Cần Thơ sẽ có chính sách khuyến khích phát triển xe buýt

11/03/2018 - 09:29

TP Cần Thơ đang tích cực xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ nay đến năm 2020, định hướng sau năm 2020. Đây là cơ sở để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội thành phố.

A A

Củng cố hoạt động xe buýt

Theo Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ, hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ từ năm 1999, do Công ty TNHH Một thành viên Công trình Đô thị TP Cần Thơ quản lý và điều hành. Tháng 6-2014, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Quyết định 1741/QĐ-UBND thành lập Ban Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng (trực thuộc Sở Giao thông Vận tải) nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý, điều hành và khai thác hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố.

Hành khách đi xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ. Ảnh: ANH KHOA

Đến nay, TP Cần Thơ có 6 đơn vị tham gia khai thác trên 7 tuyến xe buýt, gồm: 5 tuyến nội tỉnh và 2 tuyến kế cận đi các tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long, với 82 phương tiện và chiều dài mạng lưới tuyến khoảng 223km, trung bình có khoảng 388 lượt xe hoạt động trong ngày. Trong đó, Ban Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng trực tiếp quản lý và khai thác 34 phương tiện, chiếm 41% tổng số phương tiện khai thác trên địa bàn thành phố.

Theo nhận định của ngành chức năng thành phố, mặc dù công tác quản lý và khai thác đã được củng cố nhưng nhìn chung hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt chưa thật sự đi vào chiều sâu. Hầu hết xe buýt có niên hạn sử dụng trên 10 năm, nên chưa thu hút người dân đi xe buýt, việc triển khai các tuyến buýt trong quy hoạch và khai thác gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, một số khó khăn, bất cập ảnh hưởng đến hoạt động khai thác xe buýt như mô hình tổ chức quản lý hoạt động xe buýt hiện nay còn chồng chéo giữa quản lý Nhà nước và hoạt động khai thác. Việc trợ giá gặp khó do nguồn lực của thành phố hạn chế và chưa ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật... đã làm hạn chế tính hấp dẫn trong xã hội hóa hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố.

Khuyến khích phát triển xe buýt

Tháng 5-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; chỉ đạo các tỉnh, thành phố căn cứ vào nguồn lực địa phương hỗ trợ lãi suất vay tại tổ chức tín dụng đối với các dự án đầu tư phương tiện, trợ giá hoặc hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp vận tải, miễn-giảm giá vé cho người sử dụng dịch vụ xe buýt, hoàn thiện mô hình Trung tâm Quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt… Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2016, Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ phối hợp với đơn vị tư vấn (Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải – Bộ Giao thông Vận tải) triển khai nghiên cứu xây dựng Đề án xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2016-2020, định hướng sau năm 2020. Đề án cũng nhằm triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (phê duyệt năm 2013); phấn đấu đến năm 2020 vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đáp ứng tối thiểu từ 5-7% nhu cầu đi lại của người dân (hiện nay chỉ khoảng 1%).

Đề án xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2016-2020, định hướng sau năm 2020 đã được báo cáo cuối kỳ vào tháng 4-2016 và báo cáo Hội đồng Thẩm định thành phố 2 lần.  Theo đơn vị tư vấn, nội dung đề án gồm: thành lập trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng; xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá cho hoạt động vận tải hành khách công cộng; cơ chế hỗ trợ lãi suất đối với tổ chức, cá nhân vay vốn tổ chức tín dụng để thực hiện các dự án đầu tư phương tiện, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Ngoài ra, đơn vị tư vấn cũng đề xuất UBND thành phố ban hành quyết định chung để phê duyệt toàn bộ các nội dung của đề án. Trên cơ sở này, Sở Giao thông Vận tải thành phố xây dựng, thẩm định và trình phê duyệt các quyết định cụ thể để triển khai đề án gồm: quyết định thành lập trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng. Cụ thể là: quyết định về ban hành định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại TP Cần Thơ; quyết định ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất đối với tổ chức, cá nhân vay vốn tổ chức tín dụng để thực hiện các dự án đầu tư phương tiện, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ và quyết định phê duyệt giá vé và trợ giá các tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ…

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ Lê Tiến Dũng cho biết thêm: Mục tiêu cụ thể của đề án là hình thành trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật để cho hoạt động trợ giá xe buýt và cơ chế hỗ trợ lãi suất vay. Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng phải là đơn vị sự nghiệp công lập, có tự chủ một phần kinh phí trên cơ sở tái cơ cấu Ban Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng hiện nay. Trung tâm sẽ thực hiện quản lý về kinh phí trợ giá, tổ chức và điều hành hoạt động vận tải hành khách công cộng theo quy định… Về xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, TP Cần Thơ cần xây dựng định mức riêng trên cơ sở định mức khung của Bộ Giao thông Vận tải để quản lý hoạt động trợ giá xe buýt. Về cơ chế hỗ trợ lãi suất vay dựa trên quy định tại thông tư của Bộ Tài chính.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng chủ trì cuộc họp thông qua Đề án xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2016-2020, định hướng sau năm 2020. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho rằng: Cần Thơ là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương nhưng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt còn hạn chế, phương tiện xuống cấp. Do đó, đề án xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2016-2020, định hướng sau năm 2020 rất cần thiết, cần sớm ban hành để giải quyết bức xúc nhu cầu đi lại của người dân, nhất là đối với người nghèo, học sinh, công nhân. Trên cơ sở cuộc họp này, đơn vị tư vấn sớm hoàn thiện đề án, gồm nội dung đề án chung và tóm tắt đề án gửi Sở Giao thông Vận tải, trong tháng 3-2018 trình UBND thành phố thông qua đề án.

Theo ANH KHOA (Báo Cần Thơ)