Chếnh choáng Pơ thi

20/04/2018 - 14:42

Pơ thi là lễ hội lớn nhất của người J’rai và cũng là lễ hội còn mang đậm bản sắc văn hóa với tổng thể các hoạt động từ nghi lễ đến hội hè.

Những làng khác nghe tiếng chiêng cũng rậm rịch đem rượu ngọt, lợn béo đến ẢNH: ĐỨC NHẬT

Khi những hạt lúa vàng ươm đã được chất đầy trong góc nhà sàn, bông vông rừng bắt đầu thắp lên những sắc đỏ trên khắp núi rừng Tây nguyên, cũng là thời điểm người đồng bào J’rai tổ chức lễ hội Pơ thi kéo dài 3 ngày 3 đêm chếnh choáng trong men rượu cần thơm ngọt.

Tiễn biệt các hồn ma

Nhà thơ Văn Công Hùng, người có nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian Tây nguyên, cho biết: “Pơ thi là một lễ hội lớn của người bản địa Tây nguyên. Nó không chỉ đơn thuần là việc chấm dứt sự sống của một con người cụ thể. Nó là ân nghĩa, là văn hóa, là cách người sống tri ân người quá cố, gửi gắm tâm tình vào người quá cố, biểu hiện sự thủy chung giữa con người với con người, níu kéo kỷ niệm, thời gian, đầy tính nhân văn trong hành vi ứng xử tốt đẹp của con người...”.

Cách TP.Pleiku 40 km về hướng bắc, làng Ploi (TT.Ia Ly, H.Chư Păh, Gia Lai) nằm lọt thỏm giữa những vườn cà phê nở hoa trắng xóa như bông tuyết. Nơi đây có tới 4 thôn làng người đồng bào J’rai đang sinh sống. Những cư dân này vẫn còn lưu giữ phong tục Choh sơi ác (nuôi ma) và lễ Pơ thi (bỏ mả) mang đầy vẻ đẹp nguyên sơ, hoang dã của đại ngàn.

Chúng tôi đến TT.Ia Ly vào một chiều nắng như đổ lửa. Con đường đất dẫn vào làng Ploi bụi tung lên mù mịt, thế nhưng bước chân của anh Ksor Thức, người dẫn đường, dường như vồn vã lắm. Anh bảo phải đi nhanh để còn kịp giờ nhảy xoang, uống rượu.

Vào đến cổng làng, khung cảnh nhộn nhịp của lễ hội như xóa tan đi cái nắng nóng ban chiều. Từ phía nhà mả của làng, thanh niên bắt đầu khệ nệ bưng những ché rượu cần để chuẩn bị cho lễ hội.

Như đã chếnh choáng men rượu cần, già Rơchâm Mlih (58 tuổi) dắt chúng tôi vào giữa bữa tiệc. Hôm nay là ngày mà dòng họ già Mlih tổ chức lễ bỏ mả. Già Mlih bảo, đã hơn 5 năm kể từ ngày cha già mất, giờ già mới có điều kiện để tổ chức buổi lễ tiễn biệt các hồn ma trong khu nhà mồ. Theo già, người J’rai quan niệm rằng khi một người chết đi vẫn để lại hồn ma luôn ở bên gia đình. Người sống đi đâu, hồn ma theo đến đó. Người sống ăn gì, hồn ma sẽ ăn nấy.

Bởi vậy, trong những bữa cơm, các gia đình người J’rai vẫn chuẩn bị sẵn một phần thức ăn cho người đã khuất. Buổi sáng, khi con gà vừa cất tiếng gáy, dân làng bắt đầu đi gùi nước. Người sống lại mang cơm nóng, nước mát để lên phần mộ của người chết. Họ ngồi cạnh mộ khóc thương, kể những câu chuyện, nỗi niềm của gia đình cho người chết nghe. Buổi chiều, khi mặt trời dần lặn xuống các ngọn núi phía tây, người sống từ rẫy trở về lại mang cơm ra phần mộ cho ma ăn. Ngày này qua tháng nọ, năm này qua năm khác, họ vẫn coi người chết như một thành viên chưa bao giờ mất. Những hành trình nuôi ma như thế cứ tiếp diễn cho đến khi làm lễ Pơ thi.

Lễ Pơ thi của nhà già Mlih lần này được tổ chức cho gần 9 hồn ma của 7 gia đình trong dòng họ. Từ nhiều ngày trước, thanh niên trong dòng họ đã phải vào rừng sâu tìm cây cà chít đem về đẽo gọt làm ra những kra côm (tượng nhà mồ) canh giấc ngủ cho người chết, thứ không thể thiếu trong lễ Pơ thi. Các con cháu mỗi người đều góp gạo, rượu, tiền và không thể thiếu là trâu, bò. “Pơ thi lần này của nhà mình góp được 11 con trâu, bò, gần 20 con lợn béo, gà thì không đếm hết được đâu”, già Mlih hồ hởi nói.

