Châu Thành bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống

15/04/2019 - 08:06

 - Dù nhiều làng nghề truyền thống gặp không ít khó khăn, bởi tác động của thị trường, nhưng làng nghề truyền thống ở huyện Châu Thành vẫn “sống được”, nhờ những sản phẩm đặc thù, với chất lượng và mẫu mã đa dạng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Qua đó, không chỉ góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn, mà còn bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống…

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành Đoàn Đức Dịnh cho biết, huyện Châu Thành hiện có 3 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, gồm: làng nghề rập chuột An Châu, làng nghề may mùng, mền Bình Hòa và làng nghề lọp lươn Cần Đăng. Những năm qua, huyện Châu Thành triển khai thực hiện nhiều giải pháp duy trì, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho lao động nhàn rỗi… Hoạt động sản xuất ở các làng nghề trên địa bàn huyện tạo ra nhiều sản phẩm, mẫu mã đa dạng, mang đậm nét văn hóa riêng của mỗi làng nghề. Nhiều cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, khoa học - công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay, 3 làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện tạo việc làm ổn định cho trên 3.000 lao động tại chỗ và gia công tại nhà, với thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.

Làng nghề mùng, mền Bình Hòa tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn

Làng nghề rập chuột An Châu (thị trấn An Châu) là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời ở huyện Châu Thành. Ngoài việc lưu giữ những nét đẹp văn hóa ở vùng nông thôn, làng nghề truyền thống còn giúp người dân nơi đây có thu nhập ổn định. Nếu trước đây, làm rập chuột hoàn toàn bằng thủ công thì bây giờ những công đoạn nặng nhọc dần được máy móc thay thế. Qua đó, góp phần tăng năng suất, cải thiện mẫu mã sản phẩm và giúp người thợ đỡ vất vả hơn. Các cơ sở trong làng nghề sản xuất từ 5-7 loại rập chuột, bán cho thương lái khắp các tỉnh, thành phố trong nước, với giá từ 5.000 - 20.000 đồng/cái. Hiện nay, làng nghề có 17 cơ sở, giải quyết việc làm 1.020 lao động (170 lao động cố định và 850 lao động vệ tinh), với mức thu nhập bình quân từ 3-5  triệu đồng/người/tháng.

Làng nghề tiểu thủ công nghiệp may mùng, mền Bình Hòa (xã Bình Hòa) là làng nghề đi đầu trong đầu tư, cải tiến mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách hàng. Các mặt hàng mùng, mền do làng nghề sản xuất rất đa dạng và phong phú, giá thành tùy thuộc vào từng loại và độ sắc sảo của sản phẩm, với giá 70.000 - 300.000 đồng/cái mền, 30.000 - 100.000 đồng/cái mùng, 10.000 - 70.000 đồng/cặp áo gối. Ngoài ra, các cơ sở làng nghề còn kinh doanh thêm các mặt hàng, như: thú bông, nệm, màn cửa… nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Anh Nguyễn Thành Thông (chủ cơ sở sản xuất mùng, mền Gia Hân, ấp Bình Phú I) cho biết, sản phẩm mùng, mền làm ra được tiêu thụ quanh năm, chủ yếu tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố ĐBSCL và nước bạn Campuchia. Bà Trương Thị Bích Liên (ấp Phú Hòa I) cho biết: “Ở đây, nhà nào cũng có người biết làm nghề này. Hiện nay, tôi may gia công tại nhà, thu nhập từ 100.000 - 150.000 đồng/ngày”.

Làng nghề lọp lươn Cần Đăng (xã Cần Đăng) hình thành từ năm 1975, nhưng đến năm 2013 ngành này mới phát triển và có thị trường tiêu thụ ổn định trong và ngoài tỉnh cho đến nay. Hiện tại, làng nghề có 45 hộ trực tiếp sản xuất, thu hút gần 700 lao động nhàn rỗi, với mức thu nhập ổn định, từ 2-5 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Văn Dũng Anh (ngụ ấp Cần Thới) cho biết, cơ sở của anh sản xuất trung bình mỗi tháng 2.000 lọp lươn. Với giá bán 25.000 đồng/cái tại cơ sở, sau khi trừ các chi phí sản xuất gia đình anh lãi từ 8-10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, cơ sở của ông Dũng Anh còn giải quyết việc làm cho khoảng 20 lao động địa phương, với thu nhập từ 2-6 triệu đồng/người/tháng.

Tuy vẫn phát triển ổn định nhưng khó khăn nhất của các làng nghề truyền thống ở huyện Châu Thành là vốn, thị trường tiêu thụ và công nghệ. Hầu hết các làng nghề phát triển manh mún, nhỏ lẻ, khó cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại được sản xuất bằng công nghệ hiện đại. Việc đăng ký thương hiệu hàng hóa và kiểu dáng sản phẩm chưa được quan tâm đầu tư, hỗ trợ. Hiện nay, hầu hết các cơ sở trong làng nghề đều mong muốn được tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn đầu tư máy móc, tiếp cận khoa học - kỹ thuật để mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã, quảng bá sản phẩm.

Bài, ảnh: TRUNG HIẾU