Chặng đích khó khăn của APEC tới Mục tiêu Bogor

19/11/2018 - 19:36

Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình dương (APEC) 2018 diễn ra tại Papua New Guinea kết thúc bằng việc 21 nền kinh tế thành viên cam kết duy trì đà hợp tác và liên kết kinh tế khu vực, nhất trí tiếp tục bảo đảm vai trò đầu tàu của APEC trong thúc đẩy thương mại và đầu tư mở và tự do, dựa trên luật lệ.

Toàn cảnh một phiên họp tại Hội nghị Cấp cao APEC ở Port Moresby, Papua New Guinea, ngày 18-11-2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Trên tinh thần đó, các nhà lãnh đạo cũng khẳng định đẩy nhanh Mục tiêu Bogor, đưa các nền kinh tế APEC trở thành khu vực mậu dịch và đầu tư hàng đầu thế giới vào năm 2020. 

Những cam kết được đưa ra tại hội nghị cho thấy các nhà lãnh đạo APEC vẫn kiên trì theo đuổi lộ trình hợp tác kinh tế khu vực, vốn được xem là động lực cho sự ra đời của APEC gần 30 năm trước, cũng như các mục tiêu Bogor đầy tham vọng về tự do hóa thương mại và đầu tư.

Có thể khẳng định Mục tiêu Bogor, được đưa ra tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 2 vào năm 1994, trong đó xác định tới năm 2020, châu Á - Thái Bình Dương là một khu vực tự do hóa thương mại và đầu tư năng động nhất, vẫn là một trong những ưu tiên nhất quán và xuyên suốt của APEC, bất chấp bối cảnh nền kinh tế thế giới hiện nay có nhiều biến động.

Cam kết thực hiện Mục tiêu Bogor đã và đang được các nền kinh tế thành viên hiện thực hóa bằng việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm, đặt lợi ích của người dân vào trung tâm của mọi chính sách, gắn với thực hiện các mục phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Những kết quả thực hiện Mục tiêu Bogor đã đóng góp đáng kể vào sự thịnh vượng của khu vực, đồng thời khẳng định được vai trò đầu tàu của APEC như động lực tăng trưởng kinh tế - thương mại toàn cầu.

Đi kèm với cam kết thể hiện quyết tâm và ý chí chính trị trong việc thực hiện Mục tiêu Bogor, tại hội nghị, các bên cũng nhất trí tận dụng cơ hội tăng trưởng bao trùm thông qua tương lai số để mang đến những cơ hội hợp tác.

Việc APEC thông qua chương trình hành động về kinh tế số cũng như đẩy mạnh hợp tác nhằm thu hẹp khoảng cách số, đi cùng với khuyến khích sự tham gia của mọi thành phần xã hội vào nền kinh tế số, được đánh giá là một thành công của hội nghị, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới xuất hiện nhiều dấu hiệu bất ổn, thách thức mới chưa từng có tiền lệ, đe dọa sự ổn định của hệ thống thương mại toàn cầu, thời kỳ mới của nền kinh tế số với rất nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức. 

Tuy nhiên, lần đầu tiên trong lịch sử, Hội nghị cấp cao APEC không thể đưa ra được một tuyên bố chung chính thức, như một "tín hiệu xấu", khiến chặng đường cuối để APEC thực hiện Mục tiêu Bogor trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, khi thời điểm cam kết hoàn thành mục tiêu chỉ còn hơn 1 năm nữa.

Việc Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, “mắc kẹt” trong những tranh cãi nảy lửa chưa có hồi kết liên quan tới chủ nghĩa bảo hộ, đầu tư, cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)… đã phần nào ảnh hưởng tới kết quả hội nghị. Sự bất đồng về quan điểm và sự khác biệt về lợi ích giữa các nền kinh tế APEC lại trở thành rào cản đối với quá trình thực hiện Mục tiêu Bogor.

Không phải ngẫu nhiên giới chuyên gia trước hội nghị cấp cao APEC lần này từng cảnh báo cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ “len lỏi và chi phối” các phiên thảo luận. Hội nghị chứng kiến các màn “đối đầu” bằng ngôn từ giữa lãnh đạo hai bên.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra lời cảnh báo đầy ẩn ý nhắm đến chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Donald Trump khi cho rằng các quốc gia đang theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ "chắc chắn sẽ thất bại".

Phát biểu ngay sau đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thẳng thừng đáp lại rằng "Mỹ sẽ không chấm dứt các biện pháp thuế quan cho đến khi Trung Quốc thay đổi hành động". Ông Pence cũng thông báo chính quyền Mỹ đã chuẩn bị để "tăng hơn gấp đôi" mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc và chỉ trích sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.                                                                  

Quan điểm trái ngược giữa hai nền kinh tế lớn nhất APEC quanh vấn đề bảo hộ thương mại đang thực sự “phủ bóng đen” lên chặng đường cuối hướng tới đích hoàn thành Mục tiêu Bogor vào năm 2020. Đơn cử việc hai bên áp đặt các biện pháp thuế quan mới, cũng như những dựng các hàng rào phi thuế quan, như chống bán phá giá… đã đi ngược lại nỗ lực giảm bớt các rào cản đối với hoạt động thương mại và đầu tư và thúc đẩy sự lưu thông tự do của hàng hóa, dịch vụ và vốn… để thực hiện Mục tiêu Bogor. Mỹ và Trung Quốc cũng là hai trong những nền kinh tế APEC sử dụng các biện pháp bảo hộ nhiều nhất.

Bên cạnh đó, tranh cãi Mỹ - Trung về đầu tư tại các nền kinh tế kém phát triển hơn trong APEC, vốn được xem là “mặt trận” tranh giành ảnh hưởng giữa Washington và Bắc Kinh, cũng được xem là “chướng ngại vật” của APEC trên “chặng đường tới Bogor”.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã kêu gọi phải giải quyết vấn đề căng thẳng này một cách thỏa đáng bởi “ mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn đến ổn định cấu trúc và tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.     

Mục tiêu Bogor 1994 khẳng định rằng “APEC cần tăng cường hợp tác kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trên cơ sở đối tác bình đẳng, chia sẻ trách nhiệm, tôn trọng lẫn nhau, có chung mối quan tâm và chung lợi ích”. Nguyên tắc này được coi là “kim chỉ nam” để APEC hoàn thành Mục tiêu Bogor, qua đó khẳng định vai trò hàng đầu trong việc thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho xu thế tự do hóa thương mại và đầu tư trên thế giới.

Các nhà lãnh đạo APEC đã thể hiện rõ quyết tâm chung, song quan trọng hơn cả lúc này là những hành động tập thể của toàn bộ 21 nền kinh tế thành viên, để APEC có thể “cán đích” cuối cùng trên chặng đường tới Bogor đầy tham vọng.

Theo PHƯƠNG HOA (TTXVN)