Cần có giải pháp căn cơ để chấm dứt nạn bạo lực học đường

24/04/2019 - 17:19

 - Khi sự việc em Nguyễn Hữu Th. (lớp 8A1, Trường THCS Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) bị 7 học sinh cùng trường đánh chưa lắng xuống, ngày 22-4, em Nguyễn Đăng Kh. (cùng lớp Th.) lại bị đánh. Chuỗi sự việc bạo lực học đường ở nhà trường tuy không gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng lại phức tạp, kéo dài, cần sự giải quyết dứt điểm từ nhiều phía.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP. Long Xuyên Phan Thị Yến cho biết: “Chiều tối 23-4, nghe thông tin em Kh. bị đánh, chúng tôi đã phối hợp nhà trường, địa phương xác minh vụ việc. Theo đó, khoảng 12 giờ 30 phút ngày 22-4, tại cầu thang gần lớp 8A3, em Trần Thanh V. (lớp 8A3) đánh em Kh. vì lý do: Kh. báo với giáo viên chuyện V. đánh Th. hôm trước. Bị đánh nhưng Kh. không cho ai biết. Đến cuối giờ học chiều 23-4, Kh. cho giáo viên dạy Văn biết mình bị V. đánh, nhờ cô chở về nhà. Sau đó, phụ huynh của Kh. trình báo Công an phường Mỹ Thới. Từ thời điểm nắm thông tin đến sáng 24-4, Ban Giám hiệu cùng lãnh đạo Phòng GD&ĐT liên tục phối hợp thăm hỏi em Kh., tìm giải pháp xử lý vụ việc. Sáng 24-4, lãnh đạo UBND TP. Long Xuyên phối hợp Sở GD&ĐT và các đơn vị có liên quan, tổ chức họp bàn xử lý giải quyết vụ việc này”.

Đáng quan tâm khi V. là 1 trong 7 học sinh tham gia đánh em Th., đã bị xử lý kỷ luật hình thức cảnh cáo trước toàn trường vào 22-4. Chiều 24-4, Công an phường phối hợp nhà trường tiếp tục mời các học sinh có liên quan để lấy lời khai. Sau khi có kết luận điều tra chính thức toàn bộ vụ việc, nhà trường sẽ thành lập Hội đồng kỷ luật, xem xét hành vi sai phạm của từng học sinh, cân nhắc toàn diện tính chất, mức độ vi phạm, đưa ra mức kỷ luật có đủ khả năng răn đe, giáo dục, phòng ngừa tái phạm.

Hiện nay, dù 7 học sinh tham gia đánh em Th. (vào ngày 11-4) đã bị xử lý kỷ luật, nhưng phía gia đình em Th. vẫn tiếp tục khiếu nại đến Sở GD&ĐT, yêu cầu xác minh, làm rõ một số nội dung có liên quan đến vai trò của từng học sinh; đề nghị nhìn nhận lại mức độ nghiêm trọng của sự việc để giải quyết thấu tình đạt lý, không bao che, giảm nhẹ cho bất kỳ ai. Diễn biến mới phát sinh liên quan đến chuyện em Kh. bị đánh cho thấy, cần phải có giải pháp căn cơ, ổn thỏa, đồng bộ để chấm dứt nạn bạo lực học đường tại Trường THCS Mỹ Thới, tạo môi trường giáo dục an toàn để học sinh yên tâm đến lớp.

Theo Phòng GD&ĐT TP. Long Xuyên, bên cạnh việc xử lý học sinh vi phạm (vụ việc cũ), chiều 20-4, Hội đồng kỷ luật nhà trường tiến hành họp xét kỷ luật viên chức. Tổng phụ trách Đội Nguyễn Hiếu Tr. không có mặt kịp thời để giải quyết, xử lý vụ việc học sinh đánh nhau, phát ngôn thiếu chuẩn mực với báo chí, gây dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín của ngành và trường, phải nhận mức “Khiển trách, đình chỉ công tác 7 ngày (kể từ ngày 20 đến 26-4)”, sau đó sẽ chuyển vị trí công tác khác trong nội bộ. Riêng các thành viên Ban Giám hiệu tự đề xuất hình thức kỷ luật cho bản thân. Việc có kỷ luật họ hay không, hình thức kỷ luật thế nào sẽ do UBND TP. Long Xuyên thực hiện, sau khi có kết quả xác minh cụ thể.

Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Nguyễn Phú khẳng định: “Quan điểm của địa phương là tiếp tục xử lý nhanh, đúng quy trình, quy định, thẩm quyền, trên tinh thần trách nhiệm. UBND thành phố đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT thành lập tổ theo dõi, xử lý toàn bộ vụ việc từ khi mới diễn ra đến khi kết thúc; thông báo kết quả xử lý cho gia đình em Th. và Kh., đề nghị gia đình tiếp tục động viên các em trở lại lớp. Về phía công an, cần xác minh, làm rõ các vi phạm của học sinh có mang tính tổ chức (trong và ngoài nhà trường) hay không, để có phương án giải quyết đúng quy định, trình tự. Cùng với việc xử lý học sinh vi phạm (trực tiếp đánh bạn và đứng xem), ngành chức năng cần tiếp tục làm rõ trách nhiệm cán bộ quản lý nhà trường liên quan đến vụ việc, đề xuất xử lý nếu có sai phạm. Mặt khác, rà soát, củng cố lại bộ máy quản lý của nhà trường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Trường THCS Mỹ Thới nói riêng, các trường trên địa bàn thành phố nói chung. Địa phương cũng yêu cầu các ban, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, sinh hoạt dưới cờ để giáo dục ý thức cho các em học sinh, đồng thời triển khai thí điểm mô hình phòng, chống bạo lực học đường tại nhà trường, tiến tới nhân rộng các trường khác”.

Ở độ tuổi “lớn không lớn, nhỏ không nhỏ”, các em học sinh THCS chưa phát triển hoàn thiện về tâm sinh lý, dễ bị kích động bởi những mâu thuẫn nhỏ, “va chạm” xảy ra là điều dễ hiểu. Các em phải được gia đình, nhà trường và xã hội định hướng đúng đắn về nhận thức và hành vi để có thái độ xử sự ôn hòa, đúng mực. Trong câu chuyện này, vai trò của phụ huynh, nhà trường, địa phương rất quan trọng, các bên cần có tiếng nói chung, thống nhất phương hướng giải quyết dứt điểm vấn đề. 

Cần có giải pháp căn cơ để chấm dứt nạn bạo lực học đường

Họp bàn giải pháp xử lý dứt điểm vụ việc tại Trường THCS Mỹ Thới

Bài, ảnh: GIA KHÁNH