Cần Thơ: Điều chỉnh sản xuất theo hướng phù hợp và hiệu quả

29/07/2018 - 19:00

Thời gian qua, ngành nông nghiệp thành phố đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi thành công. Bên cạnh cây trồng chủ lực là lúa sản xuất theo hướng lúa gạo hàng hóa chất lượng cao và đẩy mạnh sản xuất lúa giống, thành phố còn phát triển nhiều diện tích trồng rau màu, hoa kiểng, cây ăn trái, sản xuất nấm, nuôi trồng thủy sản và nhiều loại vật nuôi khác giúp mang lại hiệu quả cao.

A A
Điều chỉnh phù hợp
 
Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, cho biết: cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại thành phố đã và đang tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phù hợp, đem lại hiệu quả cao. Xu hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị được phát triển. Các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường như VietGAP, GlobalGAP… được nhân rộng. Nhiều doanh nghiệp cũng tham gia đầu tư phát triển các mô hình sản xuất tiên tiến như: trồng rau sạch, rau thủy canh… để đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
 
 

Mô hình trồng sầu riêng kết hợp nhãn Ido giúp mang lại hiệu quả cao của một hộ dân ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

 
Đến nay, thành phố có 17.910 ha cây ăn trái, vượt 4,43% kế hoạch, với sản lượng trái đã thu hoạch 61.718 tấn, đạt 62,66% kế hoạch. Trong 6 tháng đầu năm, thành phố gieo trồng rau màu và đậu các loại được hơn 9.617 ha, đạt 85,87% kế hoạch. Trong đó, diện tích gieo trồng rau các loại hơn 6.795 ha, tăng 1,68% so với cùng kỳ, đã thu hoạch hơn 5.114ha.
 
Đối với cây lúa, thành phố gieo trồng được 83.501 ha lúa vụ đông xuân 2017-2018 và đã thu hoạch thắng lợi, với năng suất lúa ước đạt 7,2 tấn/ha, sản lượng 593.958 tấn, vượt 0,15% so với kế hoạch. Đến nay, thành phố cũng thu hoạch được hơn 52.950/80.754 ha lúa hè thu, năng suất ước đạt 6 tấn/ha và xuống giống được hơn 29.890 ha lúa thu đông 2018. Sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn đã tiếp tục được phát triển, vụ đông xuân có 93 cánh đồng với tổng diện tích 23.211 ha, vụ hè thu 90 cánh đồng với tổng diện tích 23.245 ha. Thành phố hiện có 123 cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh lúa giống, với năng lực cung ứng 52.700 tấn/năm.
 
Trong chăn nuôi, chú trọng phát triển chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học và an toàn vệ sinh thực phẩm, khuyến khích hình thành các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung quy mô lớn liên kết sản xuất theo chuỗi. Đồng thời, công tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi được tăng cường nên năng suất, chất lượng đàn gia súc, gia cầm được nâng cao. Tổng đàn heo hiện hơn 126.580 con, đạt 97,4% kế hoạch; đàn bò 4.762 con, đạt 95,3% so với kế hoạch, tăng 8,7% so cùng kỳ; đàn gia cầm  hơn 1,83 triệu con, đạt 92% kế hoạch, tăng 2% so với cùng kỳ. Nuôi trồng thủy sản cũng được quan tâm phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường. Diện tích thả nuôi thủy sản trong 6 tháng qua hơn 3.500 ha và đã thu hoạch 1.787 ha, sản lượng 105.943 tấn, đạt 53,51% kế hoạch, tăng 27,99% so cùng kỳ. Trong đó, diện tích nuôi cá tra 589 ha, tăng 16,42% so cùng kỳ và đã thu hoạch 304 ha với sản lượng 90.834 tấn, tăng 26,57% so với cùng kỳ, đạt 55,27% kế hoạch.
 
Nâng cao hiệu quả sản xuất
 
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: “Cùng với việc phát triển vườn cây ăn trái gắn với du lịch, huyện Phong Điền đang tích cực hỗ trợ nông dân ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và liên kết hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao gắn với hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp để phục vụ xuất khẩu nhằm có đầu ra sản phẩm tốt, hiệu quả sản xuất tăng cao”. Theo ông Thắng, Phong Điền có diện tích đất sản xuất nông nghiệp không lớn, chỉ khoảng 10.200 ha, trong đó có 8.000 ha trồng cây ăn trái. Nhờ chuyển đổi các diện tích đất sản xuất lúa sang trồng cây ăn trái mà nhiều hộ dân tại huyện đã nâng cao được thu nhập rất nhiều lần so với trước. Nhiều vườn cây ăn trái ngon, đặc sản như: vú sữa, sầu riêng, dâu hạ châu… đã giúp nông dân có thu nhập từ 300-600 triệu đồng/ha/năm.
 
Bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, cho rằng: Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả đã ra đời nhưng việc “nhân rộng” còn gặp khó, do vậy cần có chính sách hỗ trợ cần thiết cho nông dân, nhất là hỗ trợ về đầu ra sản phẩm. Đến nay, nhiều quận, huyện như: Phong Điền, Bình Thủy, Ô Môn…cũng đã phát triển mạnh diện tích trồng cây ăn trái, mang lại giá trị và thu nhập rất tốt cho nông dân, nhưng thực tế hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Nguyên nhân do sản xuất cây ăn trái tại nhiều nơi còn manh mún, nông dân chưa quan tâm chăm sóc tốt cây trồng, đầu ra sản phẩm chưa ổn định. Hội nông dân thành phố đang tích cực phối hợp các bên liên quan vận động nông dân trồng cây ăn trái theo từng vùng để dễ dàng liên kết, tiêu thụ sản phẩm và ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
 
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng yêu cầu Sở NN&PTNT thành phố cần tiếp tục phối hợp tốt các sở ngành hữu quan và địa phương, nhất là các viện, trường để giúp nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ  xây dựng và phát triển mô hình liên kết hợp tác hiệu quả trong nông nghiệp. Chủ động phòng chống thiên tai và các loại dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi. Kịp thời tham mưu UBND thành phố ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tăng cường hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, phát triển kinh tế hợp tác và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp…
 
KHÁNH TRUNG