Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động

14/05/2019 - 07:57

 - Chế độ tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp là một trong những nội dung của bảo hiểm xã hội (BHXH). Chế độ này hướng đến đối tượng người lao động (NLĐ) bị TNLĐ; hay bị bệnh nghề nghiệp trong quá trình lao động.

Người lao động được đảm bảo các quyền lợi

NLĐ được hưởng chế độ TNLĐ khi có đủ các điều kiện: bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp: tại nơi làm việc và trong giờ làm việc; ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động; trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý. NLĐ mất ít nhất 5% khả năng lao động do tai nạn thì được hưởng trợ cấp TNLĐ.

NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5-30% thì được hưởng trợ cấp 1 lần. NLĐ bị suy giảm 5% khả năng lao động được hưởng trợ cấp tương đương 5 tháng lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% khả năng lao động thì được hưởng thêm 0,5 tháng lương tối thiểu chung. Ngoài mức trợ cấp trên, NLĐ được hưởng thêm khoản trợ cấp bổ sung tính theo số năm đóng BHXH. Nếu đã đóng BHXH dưới 1 năm thì được trợ cấp bằng 0,5 tiền lương hàng tháng, sau đó cứ mỗi năm đóng BHXH, được hưởng bằng 0,3 mức tiền lương hàng tháng liền trước khi bị tại nạn lao động hoặc xác định mắc bệnh nghề nghiệp.

NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên được hưởng trợ cấp hàng tháng như sau: suy giảm 31% khả năng lao động được hưởng 30% mức lương tối thiểu chung, sau đó cứ mỗi 1% khả năng lao động bị suy giảm thì được hưởng thêm 2% mức lương tối thiểu chung. Ngoài khoản trợ cấp hàng tháng trên, NLĐ được hưởng trợ cấp tính theo số năm đóng BHXH. Nếu đóng BHXH từ 1 năm trở xuống thì mức hưởng được tính bằng 0,5, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 0,3 mức tiền lương, tiền công đóng tháng BHXH của tháng liền kề trước khi bị tại nạn lao động hoặc xác định mắc bệnh nghề nghiệp. Nếu NLĐ đang làm việc bị chết do TNLĐ, bệnh nghề nghiệp thì thân nhân được hưởng trợ cấp 1 lần bằng 36 tháng lương tối thiểu chung.

Hàng năm, bên cạnh chế độ chính sách để được hưởng do BHXH thực hiện, để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ bị TNLĐ và bệnh nghề nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức thăm hỏi, tặng quà, tạo sự hứng khởi cho NLĐ, giúp họ yên tâm và nâng cao trách nhiệm trong sản xuất - kinh doanh, góp phần tạo mối quan hệ hài hòa, ổn định tiến độ trong doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức khám, tầm soát sức khỏe cho NLĐ; tập huấn công tác an toàn vệ sinh lao động, nâng cao kiến thức về an toàn lao động, vệ sinh lao động đảm bảo tốt về an toàn, vệ sinh lao động trong lao động sản xuất. Phối hợp Sở Y tế tổ chức khám tư vấn và cấp thuốc miễn phí cho công nhân lao động.

Về quyền lợi được hưởng chế độ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, BHXH tỉnh cho biết, cần giám định mức suy giảm khả năng lao động: sau khi thương tật, bệnh tật đã được điều trị ổn định; sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định; giám định tổng hợp khi vừa bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp hoặc bị TNLĐ nhiều lần hoặc bị nhiều bệnh nghề nghiệp.

Có 5 mức trợ cấp: trợ cấp 1 lần (tính theo tỷ lệ thương tật và theo số năm đóng BHXH), tính theo tỷ lệ thương tật: suy giảm 5%, hưởng bằng 5 tháng lương tối thiểu chung; sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 tháng lương tối thiểu chung. Tính theo số năm đóng BHXH: tham gia BHXH từ 1 năm trở xuống được tính bằng 0,5 tháng tiền lương tiền công đóng BHXH; sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 0,3 tháng tiền lương tiền công đóng tháng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc điều trị. Trợ cấp hàng tháng (tính theo tỷ lệ thương tật và theo số năm đóng BHXH), tính theo tỷ lệ thương tật: suy giảm 31%, hưởng bằng 30% tháng lương tối thiểu chung; sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% tháng lương tối thiểu chung. Tính theo số năm đóng BHXH: tham gia BHXH từ 1 năm trở xuống được tính bằng 0,5 % tiền lương tiền công đóng BHXH; sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 0,3% tiền lương tiền công đóng tháng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc điều trị. Người được hưởng trợ cấp TNLĐ, bệnh nghề nghiệp hàng tháng nghỉ việc được hưởng BHYT do quỹ BHXH đảm bảo. Trợ cấp phục vụ: ngoài mức hưởng quy định tại trợ cấp hàng tháng, hàng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương tối thiểu chung. Trợ cấp 1 lần khi chết do TNLĐ, bệnh nghề nghiệp: NLĐ đang làm việc bị chết do TNLĐ, bệnh nghề nghiệp thì thân nhân được hưởng trợ cấp 1 lần bằng 36 tháng lương tối thiểu chung. Cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình: NLĐ bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được trợ giúp phương tiện sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn.

Theo BHXH tỉnh, năm 2018, đã giải quyết chế độ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cho 31 người lao động với số tiền 1.095 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay đã giải quyết cho 4 đối tượng được hưởng các chế độ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp với tổng số tiền 117 triệu đồng.


HẠNH CHÂU