Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5

01/05/2019 - 21:07

 - Xử lý thông tin tố cáo do cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến; xác định thời điểm bố trí sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước; doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng phải đấu thầu mua sắm; ngân sách nhà nước hỗ trợ đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị kinh doanh, đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp nhỏ và vừa… là những chính sách mới, có hiệu lực thi hành từ tháng 5-2019.

Xử lý thông tin tố cáo do cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến

Khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo (quy định tại Khoản 2, Điều 25 Luật Tố cáo) hoặc tố cáo không đủ điều kiện thụ lý do cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến, cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận phải tiến hành phân loại, đánh giá tính chất, mức độ vụ việc. Nếu thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình thì quyết định việc thanh tra, kiểm tra. Nếu không thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình thì phải chuyển thông tin đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, quyết định việc thanh tra, kiểm tra. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nhận được thông tin có trách nhiệm thông báo kết quả xử lý tố cáo cho cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đã chuyển thông tin đến biết kết quả xử lý tố cáo.

Nội dung trên được nêu rõ tại Nghị định số 31/2019/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 28-5-2019), quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo.

DNNN cũng phải đấu thầu mua sắm

Khi đầu tư, mua sắm tài sản cố định bên ngoài đưa về sử dụng (kể cả mua xe), DNNN cũng phải thực hiện việc đấu thầu, không được sử dụng tài sản, tiền vốn, quyền sử dụng đất thuê để góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ DNNN có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản). DNNN không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các dự án DNNN là chủ đầu tư đang triển khai hoặc xây dựng dang dở được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án. Đối với doanh nghiệp sản xuất thuốc lá điếu, phân phối điện, bán buôn xăng dầu, vận tải đường sắt… sẽ không được nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp kể từ thời điểm 1-5-2018. Quy định trên quy định tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 1-5-2019.

Xác định thời điểm bố trí sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước

Nghị định số 30/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15-5-2019, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, quy định thời điểm bố trí sử dụng nhà ở.

Nếu thời điểm bố trí sử dụng nhà ở được ghi trong hợp đồng thuê nhà thì xác định theo thời điểm ghi trong hợp đồng. Nếu trong hợp đồng thuê nhà ở không ghi thời điểm bố trí sử dụng nhà ở thì xác định theo thời điểm ký kết hợp đồng đó; nếu thuộc diện ký lại hợp đồng hoặc gia hạn hợp đồng thuê nhà thì thời điểm bố trí sử dụng nhà ở được xác định theo thời điểm nêu tại hợp đồng ký kết đầu tiên. Nếu người trực tiếp sử dụng nhà ở có giấy tờ chứng minh đã nộp tiền thuê nhà ở trước khi ký kết hợp đồng thuê nhà thì thời điểm bố trí sử dụng nhà ở được xác định theo thời điểm nộp tiền thuê nhà ở. Trường hợp khi ký kết hợp đồng thuê nhà ở mà cơ quan có thẩm quyền đã truy thu tiền thuê nhà ở (chứng minh về việc này) thì thời điểm bố trí sử dụng nhà ở được xác định theo thời điểm tính truy thu tiền thuê nhà ở.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị kinh doanh, đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thông tư số 05/2019/TT-BKHĐT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành (có hiệu lực từ ngày 12-5), hướng dẫn việc đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị kinh doanh, đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV); tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trực tuyến, chương trình đào tạo trên phương tiện thông tin đại chúng cho DNNVV; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ DNNVV. Đối tượng áp dụng được quy định tại Điều 2, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV. Theo đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% tổng chi phí tổ chức một khóa đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị kinh doanh;  hỗ trợ 100% học phí đối với học viên của DNNVV có trụ sở tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, học viên của DNNVV do phụ nữ làm chủ khi tham gia khóa đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị kinh doanh và quản trị kinh doanh chuyên sâu.

N.R