Pơ thi là lễ hội lớn nhất của người J’rai và cũng là lễ hội còn mang đậm bản sắc văn hóa với tổng thể các hoạt động từ nghi lễ đến hội hè. Trên hết, nó thể hiện tính chất cộng đồng một cách trọn vẹn nhất, điều không phải lễ hội nào cũng làm được.

Kra côm (tượng nhà mồ) canh giấc ngủ cho người chết, thứ không thể thiếu trong lễ Pơ thi

Gắn kết cộng đồng

Đêm đầu tiên của lễ Pơ thi, người dân trong làng đổ về khu nhà mồ với những ché rượu đầy ăm ắp. Thanh niên trong dòng họ bắt đầu thắp lên những ánh lửa. Tiếng chiêng ngân lên vang vọng bốn phía. Những làng khác nghe tiếng chiêng cũng rậm rịch đem rượu ngọt, lợn béo đến. Với họ, cái ngày buồn vì người chết đã qua rồi, Pơ thi là ngày vui không chỉ của gia chủ mà còn của cả làng, cả xã. Rồi họ quây quần bên những ché rượu ngọt nồng, hòa vào nhau trong điệu nhảy xoang bên ánh lửa bập bùng.

Theo già Mlih, để tổ chức một lễ Pơ thi tiêu tốn hàng trăm triệu đến cả tỉ đồng. Nhưng với người J’rai, đó như một phần tài sản trong nhà để chia cho người chết. Bởi sau lễ này, mối liên hệ giữa người sống và người chết đã kết thúc. Người chết sẽ trở thành các Atâu (tổ tiên) để về với Yàng (trời, thần linh) và được các Pram (hồn ma) bao bọc, che chở. Lễ Pơ thi vì thế như một nghi lễ đánh dấu sự khởi đầu của vòng luân hồi.

Ghé sát tai chúng tôi, anh Ksor Thức nói to như để át tiếng chiêng: “Khi làm lễ bỏ mả, anh em trong làng góp heo, gà giống như người Kinh đi tiền mừng đám cưới. Tất cả sẽ được chủ nhà ghi chép lại đầy đủ từng món nợ. Sau này chỉ cần nghe rậm rịch tiếng chiêng ở nhà nào, tự khắc người làng sẽ đem góp lại những thứ nhà đó đã từng góp cho mình. Lâu dần những món nợ ấy cứ dày lên. Cũng vì thế chi phí làm lễ Pơ thi ngày càng nhiều. Biết là tốn kém nhưng nợ miệng thì phải trả chứ sao. Đã là phong tục thì không thể bỏ được”.

Trai làng bôi bùn đất, đeo mặt nạ đóng Pram đón Atâu về với Yàng

Ở nhà mồ vào ngày thứ hai làm lễ, người sống sẽ bắt những chú gà con mới nở để thả vào nhà mồ với ý nghĩa như một lời tâm sự với người chết rằng mọi sự đã viên mãn và kết thúc. Giống như trứng đã nở thành gà để bắt đầu một vòng luân hồi, cuộc sống mới. Sau khi già làng làm lễ cúng xong, thân nhân của người quá cố vào nhà mồ khóc than lần cuối với người đã chết.

Những trai tráng trong làng rủ nhau đến nơi có nguồn nước bôi bùn, đất lên người, đeo mặt nạ được làm từ bẹ chuối sao cho càng kinh dị thì càng giống với các Pram (hồn ma). Nghi lễ này tượng trưng cho các Pram đi theo bảo vệ và dẫn dắt Atâu về với Yàng.

Đêm thứ ba của lễ hội cũng là “đêm trắng” ở khu nhà mồ. “Đây là đêm cuối cùng bên người chết nên tất cả lũ làng sẽ thức trắng cho đến sáng”, già Mlih tâm sự. Thế rồi, thay vì cái không khí tịch mịch heo hút, khu nhà mồ bừng lên với ngọn lửa vút cao, với tiếng cồng chiêng vang vọng và những điệu xoang bất tận. Từ làng này đến làng khác, họ cùng nhau trổ tài xem làng nào đánh chiêng hay hơn, nhảy xoang đẹp hơn hay ai đó uống rượu giỏi hơn.

Và khi màn sương đêm buông xuống, những đôi trai gái lại tìm đến nhau như một điều gì đó tự nhiên nhất. Đã bao đôi lứa trong làng trở thành vợ, thành chồng từ những đêm như thế. Lễ Pơ thi vì vậy vừa mang ý nghĩa kết thúc giao tình giữa người sống và người chết, vừa đánh dấu sự khởi đầu, trong đó có tình yêu…

Nói về phong tục này, ông Nguyễn Thanh Vương, Chủ tịch UBND TT.Ia Ly, trăn trở: “Lễ hội Pơ thi là phong tục tập quán, nét văn hóa đặc trưng của người J’rai, Bana ở Tây nguyên. Tuy nhiên việc mổ trâu, mổ bò để tổ chức lễ hội thì rất tốn kém. Trên thực tế, những phong tục này đã gây khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Về phía chính quyền thị trấn vẫn tuyên truyền người dân không nên tổ chức lễ hội một cách lãng phí nhưng vẫn không thể dứt điểm được”.

Theo Thanh Niên