Cấp bách thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi

12/06/2019 - 07:48

 - Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 13 điểm xảy ra bệnh dịch tả heo Châu Phi tại TP. Long Xuyên và các địa phương: Thoại Sơn, Tịnh Biên, Châu Phú, Tri Tôn, Chợ Mới. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến ngày 7-6, trên địa bàn tỉnh có 13 hộ chăn nuôi heo xuất hiện dịch tả heo Châu Phi, các đơn vị chức năng đã tiến hành tiêu hủy 396 con heo nhiễm bệnh. Là một trong các địa phương có dịch tả heo Châu Phi, ngay khi phát hiện dịch bệnh, huyện Châu Phú đã nhanh chóng tiến hành công tác dập dịch, tiêu hủy ổ dịch theo đúng quy định. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Phú Lê Trần Minh Hiếu cho biết: “Khi xác định đàn heo 10 con của hộ ông Nguyễn Văn Ngọc (ấp Vĩnh Quới, xã Vĩnh Thạnh Trung) dương tính với dịch tả heo Châu Phi, chúng tôi đã lập 2 chốt chặn tại 2 ngõ đi vào vùng dịch để kiểm soát vận chuyển cũng như cách ly khu vực thuộc vùng dịch. Đồng thời, xác định rõ danh sách, địa điểm, tổng đàn heo của từng hộ thuộc phạm vi bán kính 1km (vùng dịch), bán kính 3km (vùng uy hiếp) và bán kính 10km (vùng đệm) để kiểm soát dịch, tiêu độc khử trùng. Đơn vị chuyên môn đã cấp bổ sung thuốc sát trùng cho tất cả các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn huyện và hướng dẫn tần suất tiêu độc khử trùng chuồng trại, trang thiết bị theo quy định. Huyện đã thành lập chốt kiểm soát tạm thời tại lò giết mổ tập trung ở thị trấn Cái Dầu để kiểm soát lượng heo giết mổ hàng ngày”.

Cấp bách thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi

Xử lý tiêu hủy heo nhiễm bệnh phải đúng quy định

Báo cáo với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh tại buổi họp trực tuyến sáng 10-6, đại diện lãnh đạo các huyện: Thoại Sơn, Tri Tôn, Chợ Mới và TP. Long Xuyên cho biết, địa phương đã đẩy mạnh công tác thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác hại của bệnh dịch tả heo Châu Phi, hướng dẫn biện pháp phòng ngừa và tuyên truyền các hộ chăn nuôi thực hiện tốt nguyên tắc “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa nuôi heo mà không qua xử lý nhiệt). Đồng thời, triển khai các hoạt động kiểm tra, giám sát đến tận hộ chăn nuôi; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán heo, sản phẩm heo trên địa bàn theo quy định. Đối với huyện giáp biên như Tịnh Biên sẽ thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo và các sản phẩm từ heo qua biên giới vào nội địa...

Để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi, tại buổi họp trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh và các địa phương phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, xem công tác xử lý, khống chế bệnh dịch tả heo Châu Phi là nhiệm vụ cấp bách, hàng đầu. Các lực lượng chức năng cần tăng cường chốt chặn, thiết lập thêm các vị trí chốt kiểm tra heo và sản phẩm từ heo ra vào vùng dịch, cũng như các cửa ngõ của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND Trần Anh Thư tỉnh lưu ý các địa phương có dịch tiếp tục theo dõi tình hình, nắm kỹ số lượng các hộ chăn nuôi và đàn heo trong bán kính 1km cách ổ dịch, để quản lý chặt, tránh trường hợp hộ chăn nuôi bán heo chạy bệnh, đồng thời phải xây dựng các phương án cụ thể, kịp thời xử lý tình huống đối với vùng có bán kính 3km cách vùng dịch. Song song đó, cần chủ động làm tốt công tác tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân hiểu rõ về tình hình dịch bệnh, chủ động phối hợp phòng, chống dịch bệnh lây lan và yên tâm sử dụng thịt heo sạch bệnh, an toàn. Đối với các địa phương chưa có dịch cần tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch và kịp thời thông tin đến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh khi phát hiện heo có dấu hiệu nghi vấn nhiễm bệnh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo, để phòng bệnh dịch tả heo Châu Phi, hộ chăn nuôi cần chú trọng vệ sinh chuồng trại, xử lý cẩn thận nguồn thức ăn, nước uống cho heo. Một tác nhân khác có nguy cơ gây lây lan dịch bệnh mà hộ chăn nuôi cần chú ý là sự tiếp xúc của con người hoặc các phương tiện, thiết bị đi ra từ vùng dịch. Để sớm phát hiện ổ dịch và ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng, hộ chăn nuôi phải trình báo ngay với chính quyền địa phương khi phát hiện heo có biểu hiện nghi mắc bệnh như: sốt cao, bỏ ăn, tiêu chảy, da tím tái….

MỸ LINH