Cẩn trọng với các nguồn lây nhiễm bệnh dịch tả heo Châu Phi

10/06/2019 - 07:59

 - Tính đến chiều 5-6, TP. Long Xuyên phát hiện ổ dịch tả heo Châu Phi thứ 5. Như vậy, phường Mỹ Thạnh, Mỹ Thới, Mỹ Quý và Mỹ Hòa đều đã xuất hiện dịch. Địa phương đã tổ chức tiêu hủy 308 con heo, tổng trọng lượng 19.164kg. Ngoài nỗ lực dập dịch của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, người dân cần tuân thủ nghiêm các khuyến cáo để tránh tình trạng bệnh dịch lây lan rộng hơn.

Quyết liệt dập dịch

Ngày 21-5, ổ dịch đầu tiên trên địa bàn được phát hiện tại khóm Hưng Thạnh, phường Mỹ Thạnh, đã tiêu hủy 27 con heo, với tổng trọng lượng 881kg. Ngày 27-5, phát hiện tại khóm Hưng Thạnh (phạm vi 1km quanh ổ dịch), đã tiêu hủy 36 con heo, tổng trọng lượng 3.462kg, do trại nuôi heo có vị trí nằm trong vùng ổ dịch. Ngày 1-6, tại khóm Long Hưng 1 (phường Mỹ Thới) xuất hiện ổ dịch, đã tiêu hủy 50 con heo, tổng trọng lượng 2.449kg. Ngày 2-6, tại tổ 15, khóm Mỹ Phú (phường Mỹ Quý) đã tiêu hủy 4 con heo, tổng trọng lượng 372kg. Đến sáng 5-6, tại hộ ông Nguyễn Quốc Việt (khóm Tây Khánh 7, phường Mỹ Hòa, cách ổ dịch phường Mỹ Quý khoảng 3,1km và ổ dịch thị trấn Phú Hòa (Thoại Sơn) 2,7km) có 3 trong tổng số 189 con heo bị chết, cho kết quả dương tính với dịch tả heo Châu Phi.

Những ngày qua, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) TP. Long Xuyên đã trực tiếp và tham mưu Thành ủy, UBND thành phố ban hành 37 văn bản (gồm quyết định, kế hoạch, công văn chỉ đạo, báo cáo), cơ bản tạo hành lang pháp lý để tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống, ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh trên địa bàn. Trong đó tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển, giết mổ, mua bán heo - sản phẩm heo theo Hướng dẫn số 3708/HD-BNN-TY ngày 28-5-2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ban Chỉ đạo, các tổ công tác liên ngành: tổ phản ứng nhanh; tổ tiêu hủy, vệ sinh, tiêu độc khử trùng; tổ kiểm soát vận chuyển, giết mổ và mua bán heo, sản phẩm heo; tổ thông tin, tuyên truyền; chốt kiểm dịch đường thủy, đường bộ (2 chốt cấp thành phố và 5 chốt cấp phường); Hội đồng tiêu hủy heo mắc bệnh dịch tả heo Châu Phi các cấp đều được thành lập, kiện toàn và hoạt động hiệu quả. Tổ tiêu hủy, vệ sinh, tiêu độc khử trùng thành phố đã phối hợp với UBND các phường, xã thực hiện hoàn thành việc khảo sát, xác định vị trí hố chôn (dự kiến 46 vị trí trên 10 phường, xã) theo từng vùng để chủ động tiêu hủy khi có yêu cầu.

Cẩn trọng với các nguồn lây nhiễm bệnh dịch tả heo Châu Phi

Lực lượng làm nhiệm vụ tiêu hủy heo bệnh

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan

Việc heo mắc bệnh, lây lan nhanh không loại trừ nguyên nhân từ nguồn thức ăn thừa của người. Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Hòa Trần Minh Đúng thông tin: “Ngay khi phát hiện ổ dịch, cán bộ thú y cùng ban khóm cấp thuốc sát trùng và hướng dẫn người dân phun thuốc sát trùng, xử lý phun xịt, rắc vôi bột môi trường xung quanh... Đồng thời, phường thành lập chốt chặn 24/24 giờ trên Tỉnh lộ 943 (giáp ranh thị trấn Phú Hòa, Thoại Sơn). Đặc biệt, hướng dẫn hộ nuôi các biện pháp xử lý sát trùng tiêu độc môi trường xung quanh, cho họ làm cam kết không lấy và sử dụng thức ăn dư thừa tại các quán ăn, nhà hàng… làm thức ăn cho heo”.

Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo TP. Long Xuyên Nguyễn Trí Quang cho biết, địa phương sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức người dân. Trong đó khuyến cáo hộ nuôi không sử dụng nước sông để nuôi heo trong giai đoạn hiện nay, do từ ngày 27-5 đến nay, đã có 2 con heo chết trên kênh, rạch thuộc phường Bình Khánh và Mỹ Quý. Khả năng nguồn nước sông bị nhiễm bệnh dịch tả heo Châu Phi là rất cao.

Ngoài ra, vẫn xuất hiện tình trạng người dân không tuân thủ nguyên tắc “5 không”. Vừa qua, UBND phường Mỹ Quý phối hợp phường Mỹ Phước, Mỹ Thới, Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Long Xuyên tổ chức buổi làm việc với bà Huỳnh Thị Mai (khóm Đông Thịnh 3, phường Mỹ Phước) về việc vận chuyển, giết mổ heo trong vùng dịch và làm rõ tình hình hoạt động của lò mổ không phép tại hộ gia đình của bà. Qua làm việc, bà Mai thừa nhận có mua 2 con heo trong vùng dịch tại phường Mỹ Quý và chuyển xuống Lò Cái Dung giết mổ. UBND phường Mỹ Quý đã tạm giữ xe vận chuyển để tổ chức tiêu độc khử trùng. Tại buổi làm việc, địa phương và cơ quan chuyên môn đã tuyên truyền, giải thích cho bà Mai hiểu rõ tác hại của dịch tả heo Châu Phi, các hành vi bị nghiêm cấm. Bà Mai đã làm cam kết không tiếp tục mua khi heo chưa qua xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả heo Châu Phi.

“Đài Truyền thanh thành phố và phường, xã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về diễn biến tình hình dịch bệnh đến từng cán bộ, công chức, đảng viên, người chăn nuôi và nhân dân để hiểu rõ tính chất, mức độ nguy hiểm và tác hại nghiêm trọng của dịch bệnh; nắm vững các dấu hiệu phát hiện bệnh, các biện pháp phòng chống, ngăn chặn và các chính sách hỗ trợ đối với hộ nuôi bị thiệt hại cũng như các chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh. Việc thông tin, tuyên truyền mang tính thường xuyên, liên tục trên nguyên tắc vừa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ thịt heo, tránh phát sinh những tin đồn thất thiệt gây hoang mang trong xã hội, làm ảnh hưởng đến kinh tế và đời sống của nhân dân” - ông Nguyễn Trí Quang khẳng định.

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG