Cây tầm vông xứ núi

29/08/2018 - 06:56

 - Không phải là loại cây trồng chủ lực của địa phương và có giá trị kinh tế cao, nhưng cây tầm vông đã giúp cho nhiều gia đình của huyện miền núi Tri Tôn có nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, loại cây trồng này còn tạo việc làm cho lao động nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer.

Phù hợp đất núi

Cây tầm vông gắn bó với người dân huyện miền núi Tri Tôn từ bao đời nay. Đối với vùng đất núi, đất triền núi của địa phương, ngoài việc chăn nuôi, trồng cây công nghiệp, lâm nghiệp thì đây là loại cây trồng thích hợp nhất. Theo ông Huỳnh Văn Tân (ngụ ấp An Nhơn, xã Lương Phi), cây tầm vông dễ trồng, vốn đầu tư ban đầu thấp. Đặc biệt đây là loại cây trồng không cần nước tưới và chịu hạn rất tốt, thích hợp với nhiều loại đất, nhất là đất khô cằn, triền đồi thuộc các địa phương miền núi.

Ông Trần Văn Trạng (ngụ xã Lương Phi) cho biết, cây tầm vông từ lúc trồng đến thu hoạch khoảng 4 năm, sau đó có thể thu hoạch mỗi năm. Bình quân mỗi bụi cây cho thu hoạch đều đặn khoảng 6 - 7 cây/năm.

Theo kinh nghiệm của ông Trạng, để có được những cây chất lượng, chủ vườn phải chăm sóc ngay từ lúc mới mọc măng, chọn những cây măng to khỏe chừa lại.

Đặc biệt, trong vườn cần trồng thêm các loại cây thân gỗ cao để chắn gió, giúp cây mọc thẳng, không bị cong hay đổ ngã. Thời điểm thu hoạch chia làm 2 đợt, đợt 1 sau tháng giêng; đợt 2 vào tháng 5 - 6 (âm lịch). Mỗi bụi, chỉ chiết bán những cây già, chừa lại những cây tơ cho vụ sau.

“Hiện nay, gia đình tôi trồng 2 công tầm vông, bình quân mỗi năm cho thu hoạch 1 đợt. Với giá bán từ 7.000 - 30.000 đồng mỗi cây (tùy loại), bình quân mỗi công cho thu nhập 7 - 8 triệu đồng/năm” - ông Trạng thông tin.

Cũng theo ông Trạng, việc nhân giống cây tầm vông rất đơn giản. Theo đó, nông dân chỉ cần chọn những cây to, khỏe trong bụi, bứng gốc rồi trồng chỗ khác là được. Thời gian trồng thích hợp vào khoảng tháng 7 - 8 (âm lịch). Vì thời điểm này ngay mùa mưa, thuận lợi cho cây sinh trưởng và phát triển.

Theo Hội Nông dân huyện Tri Tôn, cây tầm vông được trồng tập trung ở 2 địa phương là: xã Lương Phi và thị trấn Ba Chúc. Phần còn lại trồng rải rác ở các địa phương như: Lê Trì, Ô Lâm, Cô Tô...

Hiện nay, tại xã Lương Phi và thị trấn Ba Chúc có tới hàng chục điểm thu mua cây tầm vông về uốn sửa, phân loại giao cho thương lái. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh ĐBSCL như: Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau...

Cây tầm vông xứ núi

Lao động nghèo có thêm việc làm khi đến mùa vụ

Giải quyết việc làm cho lao động nghèo

Cây tầm vông cho thu hoạch quanh năm nhưng tập trung nhiều nhất vào mùa nắng. Khi tới mùa vụ, thương lái đến từng vườn chọn cây, hợp đồng giá cả rồi thuê người đốn. Ngoài ra, trước khi giao cho khách hàng cây tầm vông phải trải qua giai đoạn uốn cho thẳng, công việc này đòi hỏi phải tốn nhiều thời gian và công sức.

Vì vậy, ngoài tạo thu nhập cho nông dân, cây tầm vông còn giúp tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, trong đó chủ yếu là lao động người dân tộc thiểu số Khmer, tham gia vào các công việc như: chặt, uốn, vận chuyển...

Theo anh Chau Kha (ngụ thị trấn Ba Chúc) việc uốn cây tầm vông đòi hỏi kinh nghiệm cũng như sự tỉ mỉ mới có thể cho ra những cây thẳng, không bị cháy.

“Các chủ vựa thuê chúng tôi uốn với giá 1.500 đồng/cây. Bình quân mỗi ngày, tôi làm được trên dưới 200 cây. Nhờ vậy mà cuộc sống gia đình tôi bớt khó khăn. Đối với các lao động tham gia vào những công việc khác, có thể kiếm từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, công việc này không làm thường xuyên do phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Những ngày mưa, chúng tôi nghỉ làm” - anh Kha chia sẻ.

Cây tầm vông hiện nay đang được ưa chuộng để làm các vật dụng như: sào, cột, kèo, giường, nhà cửa, quán xá, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất... vì nó mang lại nhiều ưu điểm như: rất suôn chắc, giá thành hợp lý nên đầu ra của loại cây trồng này ổn định.

Nhiều hộ còn tận dụng diện tích trồng tầm vông để trồng thêm các loại cây trồng khác như: nghệ, gừng gió và chăn nuôi gà, nuôi dê, nuôi bò... qua đó giúp nông dân tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

ĐÌNH ĐỨC