Cập nhật phòng, chống thiên tai trên facebook, zalo

10/10/2019 - 08:17

 - Đó là một trong những cách làm của Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BĐKH-PCTT&TKCN) tỉnh An Giang nhằm giúp các địa phương, người dân nhanh chóng cập nhật thông tin về dự báo, cảnh báo thiên tai để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Thiệt hại lớn

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phó Trưởng ban Chỉ đạo Ứng phó với BĐKH-PCTT&TKCN tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, ước gây tổng thiệt hại trên 74 tỷ đồng. Trong đó thiệt hại do mưa, giông hơn 45 tỷ đồng, thiệt hại do sạt lở, sụt, lún đất bờ sông, kênh, rạch trên 29 tỷ đồng (thiệt hại về đất).

Cụ thể, mưa, giông, lốc đã xảy ra 42 vụ, gây thiệt hại 1.515 căn nhà (77 căn nhà bị sập hoàn toàn, 1.438 căn bị tốc mái, xiêu vẹo), ước thiệt hại trên 23 tỷ đồng. Ngoài ra, mưa giông còn làm chìm bè cá, gây sập, tốc mái nhà kho, chuồng trại chăn nuôi, ngã trụ điện trung thế và hư hỏng một số công trình công cộng. Từ đầu năm đến nay, đã có 2 người chết do bị sét đánh và 1 người bị thương do cây ngã đè. Mưa giông cũng gây thiệt hại 1.791,5ha đất sản xuất nông nghiệp với giá trị thiệt hại 21,8 tỷ đồng, gồm: gây đổ ngã 1.767,2ha lúa, rau màu vụ hè thu, 21ha vụ thu đông; gây thiệt hại trên 70% đối với 3,3ha cây ăn trái.

Từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 23 điểm sụp, lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch với chiều dài 1.526m, ước thiệt hại về đất hơn 29 tỷ đồng. Trong đó, TP. Long Xuyên xuất hiện 5 điểm sạt lở (dài 180m), TX. Tân Châu 8 điểm (224m), An Phú 4 điểm (762m), Chợ Mới 3 điểm (180m), Châu Phú 2 điểm (145m) và Thoại Sơn 1 điểm (35m), ảnh hưởng đến 102 căn nhà.

Thời gian qua, tại Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó với BĐKH-PCTT&TKCN tỉnh đã tổ chức trực ban 24/24 giờ, đồng thời tham gia lập kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn cũng như kế hoạch ứng phó BĐKH-PCTT&TKCN năm 2019. Từ ngày 15 đến 22-5-2019, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia PCTT&TKCN trên địa bàn tỉnh.

Cập nhật phòng, chống thiên tai trên facebook, zalo

Sạt lở gây thiệt hại lớn về đất và tài sản

Ứng dụng công nghệ mới

Ngày 29-11-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 160/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai. Ngày 4-5-2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 218/KH-UBND về triển khai thực hiện Nghị định số 160/2018/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh An Giang. Nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó thiên tai, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 4 quyết định gồm: Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Ứng phó với BĐKH-PCTT&TKCN tỉnh (Quyết định số 1316/QĐ-UBND, ngày 30-5-2019); Quyết định về việc phê duyệt phương án hộ đê bảo vệ trọng điểm đê cấp III năm 2019 vùng Đông kênh Bảy Xã - TX. Tân Châu (Quyết định số 1819/QĐ-UBND, ngày 25-7-2019); Quy định về quản lý, phát hành và cấp biển “Xe Kiểm tra đê” làm nhiệm vụ về phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh An Giang; Quyết định ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo Ứng phó với BĐKH-PCTT&TKCN tỉnh An Giang (Quyết định số 1955/QĐ-UBND, ngày 12-8-2019). Đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế xử lý sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh (Sở Tư pháp đang thẩm định). Trong đó phân công, phân cấp trách nhiệm xử lý sạt lở trên địa bàn tỉnh (kể cả sạt lở trên kênh, rạch). Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó với BĐKH-PCTT&TKCN tỉnh đang phối hợp các địa phương rà soát, tổng hợp các đối tượng hộ dân có nhà ở trong vùng sạt lở, vùng lũ phục vụ cho việc xây dựng Đề án bố trí lại dân cư ven sông, kênh, rạch theo Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó với BĐKH-PCTT&TKCN tỉnh đã lập nhóm trên zalo có tên “Ban Chỉ đạo Ứng phó với BĐKH-PCTT&TKCN tỉnh An Giang”. Các thành viên tham gia group này là: Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó với BĐKH-PCTT&TKCN tỉnh; bộ phận chuyên môn của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông - Vận tải, Sở NN&PTNT; lãnh đạo Phòng NN&PTNT/Phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố; Trạm Thủy lợi liên huyện. Group zalo là nơi chia sẻ, cung cấp nhanh những thông tin về dự báo khí tượng, thủy văn, tình hình thiên tai trên địa tỉnh.

Bên cạnh đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó với BĐKH-PCTT&TKCN tỉnh đã xây dựng trang fanpage facebook với tên “Thông tin PCTT tỉnh An Giang”. Trên trang mạng xã hội này thường xuyên cung cấp thông tin, tài liệu tuyên truyền về dự báo, cảnh báo, phòng ngừa, ứng phó với thiên tai. Qua đó, giúp các địa phương, cơ quan chuyên môn và người dân nhanh chóng cập nhật thông tin để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN