Chinh phục vé dự Olympic trẻ để tạo niềm tin

30/04/2018 - 08:31

Hành trình chinh phục mục tiêu giành từ 8 đến 10 suất tham dự Olympic 2018 của thể thao Việt Nam đang có những dấu hiệu khả quan. Đến lúc này, thể thao Việt Nam đã giành được ít nhất 5 suất và nhiều khả năng hoàn thành, thậm chí vượt mục tiêu. Nếu thành hiện thực, đây sẽ là tín hiệu đáng mừng cho thể thao Việt Nam trong việc đầu tư cho các tài năng trẻ để đáp ứng những nhiệm vụ trong tương lai.

Niềm tin từ những môn thế mạnh

Trong năm nay, thể thao Việt Nam coi ASIAD 2018 và Olympic trẻ 2018 là hai sân chơi quan trọng nhất, qua đó khẳng định vị thế của thể thao Việt Nam. Nếu ASIAD 2018 là sân chơi của những VĐV đã thành danh, qua đó tôn vinh sức mạnh hiện tại của thể thao Việt Nam thì sân chơi Olympic trẻ lại mang ý nghĩa khác. Đấy là sân chơi của những VĐV sẽ trở thành tương lai của các nền thể thao.

Chính Ủy ban Olympic quốc tế khi tổ chức sân chơi Olympic trẻ cũng muốn các thành viên quan tâm nhiều hơn đến đào tạo tài năng trẻ. Cho đến lúc này, mục tiêu trên của Ủy ban Olympic quốc tế đã được thực hiện trọn vẹn trong đó thể thao Việt Nam đặc biệt coi trọng sân chơi Olympic trẻ.

Võ sỹ Đỗ Hồng Ngọc (phải) sớm giành vé dự Olympic trẻ 2018.

Để được góp mặt ở sân chơi này là cả hành trình đầy gian khó của các VĐV khi họ phải trải qua nhiều cuộc thi đấu loại hoặc các giải đấu quốc tế để tích điểm nhằm giành thứ hạng trẻ thế giới để có thể được xem xét tham dự Olympic trẻ.

Dựa trên thực lực của thể thao Việt Nam, các nhà quản lý đã đặt ra mục tiêu giành ít nhất từ 8 đến 10 suất tham dự trực tiếp Olympic trẻ 2018 tại Argentina vào tháng 10 tới. Khi tháng 4 khép lại, thể thao Việt Nam đã giành ít nhất 5 suất tham dự Olympic trẻ trong đó gần nhất là tấm vé thuộc về VĐV Phạm Như Phương ở môn Thể dục dụng cụ (TDDC).

Tại Giải vô địch TDDC trẻ châu Á 2018 ở Indonesia cách đây ít ngày, Phạm Như Phương đã giành hạng 5 nội dung toàn năng để đoạt tấm vé trực tiếp tham dự Olympic trẻ 2018. Đây thực sự là động lực quý giá cho môn TDDC Việt Nam trong quá trình tìm kiếm những tài năng có thể kế thừa Đỗ Thị Ngân Thương hay Phan Thị Hà Thanh.

Trước đó, thể thao Việt Nam đã giành 4 suất chính thức tham dự Olympic trẻ 2018 trong đó có nữ võ sỹ Hồ Thị Kim Ngân (Taekwondo). Cô gái người An Giang này lên ngôi vô địch thế giới tại Giải Taekwondo trẻ thế giới 2018 để xứng đáng đoạt vé dự Olympic trẻ 2018.

Ngoài Hồ Thị Kim Ngân và Phạm Như Phương, 3 trường hợp giành vé dự Olympic 2018 của thể thao Việt Nam đã được xác định từ năm 2017 gồm Đỗ Hồng Ngọc (quyền Anh nữ) - Á quân giải trẻ thế giới 2017 và mới giành ngôi vô địch trẻ châu Á 2018; kình ngư Nguyễn Hữu Kim Sơn - đoạt 4 HCV tại giải bơi các nhóm tuổi Đông Nam Á 2017; 1 suất ở môn cử tạ (hạng 48kg nữ) nhưng chưa xác định tên VĐV.

Theo đó, tại giải vô địch trẻ cử tạ thế giới 2017, đội nữ Việt Nam lọt vào nhóm 15 đoàn dẫn đầu bảng xếp hạng đồng đội nên được 1 suất tham dự Olympic trẻ 2018. Hiện tại, Ban Huấn luyện đội tuyển và bộ môn cử tạ (Tổng cục TDTT) vẫn chưa ra quyết định cuối cùng về danh tính nữ lực sỹ tham dự hạng cân 48kg nữ.

Thực tế, cử tạ Việt Nam hy vọng còn giành thêm ít nhất 1 suất nam tham dự Olympic trẻ 2018 khi Giải cử tạ trẻ châu Á 2018 tại Uzbekistan khép lại vào ngày cuối tháng 4. Từ thành tích tại giải này - cũng là vòng loại Olympic trẻ 2018 khu vực châu Á, Liên đoàn Cử tạ thế giới sẽ xác định thêm suất tham dự của các quốc gia.

