Chính phủ Anh nhất trí thông qua dự thảo thỏa thuận rút khỏi EU

15/11/2018 - 08:27

Theo phóng viên TTXVN tại London, chính phủ Anh đã nhất trí thông qua dự thảo thỏa thuận rút khỏi EU (hay còn gọi thỏa thuận Brexit) sau cuộc họp chính phủ kéo dài 5 tiếng, kết thúc lúc 19 giờ ngày 14-11.

Thủ tướng May nhận định đây là một " bước đi quyết định" trong tiến trình đàm phán Brexit, qua đó sẽ đưa thỏa thuận Brexit tiến đến chính thức thông qua.

Thủ tướng Anh Theresa May cho biết nội các Anh đã có một cuộc thảo luận "dài, chi tiết và nhiệt huyết," và dự thảo thỏa thuận Brexit đã có được "những gì tốt nhất có thể." 

Thủ tướng May thừa nhận nội các Anh đã nhất trí với nội dung của dự thảo thỏa thuận Brexit, nhưng để có được nhất trí này là một quyết định không hề dễ dàng.

Những chỉ trích chính của những người phản đối dự thảo thỏa thuận Brexit chủ yếu tập trung ở việc chọn cách thức nào để tránh một đường biên giới cứng tại Bắc Ireland. 

Mặc dù Thủ tướng May đã nhận được sự ủng hộ từ nội các của mình, nhưng bà sẽ còn phải đối mặt với "cuộc chiến" tại Hạ Viện khi thỏa thuận này đưa ra để phê chuẩn. 

Thủ tướng Anh Theresa May (trái) trong cuộc gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tại Brussels (Bỉ) ngày 17/10/2018. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Dự thảo thỏa thuận Brexit và những điểm chính của tuyên bố chính trị về tương lai quan hệ Anh-EU sẽ được EU công bố tối muộn cùng ngày ở Brussels.

Trước đó cùng ngày, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon đã lên tiếng phản đối bản thỏa thuận sơ bộ đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
 
Tuy thỏa thuận sơ bộ chưa được công bố chính thức nhưng theo truyền thông Anh, ngoại trừ Bắc Ireland, các vùng còn lại của Liên hiệp Vương quốc Anh sẽ rời thị trường chung EU. 

Thủ hiến Scotland, người luôn mong muốn Scotland được phép ở lại thị trường chung EU và liên minh thuế quan, cho rằng thỏa thuận mới giúp Bắc Ireland hưởng những lợi thế không công bằng so với các vùng lãnh thổ còn lại trong Liên hiệp Vương quốc Anh.

Theo bà Sturgeon, thỏa thuận này sẽ "phá hoại" các hoạt động "đầu tư và việc làm" tại Scotland và cho rằng đây là kịch bản "tồi tệ nhất." Thủ hiến Scotland cũng đề cập khả năng Quốc hội Anh có thể sẽ không thông qua thỏa thuận này và mở đường cho một lựa chọn mới tốt hơn bao gồm quyền ở lại thị trường chung cho toàn nước Anh.

Trong cuộc trưng cầu ý dân về Brexit hồi năm 2016, 63% cử tri Scotland đã bỏ phiếu để Anh ở lại EU nhưng tỷ lệ chung toàn Vương quốc Anh lại cho thấy phe ủng hộ rời EU chiếm 52%. Cuộc trưng cầu Brexit diễn ra 2 năm sau khi Scotland tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về việc tách ra khỏi Anh, trong đó 55% người dân ủng hộ ở lại. 

Bà Sturgeon cho rằng Brexit có thể sẽ tác động và làm thay đổi cục diện tại Scotland nhưng hiện bà vẫn chưa quyết định tổ chức cuộc trưng cầu thứ 2 về độc lập cho vùng lãnh thổ này.

Thỏa thuận Brexit sơ bộ cũng đã vấp phải sự chỉ trích từ Công đảng đối lập chính tại Anh.

Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn gọi đây là một thỏa thuận "lộn xộn," đẩy Thủ tướng Anh Theresa May "vượt qua giới hạn đỏ." Ông này cũng cho rằng chính phủ Anh đã lãng phí 2 năm đàm phán để cuối cùng mang về một thỏa thuận tồi, đẩy quốc gia vào tình trạng nửa vời.

Trước đó, ngày 13/11, Anh và EU đã tháo gỡ thế bế tắc kéo dài trong suốt quá trình đàm phán Brexit để đạt được một thỏa thuận sơ bộ. Những chỉ trích trên càng cho thấy nhiệm vụ thúc đẩy thỏa thuận tại Quốc hội Anh của bà May sẽ không hề dễ dàng.

Ngày 14/11, Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định thỏa thuận sơ bộ mới đạt được để đưa quốc gia này rời Liên minh châu Âu (EU) đã thể hiện đúng nguyện vọng của cử tri Anh trong cuộc trưng cầu ý dân hồi năm 2016.

Phát biểu trước các nghị sỹ Quốc hội Anh sau khi vấp phải những chỉ trích về thỏa thuận sơ bộ mới đạt được, bà May khẳng định thỏa thuận này sẽ đảm bảo chấm dứt tình trạng người nhập cư ồ ạt kéo đến quốc gia này và cho phép Anh tự xây dựng chính sách thương mại. 

Thủ tướng Anh cho biết thỏa thuận bao gồm một loạt "rào chắn" phụ nhằm tránh một biên giới cứng với Cộng hòa Ireland nhưng cũng cho biết thêm sẽ có một chính sách đảm bảo tạm thời trong khi hai bên chưa đạt được thỏa thuận thương mại. 

