Chợ hiện đại hay truyền thống?

23/07/2019 - 07:29

 - Những năm gần đây, thị trường bán lẻ có sự gia tăng không ngừng với sự phát triển rầm rộ hệ thống cửa hàng tiện ích, siêu thị, hay các kênh bán lẻ hiện đại. Thương mại- dịch vụ ngày càng phát triển, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi ngày càng nhiều. Và xu hướng này đã tạo nên sức ép không nhỏ đến các chợ truyền thống.

Ở  An Giang, chợ hiện đại ngoài  những cái tên lớn như: MM Mega Market, Co.opmart, thời gian gần đây, nhiều cửa hàng tiện ích như Bách hóa xanh xuất hiện trên thị trường, dần chiếm được lòng tin của nhiều khách hàng. Một điểm chung dễ nhận thấy ở những chợ hiện đại này là những tiện ích bảo quản, máy lạnh cỡ lớn và bán sản phẩm quy mô lớn. Nói đến vấn đề giá hay an toàn vệ sinh thực phẩm, chợ hiện đại tạo cảm giác an tâm hơn cho người tiêu dùng. Bán đúng giá niêm yết, đây được xem là ưu điểm vượt trội của chợ hiện đại, vì người mua hàng không sợ “bị hớ”, “bị lừa”. Hướng đến đối tượng là người tiêu dùng, đội ngũ nhân viên, phục vụ ở những siêu thị lớn hay kênh bán lẻ xây dựng hình tượng thân thiện, “lấy điểm” khách hàng qua thái độ phục vụ và nụ cười niềm nở. Đây là điểm cộng cho chợ hiện đại. Bởi ở đó, câu nói “khách hàng là thượng đế” được đặt lên hàng đầu, đó là chưa nói đến vấn đề khác như: hàng hóa ở chợ hiện đại ngày càng đa dạng, đầu vào luôn được kiểm tra chặt chẽ. Bên cạnh đó, không gian đẹp bắt mắt, cách bày trí ấn tượng mang đến cho người tiêu dùng những cảm nhận thích thú khi tìm đến.

Chợ truyền thống vẫn có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng

“Lúc trước, tôi rất ít đi siêu thị, trừ những dịp lễ có nhiều ưu đãi, chương trình khuyến mãi; ngày thường khi cần mua mớ rau hay con cá, tôi ra chợ gần nhà cho tiện. Chưa đầy 1 tháng nay, cách nhà tôi không xa, có một cửa hàng tiện ích, thấy nhiều người mua, tôi đến thử xem sao. Đúng là tiện ích thật, ở đó, thịt, cá muốn mua sống hay làm sẵn đều có. Không chỉ nhìn bắt mắt mà giá cả được niêm yết rõ ràng từng món một rất dễ chọn lựa. Điều tôi thích nhất là thịt, cá hay rau, củ khi mua xong, nhân viên luôn hỏi: “Cô có muốn làm sạch hay gọt vỏ luôn không?”. Để ý kỹ thì thấy, hầu như ai mua gì xong cũng nhờ nhân viên cắt gọt sơ để về kịp nấu bữa trưa cho gia đình. Không phải chen lấn, xô đẩy hay gặp cảnh nước bỗng đâu “bắn” vào quần áo mình nên càng ngày tôi càng thích đi chợ hiện đại” - cô Nguyễn Thị Loan (51 tuổi, ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) cho biết.

Câu hỏi đặt ra là, trước “sức ép” của những chợ hiện đại như vậy, liệu chợ truyền thống sẽ như thế nào? Mất dần! Tôi nghĩ điều này sẽ rất khó xảy ra. Bởi, nói thế nào thì chợ truyền thống vốn đã “ăn sâu” vào tâm thức của rất nhiều người. Dù không có những tiện ích như ở chợ hiện đại, không sang trọng hay mát lạnh nhưng với ưu điểm gần nhà, và rất đa dạng hàng hóa, chợ truyền thống sẽ là sự lựa chọn của nhiều người. Vấn đề đặt ra hiện nay có lẽ là vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ các loại hàng hóa cần được kiểm soát, quản lý chặt chẽ hơn nữa. Bởi, nhiều vấn đề tiêu cực thời gian gần đây như: chất lượng hàng hóa, thực phẩm bẩn… gây ảnh hưởng sức khỏe, làm mất đi niềm tin của người tiêu dùng. Các vấn đề khác như: ý thức mua bán, cạnh tranh của các tiểu thương hay phòng cháy, chữa cháy phải được ưu tiên hàng đầu.

Siêu thị với cách bày trí tiện nghi dễ gây ấn tượng với người tiêu dùng

Không khí nhộn nhịp, sôi động “í ới” gọi nhau của những buổi họp chợ truyền thống đã trở nên thân quen với nhiều người và có lẽ đã trở thành nét văn hóa từ lâu. Điều khác biệt rõ nhất giữa chợ truyền thống và hiện đại chính là giá cả. Nếu ở siêu thị, các kênh bán lẻ giá lúc nào cũng được niêm yết, người mua không bao giờ mặc cả thì tại chợ truyền thống, chuyện mặc cả là việc thường thấy. Thế mới có câu cửa miệng “đồ giữa chợ, ai mà không trả giá”. Hẳn có người nghĩ, vài ngàn lẻ thì cần gì phải trả giá, làm mình kém sang đi. Nhưng theo tôi, đã nói đến chợ truyền thống, không có mặc cả thì sẽ không còn là nó nữa. Không hẳn ai mặc cả cũng là “ki bo”, với tôi đó là một hình thức giao tiếp, mở rộng mối quan hệ giữa người với người từ bao đời nay ở các chợ truyền thống. Chính nhờ có trả giá, mới biết được sự thành thật của người bán, người mua, vì thế cũng tìm cho mình chỗ bán hàng uy tín để gọi là “mối quen”. Cái hay của mặc cả là thế, nó làm những người xa lạ dần trở nên quen biết, có khi thân thiết lúc nào không hay!

“Nói thế nào thì tôi vẫn thích đi chợ truyền thống hơn. Ở đó, tôi có rất nhiều “mối” quen. Từ cô bán rau sạch đến chị bán thịt, cá tươi sống. Mỗi lần ra chợ, tôi được họ hỏi thăm sức khỏe, giới thiệu những thực phẩm mới vừa ngon, vừa hợp túi tiền. Đôi lúc, thiếu một hay hai ngàn đồng, các chị sẵn sàng bớt cho và không quên kèm theo câu nói: “Lần sau nhớ ghé ủng hộ anh/chị nha!”. Đó chính là cái tình, cái nghĩa vẫn tồn tại từ thời ông bà ta cho đến tận bây giờ” - chị Phạm Thị Ánh Thư (31 tuổi, ngụ xã An Thạnh Trung, Chợ Mới) chia sẻ. Chính nhờ sự cạnh tranh mới có tồn tại và phát triển, nên chợ truyền thống hay hiện đại phần lớn phụ thuộc vào nhu cầu khách hàng. Quan trọng là chất lượng và đặt quyền lợi khách hàng làm đầu thì dù là chợ nào, cũng sẽ được đón nhận bởi những đối tượng khách hàng phù hợp.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN