Châu Đốc phát triển du lịch tâm linh làm chủ đạo

16/07/2018 - 07:56

 - Thành phố Châu Đốc có vị trí địa lý đặc thù “Tiền tam giang, hậu thất lĩnh”. Đặc biệt, với bề dày lịch sử 260 năm hình thành và phát triển, nơi đây đã tích tụ một nền văn hóa (VH) bản địa đặc sắc và đa dạng. Đó cũng chính là nguồn tài nguyên VH vô giá để địa phương khai thác một cách phù hợp, hướng đến phát triển du lịch (DL) bền vững.

A A

Phát huy tiềm năng, khắc phục hạn chế

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn, với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, ngành DL tỉnh nói chung và Châu Đốc nói riêng đang tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp để “níu chân” du khách. Theo đó, địa phương đang bảo tồn các loại hình tài nguyên DL VH, như: cụm di tích núi Sam (với các di tích lịch sử và VH tiêu biểu, như: lăng Thoại Ngọc Hầu, miếu Bà Chúa Xứ, chùa Tây An, chùa Hang, Bồ Đề Đạo tràng…); các tài nguyên VH phi vật thể hấp dẫn du khách (Lễ hội Bà Chúa Xứ tổ chức hàng năm); nghề và làng nghề thủ công truyền thống (làng nghề mắm Châu Đốc) hay các món ẩm thực mang hương vị đặc trưng của vùng đồng bằng, sông nước, biên giới.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam

Thực tiễn cho thấy, những năm gần đây, dưới sự nỗ lực của Đảng bộ và Nhân dân TP. Châu Đốc, ngành DL đã có bước phát triển vượt bậc, đóng góp tỷ trọng lớn vào nền kinh tế của tỉnh An Giang nói chung, thành phố nói riêng. Lượng du khách đến Châu Đốc năm sau cao hơn năm trước trên 5%. Tình hình an ninh trật tự, giá cả dịch vụ tại các điểm, khu DL tương đối ổn định, không có tình trạng nâng giá. Địa phương luôn quan tâm, thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho du khách đến tham quan. Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, việc cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang đô thị được chú trọng.

“Tuy nhiên, DL Châu Đốc vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục, như: ứng xử của một số hộ kinh doanh chưa thân thiện, chuyên nghiệp. Dù chính quyền địa phương đã kiên quyết thực hiện nhiều giải pháp, song tình trạng chèo kéo du khách vẫn còn diễn ra. Mặt khác, các loại hình DL còn đơn điệu, chưa đủ sức giữ chân du khách; môi trường DL, sản phẩm và các dịch vụ DL chưa đáp ứng được nhu cầu của khách tham quan. Đặc biệt, nguồn nhân lực phục vụ DL còn yếu và thiếu, cán bộ quản lý DL chưa được đào tạo chuyên sâu…”- ông Trần Quốc Tuấn thẳng thắn nhìn nhận.

Để thu hút, giữ chân du khách

Theo thống kê gần đây, thời gian lưu trú trung bình của khách tại các điểm DL tâm linh ngắn, thậm chí khách chỉ ở vài giờ trong ngày. Một số điểm đến nổi tiếng hấp dẫn về DL tâm linh trong nước vẫn chưa níu giữ được du khách ở lại lâu dài. Cụ thể, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam có số ngày lưu trú trung bình của khách là 1,3 ngày, chùa Bái Đính 1 ngày, chùa Yên Tử 0,84 ngày… Một số điểm, như: Đền Trần - Phủ Dầy hay Mỹ Sơn thì số ngày lưu trú trung bình của du khách bằng 0. Qua các số liệu trên cho thấy, DL Châu Đốc có lợi thế cạnh tranh rất lớn và vượt trội so với nhiều địa phương trong khu vực và cả nước. Để tiếp tục thu hút và giữ chân du khách, Châu Đốc tiếp tục xác định “phát triển DL tâm linh làm chủ đạo”. Đồng thời, mở rộng đa dạng hóa các lại hình DL, như: DL sinh thái, DL lịch sử, DL nghỉ dưỡng... để thu hút du khách trong và ngoài nước. Phấn đấu từng bước đưa Châu Đốc trở thành điểm DL trọng điểm của tỉnh, vùng ĐBSCL và cả nước.

“Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, địa phương nhận thấy điều quan trọng đầu tiên là cần đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển DL cho các ngành, các cấp đến từng người dân, doanh nghiệp và cộng đồng. Quan tâm bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực phục vụ DL. Đẩy mạnh xúc tiến, truyền thông quảng bá, tăng cường liên kết vùng để phát triển DL. Đặc biệt, tập trung phát triển các sản phẩm DL; gắn kết chặt chẽ phát triển DL với bảo tồn và phát huy các giá trị VH lịch sử của địa phương. Mặt khác, tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về DL, công tác quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ DL; tạo môi trường thuận lợi đồng hành với doanh nghiệp và cộng đồng phát triển DL”- ông Trần Quốc Tuấn cho biết.

Tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: đảm bảo trật tự an toàn xã hội; thực hiện có hiệu quả Bộ Quy tắc ứng xử trong DL. Tiếp tục phối hợp triển khai tập huấn, hướng dẫn cách làm DL cộng đồng cho người dân, tập huấn kỹ năng và “VH bán hàng” dù khách có mua hàng hay không, người bán hàng vẫn giữ được hình ảnh thân thiện, mến khách để tạo thiện cảm và sẽ quay lại nếu có dịp. Mặt khác, hàng hóa luôn phải được niêm yết giá cả, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng… Đặc biệt, địa phương tiếp tục phát triển các sản phẩm và dịch vụ độc đáo của Châu Đốc. Trong đó có Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam, “Vương quốc mắm Châu Đốc”- xem đây là thương hiệu, đặc trưng “không đụng hàng” của DL Châu Đốc. Địa phương cũng đang nghiên cứu đưa vào dịch vụ vận chuyển độc đáo rất thú vị, nhất là với du khách quốc tế, đó là “xe lôi” (còn gọi là “xe vua”). Đồng thời, tiếp tục duy trì và phát triển các hoạt động VH đặc sắc, như: lễ hội đua bò dân gian, thả đèn hoa đăng, biểu diễn lân- sư- rồng… để “níu chân” và thu hút du khách trở lại Châu Đốc.

THU THẢO