Bà May khẳng định chính phủ Anh muốn đạt được thỏa thuận về quan hệ thương mại vào cuối tháng 12/2020, thời điểm kết thúc giai đoạn chuyển tiếp.

Thách thức rất lớn sắp tới của Thủ tướng Theresa May là bà phải thuyết phục Quốc hội Anh phê chuẩn thỏa thuận mới đạt được với EU. Để thông qua được thỏa thuận, bà May cần được sự ủng hộ của 320 trong số 650 nghị sỹ tại Hạ viện. Đó là thách thức rất lớn mà bà phải vượt qua. Phe ủng hộ Brexit cứng rắn trong nội bộ đảng Bảo thủ của bà cáo buộc bà "đầu hàng trước áp lực của EU."

Trong khi đó, Thủ tướng Cộng hòa Ireland Leo Varadkar cho biết EU sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp vào ngày 25/11 tới để ký thông qua thỏa thuận sơ bộ mới đạt được với Anh. Phát biểu trước các nghị sỹ của quốc gia này, Thủ tướng Varadkar cho biết nếu chính phủ của Thủ tướng May thông qua thỏa thuận này, EU sẽ công bố bản dự thảo vào cuối ngày 14/11.

Trước đó, Anh và EU cuối cùng đã đạt dự thảo thỏa thuận chia tay nhờ đột phá trong vấn đề biên giới giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland. 

Hiện vẫn chưa rõ vấn đề biên giới với Cộng hòa Ireland được giải quyết như thế nào. Chính phủ Anh vẫn chưa công bố chi tiết của thỏa thuận này vốn dài hàng trăm trang này.

Chỉ còn chưa đến 5 tháng nữa là đến hạn nước Anh phải ra khỏi EU, cái gọi là đường biên giới mềm giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland, quốc gia thành viên EU, là vấn đề vướng mắc chính khiến hai bên suốt thời gian dài vừa qua không tìm được tiếng nói chung. 

Đường biên giới mềm này là chính sách bảo đảm để tránh quay trở lại tình trạng kiểm soát biên giới giữa hai bên. Hồi năm ngoái, cả hai bên đều nhất trí cần thiết lập biên giới đất liền mở giữa Anh và Cộng hòa Ireland bằng mọi giá nhưng quá trình đàm phán sau đó liên tục đi vào ngõ cụt vì cả hai bên không thống nhất được cách triển khai.

Trong động thái mới nhất ghi nhận sự nhượng bộ của cả hai bên, một thỏa thuận "rào chắn" đã được nhất trí. 

Theo đó, EU được cho là đã chấp nhận đề xuất về áp dụng thuế quan chung với toàn bộ Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ireland nhưng kèm các điều kiện để Bắc Ireland duy trì mối quan hệ mật thiết hơn với EU. Điều này cho thấy có thể sẽ có các hoạt động kiểm tra hải quan với hàng hóa giữa Bắc Ireland và phần còn lại của Anh. 

Đổi lại, Anh đồng ý nhượng bộ EU trong một số lĩnh vực như bảo hộ nhà nước, cạnh tranh, môi trường và quyền người lao động để đảm bảo các doanh nghiệp Anh không tạo ra những mặt bằng thấp hơn so với EU trong những lĩnh vực này. Thỏa thuận cũng nhất trí về một số cơ chế đánh giá tuy chưa đảm bảo những yêu cầu của Anh đưa ra trước đó về mặt thời gian thu xếp và quyền được đơn phương rút lui.

Những điểm trên được cho là thể hiện sự nhượng bộ từ cả hai phía bởi trước đây EU từng đề xuất coi Bắc Ireland là một trong các yếu tố thuộc thị trường chung EU và liên minh thuế quan, đồng nghĩa với việc vùng này sẽ phải tuân thủ các quy định của EU về tiêu chuẩn chất lượng và các mức thuế của EU. 

Nhưng Thủ tướng Anh Theresa May và đảng DUP tại Bắc Ireland đều cho rằng đề xuất này là không thể chấp nhận được vì sẽ tách rời vùng Bắc Ireland ra khỏi Anh và tạo một biên giới trên biển Ireland. Nhiều ý kiến khi đó đã đề xuất cách làm khác là thiết lập một thỏa thuận thuế quan tạm thời giữa EU với cả Anh và Bắc Ireland.

Sau khi Anh rời EU, biên giới với Cộng hòa Ireland sẽ trở thành một đường biên ngoài của EU. Anh muốn rời khỏi liên minh thuế quan EU, thị trường chung EU, cũng đồng nghĩa với việc phải thiết lập các điểm kiểm tra tra hải quan với người dân và sản phẩm vận chuyển qua đường biên này. 

Nhưng cả Anh và EU đều cam kết tránh thiết lập một "biên giới cứng" hay đường biên với những chốt hải quan, cửa khẩu hiện hữu vì điều này sẽ tác động tiêu cực tới tiến trình hòa bình mong manh vốn đã giúp chấm dứt 3 thập kỷ xung đột bạo lực khiến 3.500 người thiệt mạng. 

Đường biên giới này từng là địa điểm diễn ra những cuộc tấn công đẫm máu và cả các hoạt động buôn lậu phức tạp. Các lực lượng an ninh đều cảnh báo việc thiết lập bất kỳ điểm kiểm soát hay cơ sở vật chất nào ở đường biên này đều có thể trở thành cái cớ để những tổ chức bán quân sự và các tay súng không tham gia hiệp ước hòa bình hoạt động trở lại./. 

Theo Vietnam+