Cảnh giác tình trạng cho vay tiền lãi suất cao

07/10/2018 - 19:39

 - Khi người dân cần tiền để xoay xở cho cuộc sống gia đình, cần vốn để phát triển kinh doanh nhưng vì nhiều lý do khác nhau, họ chưa tiếp cận được với nguồn vốn của các tổ chức tín dụng. Trước nhu cầu này, nhiều tổ chức, cá nhân “có tiền” đã “vào cuộc” với những thủ tục cho vay tuy đơn giản nhưng đến khi trả nợ thì chẳng đơn giản.

Thủ tục đơn giản

“Không đơn giản là do lãi suất quá cao so với mặt bằng lãi suất chung của các Quỹ tín dụng nhân dân, ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn. Đến kỳ trả nợ, nếu chậm trả tiền thì Quỹ tín dụng sẽ tính lãi suất quá hạn. Trong khi đối với loại hình cho vay “tiền nóng”, chẳng những người vay chịu lãi suất quá hạn mà còn phải chịu cảnh chửi mắng, nặng nhẹ của chủ nợ; có trường hợp chủ nợ thuê “xã hội đen” thực hiện hành vi đòi nợ”- chị Trần Thị Nhanh (thị trấn Cái Dầu, Châu Phú) chia sẻ. Chị Nhanh là một trong rất nhiều trường hợp đang gặp phải tình trạng vay tiền chịu lãi suất cao.

Ngành ngân hàng tập trung đưa vốn vào cộng đồng để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế

Hình thức "chiêu dụ" của các cá nhân, tổ chức chuyên cho vay tiền với lãi suất cao là thủ tục đơn giản, nhanh chóng, chỉ cần có một số giấy tờ tùy thân như: chứng minh nhân dân, giấy tờ xe máy đang sở hữu hoặc hóa đơn tiền điện, nước. Hồ sơ duyệt cho vay diễn ra nhanh chóng (từ 10-30 phút). Về hợp đồng vay tiền rất đơn giản, thậm chí được thỏa thuận bằng miệng (không có giấy tờ kèm theo). Riêng về lãi suất, tùy vào món vay nhiều hay ít mà lãi suất có khi lên đến 70-80%/năm. Cá biệt có trường hợp lãi suất lên trên 100%/năm. Một số hộ khi vay không có tiền trả hoặc trả chậm thì chủ nợ lại nhờ "giang hồ" đòi nợ.

“Năm rồi, gia đình tôi có người bệnh bất ngờ. Nhà không tiền đành phải đi vay “tiền nóng” để chở con đi bệnh viện. Tôi vay 5 triệu đồng, mỗi tháng phải trả tiền lãi là 500.000 đồng. Ban đầu, dự tính chỉ vay trong thời gian 3 tháng sẽ trả dứt điểm. Tuy nhiên, do nhà nghèo, chỉ làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày, mỗi ngày tính ra được 130.000 đồng. Nhưng không phải ngày nào cũng có việc để làm, vì vậy số tiền 5 triệu đồng vay trả hoài không hết”- chị Nguyễn Thị Vẹn (xã Bình Phú, Châu Phú) chia sẻ.

Hệ lụy khó lường

Cho vay tiền với lãi suất cao gây ra nhiều hệ lụy cho người đi vay lẫn xã hội. Nhiều trường hợp, người vay không có tiền đóng lãi, tắt điện thoại, nhân viên đòi nợ của tổ chức cho vay điện “khủng bố” 2 số điện thoại mà lúc vay tiền, người vay phải cung cấp. Có trường hợp đòi nợ nhầm, người nghe điện thoại cho biết mình không phải là người đã vay tiền, nhưng nhân viên đòi nợ vẫn cứ điện thoại, nhất là vào những giờ nghỉ để khủng bố tinh thần, gây ra nhiều điều phiền toái.

Hiện nay, nhu cầu vay vốn để sinh hoạt cá nhân hoặc mua, bán nhỏ lẻ là rất lớn. Thời gian qua, bằng nhiều cách làm khác nhau, hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển các loại hình cho vay món nhỏ đến với cộng đồng dân cư như: cho vay góp chợ, cho vay trong thành viên để phát triển sản xuất của các Quỹ tín dụng nhân dân… Tuy nhiên, do thủ tục vay rườm rà, vì vậy người có nhu cầu vay tiền tìm đến những nơi có thủ tục vay đơn giản như các công ty cho vay tiêu dùng hoặc những người chuyên cho vay “tiền nóng” để vay.

Để khắc phục tình trạng này, các tổ chức tín dụng cần tăng cường hình thức cho vay món nhỏ, giảm bớt các thủ tục, đẩy mạnh việc phát triển loại hình tổ chức tài chính vi mô để đáp ứng nhu cầu vay vốn của cộng đồng. Phát triển mạnh hơn nữa các loại hình quỹ hội như: quỹ làm vườn, quỹ giúp nhau làm kinh tế của hội viên hội phụ nữ… để các hình thức này lấn át hình thức cho vay nặng lãi. Ngoài ra, nhân dân cần hợp tác với chính quyền địa phương, ngành công an để tố giác các tổ chức, cá nhân chuyên cho vay nặng lãi, sử dụng “xã hội đen” để đòi nợ thuê nhằm xác lập trật tự trong lĩnh vực này, mang lại sự bình yên cho cộng đồng dân cư…

“Các tổ chức cho thuê tài chính được Nhà nước cấp phép hoạt động. Lãi suất cho vay được quy định là do các bên thỏa thuận. Chính từ quy định này mà hoạt động của họ được Nhà nước công nhận và bảo vệ. Tuy nhiên, khi thiết lập hợp đồng cho vay giữa người vay tiêu dùng với công ty, người vay khó phân định lãi suất trong kỳ vay là bao nhiêu để có sự cân nhắc. Khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng bao giờ cũng bị thiệt thòi và quyền lợi không được bảo vệ” - Luật sư Trần Ngọc Phước, Đoàn Luật sư An Giang khẳng định.

Bài, ảnh: MINH HIỂN