Cân đối tài chính năm 2018

23/02/2018 - 01:40

 - Trong bối cảnh lương cơ sở tăng lên 1,39 triệu đồng/tháng (từ ngày 1-7-2018), nhu cầu chi tăng nhưng nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN) khó tăng thêm nhiều. Do vậy, đòi hỏi các đơn vị, địa phương phải chủ động thực hiện cơ chế tạo nguồn từ một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của các cơ quan, đơn vị để cải cách tiền lương. Đồng thời, không đề xuất bổ sung dự toán kinh phí khi chưa thực sự bức thiết.

Vượt khó hoàn thành nhiệm vụ

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Duy Toàn cho biết, bên cạnh thuận lợi, năm 2017 là năm có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là thời tiết diễn biến thất thường, mưa trái mùa kéo dài, sạt lở bờ sông, nguồn cát xây dựng khan hiếm… Tuy nhiên, với nỗ lực của tỉnh và các địa phương, An Giang đã hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu NSNN.

Tính đến ngày 31-12-2017, thu NSNN từ kinh tế địa bàn được 5.929,7 tỷ đồng, đạt 111,15% so dự toán, tăng gần 16% so năm 2016. Trong đó, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 166,4 tỷ đồng (tăng 25,45%), thu nội địa 5.763,3 tỷ đồng (tăng gần 16,8%).

Về phân cấp nguồn thu, cấp tỉnh thu được 4.068,2 tỷ đồng (đạt 112% so dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 27% so năm 2016), cấp huyện, thị xã, thành phố thu 1.861,5 tỷ đồng (đạt 109% dự toán, tăng 4% so cùng kỳ).

Có 9/11 huyện, thị xã, thành phố thu vượt dự toán năm, gồm: Tịnh Biên (150%), Tri Tôn (135,15%), TP. Châu Đốc (132%), TX. Tân Châu (118,87%), An Phú (112,5%), Thoại Sơn (111%), Chợ Mới (107,41%), Phú Tân (103,36%) và Châu Phú (100,13%), có 2 địa phương thu không đạt dự toán là Châu Thành (97,73%) và TP. Long Xuyên (94,49%).

Đối với chi NS địa phương, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị dự toán và điều hành chi NS chặt chẽ, đúng dự toán được giao, hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán. Những tháng cuối năm 2017, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về tài chính NS theo Chỉ thị số 14/CT-TTg, ngày 19-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ (về việc tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2017).

Qua đó, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi thiết yếu của địa phương, đặc biệt là chi cho con người, an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh và những nhiệm vụ cấp thiết khác. Tổng chi NS địa phương năm 2017 là 11.715 tỷ đồng, đạt 99,81% dự toán, tăng 6,73% so năm 2016.

Không chi xa hoa, lãng phí

Ông Nguyễn Duy Toàn cho biết, năm 2018 là năm thứ 3 thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và dự toán NSNN 5 năm (2016-2020) của tỉnh, là năm thứ 2 giai đoạn ổn định NS (2017-2020) và là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch KT-XH. Do đó, để hoàn thành cao nhất dự toán NSNN năm 2018, các ngành, các cấp phải quyết tâm, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - NS.

Năm 2018, Chính phủ giao thu NSNN từ kinh tế trên địa bàn tỉnh là 5.445 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao thu 5.700 tỷ đồng. Trong khi đó, HĐND tỉnh giao chi NS địa phương là 13.288 tỷ đồng, tăng 13,2% so dự toán năm 2017. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 4.500 tỷ đồng (tăng 27,8%), chi thường xuyên 8.565 tỷ đồng (tăng 7%), chi bổ sung Quỹ dự trữ tài chính 1,2 tỷ đồng (bằng năm 2017), dự phòng NS các cấp 222,2 tỷ đồng (tăng 2,49%).

Tỉnh ưu tiên NS cho các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội. Đồng thời, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, quản lý, sử dụng triệt để tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực NSNN, song song với huy động tối đa các nguồn lực khác để thúc đẩy phát triển KT-XH.

“Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - NS năm 2018, đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2018 theo nghị quyết của Chính phủ và HĐND tỉnh. Đồng thời, tổ chức điều hành dự toán NSNN chủ động, chặt chẽ, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính, NS, kiểm soát chi hiệu quả trong phạm vi nghị quyết HĐND các cấp giao. Trong điều hành, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi; các khoản thu - chi phải thực hiện theo dự toán” - ông Toàn lưu ý.

Đối với thu NSNN, các đơn vị phải triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp tăng thu, chống thất thu NS; tổng hợp báo cáo cấp thẩm quyền phương án xử lý nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN và phấn đấu tăng thu NSNN 5% so dự toán HĐND tỉnh giao. Đối với chi thường xuyên, các ngành, các cấp NS tổ chức phân bổ dự toán chi NS năm 2018 được giao từ đầu năm, kiên quyết cắt giảm những khoản chi đã có trong dự toán đến hết ngày 30-6-2018 chưa phân bổ.

Việc điều hành phải thực hiện theo dự toán được duyệt, chủ động sắp xếp những khoản chi đột xuất trong phạm vi dự toán được giao; không đề xuất bổ sung dự toán kinh phí khi chưa thực sự bức thiết và chưa sử dụng hết khoản kinh phí được duyệt.

Các đơn vị phải thực hiện nghiêm chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi NS, chủ động sắp xếp thứ tự các nhiệm vụ, chỉ ưu tiên theo mức độ cấp thiết, lồng ghép các chính sách tiết kiệm triệt để ngay từ khâu phân bổ dự toán và cả trong quá trình thực hiện; hạn chế tối đa tổ chức các hội nghị, lễ hội, hội thảo, khánh tiết, công tác nước ngoài, mua sắm ôtô công và trang thiết bị đắt tiền…

NGÔ CHUẨN