Cảnh giác với “tín dụng đen”

27/06/2018 - 06:14

 - Vừa qua, cơ quan chức năng phát hiện một nhóm đối tượng mang theo hung khí trên xe, đến TP. Long Xuyên để “đòi nợ thuê”. Vụ việc gây hoang mang dư luận, là hồi chuông cảnh báo về mối nguy hại của “tín dụng đen”.

Bà Lê Thị Giấy (sinh năm 1963, ngụ phường Mỹ Quý) cho biết: “Từ năm 2008 đến 2010, tôi mua, bán gạo với bà Trần Thùy T. (sinh năm 1976, ngụ phường Mỹ Hòa). Thua lỗ nhiều, năm 2011, tôi vay 60 triệu đồng của bà T., lãi suất 5%/tháng. Ngày 4-12-2015, tôi trả được 40 triệu đồng nhưng số nợ lên đến 280 triệu đồng.

Sau đó, Công ty đòi nợ K.N (Đăk Nông) thông báo được bà T. ủy quyền đòi nợ thuê 280 triệu đồng. Tôi không đồng ý sự ủy quyền này, không chấp nhận trả nợ. Tối 14-6, nhiều đối tượng lạ mặt, tự xưng là nhân viên Công ty đòi nợ K.N, đến nhà tôi bằng xe ôtô biển kiểm soát 48A-068.33. Họ chửi bới, hăm dọa, yêu cầu tôi trả nợ và dùng tay đánh vào mặt, khiến tôi bị thương”.

Theo biên bản xác định thương tích của Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, bà Giấy bị sưng nề 2 má trái, phải.

Trong “Thông báo về việc ủy quyền đòi nợ” của Công ty đòi nợ K.N (do P.N.D ký tên chức danh giám đốc) có ghi: “Bằng văn bản này, Công ty đòi nợ K.N chúng tôi thông báo đến quý cơ quan chức năng về việc được bà Trần Thùy T. ủy quyền cho công ty đòi khoản nợ 280 triệu đồng đối với khách nợ là bà Lê Thị Giấy và ông Nguyễn Thành Nhân. Thông báo này được gửi đến UBND và Công an phường Mỹ Quý, bà Lê Thị Giấy và ông Nguyễn Thành Nhân theo quy định tại Khoản 3, Điều 34 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016. Trong thời hạn 3 ngày, yêu cầu bà Lê Thị Giấy và ông Nguyễn Thành Nhân có trách nhiệm liên hệ với công ty chúng tôi để trả nợ. Nếu không, công ty chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ thực hiện việc đòi nợ, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình”.

Bà Giấy khai nhận vết thương do nhóm đòi nợ thuê gây ra

Khi tiếp nhận thông tin, Công an phường Mỹ Quý mời các đối tượng trên về trụ sở để xác minh, làm rõ vụ việc nhưng họ không chấp hành, không hợp tác. Khi lập biên bản kiểm tra xe ôtô biển kiểm soát 48A-068.33, lực lượng chức năng phát hiện trong xe có nhiều hung khí nguy hiểm, như: dao tự chế, mã tấu, bình xịt hơi cay, súng điện. Quá trình làm việc, các đối tượng khai nhận có độ tuổi từ 25-47, ngụ tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Hậu Giang đang làm việc cho Công ty đòi nợ K.N. Trong đó, một đối tượng dương tính với ma túy đá nên bị đưa vào cơ sở cai nghiện.

Qua kiểm tra, họ không có giấy ủy quyền của bà T., không có hợp đồng lao động của công ty; có hành vi đánh người và không chấp hành theo yêu cầu của cơ quan công an. Sau đó, lực lượng chức năng đề xuất UBND TP. Long Xuyên ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2 đối tượng, mỗi đối tượng 15 triệu đồng; xử lý hành vi đánh nhau…

Trước đó, lực lượng chức năng TP. Long Xuyên tiếp nhận các tin báo của người dân liên quan đối tượng cho vay nặng lãi. Để phòng ngừa, đấu tranh băng nhóm cho vay nặng lãi, Công an TP. Long Xuyên xây dựng kế hoạch, tiến hành rà soát, kiểm tra, nắm chắc tình hình các cơ sở, đối tượng có biểu hiện cho vay nặng lãi. Có thể thấy, tình hình “tín dụng đen” ngày càng diễn biến phức tạp. Không chỉ các đối tượng từ tỉnh khác vào hoạt động tại TP. Long Xuyên, mà người dân địa phương cũng cho vay, lãi suất từ 30 đến 180%.

Phương thức hoạt động của các đối tượng thường lợi dụng sự nhẹ dạ, thiếu hiểu biết hoặc túng quẫn của người dân, cho vay từ 3-5 triệu đồng, trả 80.000-120.000 đồng/ngày.

Nhưng thực tế, số tiền nhận được không đúng với số tiền vay, bởi bị trừ 300.000 - 500.000 đồng tiền công, trả trước tiền lãi… Do đó, số tiền người vay nhận được rất thấp, phải trả theo số tiền ghi trong giấy nợ, cộng mức lãi 25-40% (tùy mức vay). Nếu người vay không thể chi trả thì bị các đối tượng này xiết nợ, đánh đập, hủy hoại tài sản.

Ngoài ra, một số đối tượng làm hợp đồng mua, bán xe, ghi giá trị của xe và tiền lãi theo quy ước. Khi ký hợp đồng mua, bán xong, đôi bên làm thêm hợp đồng cho thuê xe với lãi suất cao. Người vay phải trả định kỳ hàng tháng, nếu không sẽ bị lấy xe trừ nợ. Việc cho vay thường được biết đến bằng các tờ rơi, thông báo dán cột điện, nội dung rất hấp dẫn: “thủ tục đơn giản”, “giải ngân sớm”… Khi đang cần tiền gấp, không ít người dân lao động, công nhân, hộ nghèo xem đây là “phao cứu sinh”, dễ bị lôi kéo tham gia, rồi lún dần theo số nợ “lãi mẹ đẻ lãi con”.

Rất mong người dân nâng cao ý thức, tránh vay mượn nợ từ các nhóm đối tượng này. Nếu khó khăn về tài chính, nên tìm các nguồn cho vay minh bạch, lãi suất theo quy định của Nhà nước. Đồng thời, mạnh dạn tham gia tố giác tội phạm liên quan việc cho vay nặng lãi, góp phần ngăn chặn sự phát triển của “tín dụng đen”.

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG

 

Liên kết hữu ích