Châu Đốc phấn đấu trở thành trung tâm du lịch tâm linh đặc sắc

04/04/2018 - 05:56

 - Thành ủy, UBND TP. Châu Đốc (An Giang) vừa họp báo công bố Đề án “Truyền thông, xúc tiến, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng thương hiệu du lịch (DL) Châu Đốc giai đoạn 2018-2025”. Theo đó, từ nay đến năm 2025, TP. Châu Đốc sẽ đầu tư 40 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện đề án này. Đây là bước tạo đà quan trọng, góp phần kích cầu kinh tế, DL địa phương, trong đó tập trung cho công tác kêu gọi đầu tư phát triển và thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ thuộc chuỗi giá trị ngành DL.

Mục đích và kỳ vọng

Phó Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn cho biết: “Đề án “Truyền thông, xúc tiến, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng thương hiệu DL Châu Đốc giai đoạn 2018-2025” được chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, thực hiện từ tháng 3-2018 đến tháng 12-2020, sẽ tập trung cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến, quảng bá các sản phẩm DL đặc trưng của TP. Châu Đốc đến du khách gần xa.

Giai đoạn 2, thực hiện từ năm 2021-2025, xây dựng TP. Châu Đốc thành thương hiệu DL mạnh trong mạng lưới các nước mạnh về DL ở tiểu vùng sông Mekong, khu vực Đông Nam Á và các thị trường khác theo xu hướng DL trên thế giới”.

Họp báo công bố Đề án “Truyền thông, xúc tiến, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng thương hiệu DL Châu Đốc giai đoạn 2018 - 2025”

Đề án ra đời nhằm định vị, xây dựng hình ảnh và khẳng định DL Châu Đốc là điểm đến tâm linh với những sản phẩm, dịch vụ DL đặc trưng, thúc đẩy tăng trưởng DL theo hướng bền vững.

Mặt khác, việc triển khai thực hiện đề án với mong muốn chuyển biến nhận thức của cộng đồng dân cư cùng làm DL theo hướng tích cực, chuyên nghiệp, gắn với trách nhiệm về môi trường, xã hội, là động lực để thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn…

Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, Đảng bộ, chính quyền TP. Châu Đốc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm người đứng đầu, xem đây là động lực quan trọng để cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư. 

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Châu Đốc Lưu Vĩnh Nguyên chia sẻ: “Các kết quả đầu ra của đề án sẽ tác động tích cực đến đời sống của người dân địa phương trong quá trình khai thác và vận hành DL.

Các hoạt động của đề án sẽ mang lại giá trị bền vững trong phát triển kinh tế thông qua việc tạo giá trị xã hội của điểm đến theo mô hình SUFY được thiết kế riêng cho Châu Đốc, nghĩa là: “Tâm linh - duy nhất - nổi tiếng - liên tục”.

Đồng thời, tham gia vào chính sách phát triển DL của tiểu vùng sông Mekong, xây dựng trung tâm đào tạo và thẩm định nghề DL Việt Nam. Qua đó, cung cấp cho doanh nghiệp nguồn lao động chất lượng và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Sau khi kết thúc, đề án sẽ để lại cho địa phương các bộ công cụ quản trị DL bằng công cụ truyền thông, bộ tiêu chí định hướng đầu tư DL, tài liệu giảng dạy có liên quan đến nghiệp vụ DL và các giải thưởng về điểm đến tâm linh được công nhận bởi Tổ chức DL thế giới”.

“An nhiên Châu Đốc”

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Châu Đốc Lưu Vĩnh Nguyên cho biết: “Thông điệp của Châu Đốc gửi đến du khách và người dân địa phương thông qua logo, slogan “An nhiên Châu Đốc” là: một thành phố DL tâm linh - một an nhiên Châu Đốc được khắc họa bởi hình tượng hoa sen 7 cánh với giá trị tâm linh tín ngưỡng thờ mẫu duy nhất của miếu Bà Chúa Xứ núi Sam.

Cánh hoa sen thể hiện hình tượng Bảy Núi, trong đó núi Sam là điểm tựa vững chắc cho miếu Bà ngự trị. Hình tượng 9 cột nâng đỡ miếu Bà là 9 cô gái đồng trinh với âm dương ngũ hành mang lại sự hưng thịnh cho người dân khắp mọi miền đất nước.

“Tiền tam giang, hậu thất lĩnh” được thể hiện trong sự phối hợp 2 hình tượng hoa sen và miếu Bà Chúa Xứ, với ánh nắng ban mai rực nét son ngả vàng óng ánh mặt trời mang ý nghĩa Châu Đốc một lòng son sắc đốc thúc con cháu giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa - lịch sử của vùng đất thiêng liêng với hy vọng rằng: một ngày mai tươi sáng, thanh bình và hạnh phúc”. 

TS Huỳnh Văn Thông, Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, các tiêu chí để xây dựng thương hiệu điểm đến phải: đơn giản, ấn tượng, hài hòa, khác biệt và ý nghĩa. Đây là việc làm đầu tiên trong chuỗi hành trình xây dựng và thực hiện chiến lược định vị, xây dựng, truyền thông thương hiệu.

Chuyên gia truyền thông Huỳnh Văn Thông nhận định: “Bộ nhận diện thương hiệu DL Châu Đốc đã tuân thủ theo nguyên tắc của tiêu chí đặt tên thương hiệu điểm đến.

“An nhiên Châu Đốc” đã thật sự chạm đến sự thấu cảm của người tiếp nhận thông tin, tạo được cảm xúc cho người nghe để được chấp nhận một cách tự nhiên vì sự đơn giản và rất thật từ đặc tính DL tâm linh duy nhất của núi Sam, Châu Đốc.

Từ bộ nhận diện này, trọng trách tiếp theo của Châu Đốc là xây dựng một nền tảng về văn hóa điểm đến từ lối sống, văn minh đô thị đến phong cách và đạo đức kinh doanh của nhà đầu tư, người dân kinh doanh DL trong thời gian tới...”.

THU THẢO