Như thế, đến lúc này, những môn thể thao thế mạnh của thể thao Việt Nam như cử tạ, Taekwondo, quyền Anh nữ đều đã có VĐV giành vé tham dự Olympic trẻ 2018. Đấy là những tín hiệu tích cực cho quá trình đào tạo những tài năng được coi là tương lai của thể thao Việt Nam.

Sẽ hoàn tất trọn vẹn mục tiêu?

Khi các vòng loại và quá trình xem xét thứ hạng thế giới của VĐV để xác định có đủ điều kiện dự Olympic trẻ 2018 hay không ở nhiều môn còn chưa khép lại thì chưa thể nói trước. Thực tế, thể thao Việt Nam mới hoàn tất được một nửa mục tiêu giành vé tham dự Olympic trẻ 2018 và chỉ đến khi danh sách VĐV tham dự sân chơi này được công bố chính thức thì mới có thể xác định là đã hoàn thành mục tiêu hay chưa.

Đến lúc này, ngoài bơi, cử tạ, Taekwondo, TDDC, quyền Anh, chỉ có môn cầu lông đang có nhiều cơ hội nhất để tranh tài tại Olympic trẻ 2018. Mới đây, tay vợt Nguyễn Hải Đăng đã đăng quang nội dung đơn nam, trong khi Vũ Thị Anh Thư giành ngôi Á quân nội dung đơn nữ tại Giải cầu lông trẻ Síp mở rộng 2018.

Nhờ thành tích tại giải này, Nguyễn Hải Đăng củng cố vững chắc vị trí trong nhóm 40 tay vợt trẻ hàng đầu thế giới nội dung đơn nam còn Vũ Thị Anh Thư cũng vào nhóm 40 tay vợt nữ trẻ hàng đầu thế giới nội dung đơn nữ. Nếu duy trì được thứ hạng trong nhóm 40 tay vợt trẻ hàng đầu thế giới cho đến khi Liên đoàn Cầu lông thế giới xét chọn thì cả hai tay vợt Việt Nam đều có cơ hội tranh tài tại Argentina vào tháng 10 tới.

Ngoài cầu lông, những môn thể thao khác của Việt Nam cũng kỳ vọng có VĐV giành vé tham dự Olympic trẻ 2018 gồm Karatedo, bắn súng, judo, đấu kiếm, vật… Vòng loại Olympic trẻ 2018 của đa số các môn trên sẽ diễn ra trong thời gian tới và được kỳ vọng sẽ giúp thể thao Việt Nam giành từ 2-3 tấm vé. Trong khi đó, môn Judo cũng đang trông chờ vào khả năng duy trì thứ hạng của VĐV trẻ Lê Anh Tài.

Dù vậy, giành vé tham dự mới chỉ là một bước tiến nhỏ của các VĐV trên con đường chinh phục những mục tiêu cao hơn, xa hơn như ASIAD hay Olympic. Chính vì vậy, sự đầu tư cho các VĐV giành vé dự Olympic trẻ phải càng ráo riết.

Trong cuộc trao đổi gần đây, ông Hoàng Quốc Vinh - Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I ( Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) - đơn vị đang quản lý nhiều môn được xem là chủ lực của thể thao Việt Nam trong hành trình chinh phục vé dự Olympic trẻ 2018, đã cho rằng, cần phải tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn cho VĐV thay vì hài lòng với việc góp mặt ở sân chơi thể thao trẻ lớn nhất thế giới.

Hình thức đầu tư kết hợp giữa Tổng cục TDTT với đơn vị chủ quản của VĐV, kêu gọi xã hội hóa để hỗ trợ VĐV tập huấn và thi đấu quốc tế phải được đẩy mạnh. Hiện tại, những VĐV đã giành vé dự Olympic trẻ 2018 như Đỗ Hồng Ngọc, Hồ Thị Kim Ngân, Nguyễn Hữu Kim Sơn đang được đầu tư dưới dạng này và đang phát triển ổn định.

Cũng có thể hiểu rằng, việc càng giành nhiều vé dự Olympic trẻ đã là tốt nhưng duy trì được đà phát triển cho VĐV để đáp ứng nhiệm vụ quốc tế về lâu dài còn quan trọng hơn nhiều.

Đặt chỉ tiêu giành huy chương tại Olympic trẻ 2018

Các nhà quản lý thể thao Việt Nam chỉ đặt mục tiêu giành huy chương tại Olympic trẻ 2018. Đây không phải là mục tiêu ngoài tầm với khi thể thao Việt Nam từng giành đủ HCV, HCB, HCĐ tại Olympic trẻ. Tại Olympic trẻ lần đầu tiên năm 2010 ở Singapore, lực sỹ Thạch Kim Tuấn từng giành HCV hạng 56kg môn Cử tạ. Đến Olympic trẻ 2014 ở Trung Quốc, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đã lên ngôi vô địch nội dung 200m hỗn hợp. Trong hai lần tham dự Olympic trẻ, thể thao Việt Nam giành tổng cộng 2 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ.

Theo MINH NHẬT (Công an nhân dân)