Chợ Mới thành công chuyển dịch cơ cấu cây trồng

21/03/2018 - 08:59

 - Thời gian qua, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở huyện Chợ Mới mang lại nhiều kết quả đáng kể, được đánh giá là địa phương dẫn đầu của tỉnh trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), nhất là 3 xã Cù lao Giêng (Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân) 100% diện tích sản xuất (SX) chuyển sang vườn, màu.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Mới Nguyễn Văn Sanh cho biết: “Năm 2017, toàn huyện chuyển dịch 626ha, trong đó chuyển đổi từ đất lúa sang màu, cây ăn trái 400ha, từ đất màu sang cây ăn trái 216ha, còn lại chuyển đổi từ vườn tạp trồng cây ăn trái. Nhiều mô hình được nông dân (ND) chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu và cây ăn trái gắn với phục vụ du lịch sinh thái, SX theo tiêu chuẩn VietGAP, SX rau an toàn (RAT) ứng dụng CNC, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, xây dựng thương hiệu, cấp mã vạch cho hộ ND”.

Ông Sanh cho biết: “Năm 2017, đã thực hiện mô hình “Cánh đồng lớn” 500ha màu, 10 mô hình công nghệ sinh thái (trồng hoa trên bờ ruộng lúa hoặc màu tại các xã: Hòa Bình, Hòa An, Long Kiến, Long Điền A, Kiến Thành; mô hình công nghệ sinh thái trên rau xã Mỹ Hội Đông, mô hình thu hút nhiều thiên địch giúp ND giảm phun thuốc trừ sâu, rầy hại lúa, rau, màu. Một số mô hình ứng dụng CNC duy trì SX như: 2 nhà màng ươm cây con 1.000m2 ở Hội An; 9 nhà lưới trồng rau, màu ở Kiến An, Kiến Thành, Mỹ Hội Đông và Hòa An, ND trồng các loại rau chủ yếu như: cải ngọt, cải xanh, tần ô, bắp cải... Kết quả cho thấy, SX trong nhà lưới hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trị sâu bệnh, góp phần giảm chi phí đầu vào cho ND. Ngành nông nghiệp huyện kiến nghị tỉnh hỗ trợ thêm 20 nhà lưới để SX rau màu”.

ND thu hoạch rau màu

Huyện đã đầu tư nhà sơ chế RAT tại xã Kiến An, được tỉnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sơ chế RAT, thực hiện sơ chế khoảng 400-500kg/ngày cung cấp cho các siêu thị, nhà hàng. Tổ hợp tác (THT) SX RAT ấp Long Thượng và ấp Long Hạ (xã Kiến An) đạt chứng nhận đủ điều kiện SX RAT với diện tích 2 vùng trên 11ha. Bên cạnh đó, huyện đang triển khai thực hiện 1 dự án SX rau màu ứng dụng hệ thống tưới CNC với diện tích 80ha ở xã Kiến An.

Diện tích cây ăn trái của huyện trên 5.800ha, diện tích trồng xoài chiếm hơn 84,4% diện tích cây ăn trái. Có trên 127ha xoài đã đạt chứng nhận VietGAP. Bên cạnh đó, huyện đang xây dựng 1 nhà sơ chế trái cây ở xã Tấn Mỹ. Được tỉnh đầu tư triển khai thực hiện 3 dự án SX cây ăn trái ứng dụng hệ thống tưới CNC với diện tích 540ha ở 3 xã Cù lao Giêng. Đồng thời, UBND tỉnh chấp thuận hỗ trợ kinh phí thực hiện chứng nhận trên 500ha xoài VietGAP, sẽ triển khai thực hiện trong năm 2018.

Kiến An là vùng chuyên canh rau màu, với tổng diện tích gieo trồng gần 8.500ha. Thay đổi tập quán cũ, địa phương đã vận động ND tham gia, hợp tác SX RAT. Hiện toàn xã đã thành lập được 24 THT, có 355 hộ tham gia, với diện tích trên 70ha, trong đó có 5 tổ SX RAT có 32 hộ tham gia, với diện tích trên 9,4ha, có 5 hộ trồng RAT trong nhà vách lưới, với diện tích trên 4.800m2. Chủ tịch Hội ND huyện Chợ Mới Nguyễn Văn Trí cho biết: “Các THT này hoạt động rất hiệu quả, các hội viên có nguyện vọng mở rộng quy mô, từ đó Hội ND huyện, xã tham mưu UBND, tư vấn, hỗ trợ và phát triển trên nền tảng 5 THT trên đã thành lập được Hợp tác xã rau màu Kiến An gồm 22 thành viên, với số vốn đóng góp gần 200 triệu đồng. Vùng SX chuyên canh màu đã được tỉnh hỗ trợ đầu tư dự án 700ha chuyên màu tại 3 ấp: Long Hạ, Long Bình, Long Thượng”.

Chủ tịch Hội ND huyện Chợ Mới Nguyễn Văn Trí cho biết: “Để “tiếp lửa” cho ND, Hội ND các địa phương tổ chức hoạt động hỗ trợ, tư vấn giúp ND phát triển SX, hỗ trợ về vốn và cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp. 5 năm qua, các cấp hội đã khai thác được 15 dự án, chương trình, với tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng, hỗ trợ vốn thông qua ủy thác với ngân hàng gần 1,5 tỷ đồng cho ND vay tín chấp. Ngoài ra, hỗ trợ ND tiếp cận với khoa học - kỹ thuật, thông tin, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; vận động, hướng dẫn ND tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể, tổ chức lại SX...”.

Thực tế cho thấy, ND chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng SX hàng hóa, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng CNC, phát triển đa dạng, nhiều hình thức đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao. Kinh tế người dân  dần được cải thiện, chất lượng cuộc sống ngày càng đảm bảo nên đã đóng góp vào công trình phúc lợi xã hội cho địa phương, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới.

HẠNH CHÂU