, đóng phạt để nhận hàng, tiền. Điển hình, thông qua mạng xã hội, khoảng tháng 4-2019, chị N.T.T (sinh năm 1974, ngụ phường Bình Đức, TP. Long Xuyên) kết bạn cùng người đàn ông tự xưng Peterson Donald Jr (sinh năm 1963, độc thân). Ông ta cho biết, đang đi lính ở nước ngoài được thưởng một số tiền lớn (750.000USD), nhưng không thể mang tiền mặt về nước và không thể nộp vào tài khoản vì chiến tranh. Có người giúp ông gửi số tiền trên vào tài khoản trực tuyến ở ngân hàng Đông Dương Campuchia, nhưng sau đó anh ta chết. Ông Donald Jr đề nghị chị T. thay ông nhận số tiền này tại Việt Nam, rồi vài tháng sau khi kết thúc nhiệm vụ, ông sẽ sang Việt Nam tìm hiểu thị trường để khi nghỉ hưu lấy số tiền trên qua Việt Nam nhờ chị T. giúp ông kinh doanh.

Chị T. cung cấp thông tin cá nhân của mình để đối tượng chuyển tiền vào tài khoản. Nhưng sau đó, chị T. nhận được email của chính Ngân hàng Đông Dương Campuchia gửi thông báo: nếu chuyển từ 200USD trở lên thì phải có tài khoản trực tuyến tại ngân hàng này; phải đóng phí là 700USD. Chị T. thông báo lại cho Donald Jr biết, kêu chuyển tiền về để đóng phí, nhưng đối tượng lại nhờ chị lấy tiền cá nhân đóng thay. Nhẹ dạ cả tin, chị T. bắt đầu thực hiện những cuộc chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng và sự hướng dẫn của nhóm đối tượng liên quan qua các ngân hàng từ ngày 23-5-2019 đến 10-6-2019. Tổng số tiền chị T. gửi vào nhiều tài khoản khác nhau do đối tượng Donald Jr cung cấp hướng dẫn là 748.100.000 đồng. Khi phát hiện mình bị lừa, chị T. đã làm đơn tố giác hành vi lừa đảo trên đến cơ quan chức năng.

Các đối tượng lừa đảo còn dùng chiêu trò tự xưng danh là cán bộ công an, viện kiểm sát, nhân viên bưu điện gọi điện thoại cho hay: việc gửi tiền của bị hại tại ngân hàng liên quan đến chuyên án, vụ ma túy lớn, đe dọa bắt giam; yêu cầu chuyển tiền phục vụ điều tra. Điển hình, khoảng 7 giờ 30 phút ngày 12-4-2019, ông P.T.Đ (cán bộ nhà nước, sinh năm 1967, ngụ Thoại Sơn) đang họp giao ban tại cơ quan, thì nhận được cuộc điện thoại từ người phụ nữ (không danh tính) cho biết ông có giấy triệu tập của Công an TP. Đà Nẵng, yêu cầu ấn phím 6 để biết thêm chi tiết. Khi ông ấn phím 6, một người phụ nữ khác tự xưng là bộ phận hỗ trợ của Tòa án nhân dân TP. Đà Nẵng cho biết, ông “có liên quan đến vụ lãnh thuốc bảo hiểm ở TP. Đà Nẵng với số lượng lớn để bào chế thuốc phiện và Công an TP. Đà Nẵng đã triệu tập 2 lần nhưng ông không đến”. Đồng thời, điện thoại cũng được kết nối ngay với một số điện thoại khác, tự xưng là trung úy Nguyễn Mạnh Hùng, Công an TP. Đà Nẵng, nói ông “có liên quan đến chuyên án ma túy và rửa tiền”, “đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng” nên không cho ông tiết lộ thông tin, nếu không sẽ bị phạt tù từ 5-7 năm. Theo đó, để áp đảo tinh thần, đối tượng không cho ông Đ. tắt điện thoại, phải liên tục xóa tin tức trên zalo; đề nghị ông chụp hình giấy tờ và gửi vào tài khoản do đối tượng cung cấp 100 triệu đồng để giúp đỡ. Ngoài ra, đối tượng còn yêu cầu ông chuyển 300 triệu đồng vào 3 tài khoản của ông đang mở, để thanh tra ngân quỹ tài chính của ông, kiểm tra xem trong thời gian qua ông có giao dịch chuyển tiền qua lại với tên trùm ma túy đã bị bắt trước đó hay không. Lúc này, ông Đ. nghi vấn mình đang bị kẻ gian lừa đảo, nên đến Công an huyện Thoại Sơn trình báo sự việc.

Ngày 20-11-2018, cô ruột của chị N.T.N.T (sinh năm 1970, ngụ xã Châu Phong, TX. Tân Châu) ở nước ngoài đã bị kẻ gian xâm nhập tấn công chiếm tài khoản trên mạng facebook. Sau đó, nhắn tin đang cần tiền gấp nhờ chị T.  mượn chuyển qua dùm. Tưởng thật, chị T. đến ngân hàng chuyển tổng cộng 88,5 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Sau đó, chị T. điện thoại qua messenger thì đối tượng không trả lời. Nghi ngờ, chị tiếp tục điện thoại hỏi thăm người thân thì được biết tài khoản facebook của cô mình bị kẻ gian xâm nhập sử dụng.     

Hoặc khi phát hiện bị hại rao bán hàng (có giá trị) trên mạng xã hội, đối tượng hứa mua hàng, chuyển khoản qua ngân hàng, yêu cầu bị hại đăng nhập vào một trang web để xác nhận thông tin, rồi xâm nhập tài khoản của họ để chiếm đoạt tiền. Theo Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh, người dân cần chủ động nâng cao kiến thức, nhận thức cho bản thân và gia đình, tuyệt đối không làm theo các thông tin, yêu cầu được chia sẻ, liên hệ qua mạng xã hội, internet. Ngoài ra, nên hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân của mình và gia đình trên internet. Nếu gặp trường hợp nghi vấn lừa đảo, cần tìm cách ghi lại thông tin của các đối tượng như: số điện thoại, số tài khoản ngân hàng… để cung cấp ngay cho cơ quan công an điều tra, làm rõ. Luôn nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa vẫn là giải pháp căn bản nhất để đối phó với các loại tội phạm. Ngoài ra, các phương tiện truyền thông đại chúng, tổ chức đoàn thể tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội để quần chúng nhân dân cảnh giác, phòng ngừa và tố giác tội phạm, tránh bị mắc bẫy.          

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG