Cho phép sử dụng đất Nhà nước?

28/08/2018 - 07:14

 - Ông Châu Thanh Dũng (ngụ ấp Mỹ An, xã Vĩnh Châu, TP. Châu Đốc) khiếu nại việc bị ngăn cấm đường lên xuống kênh sinh hoạt; bị hủy hoại tài sản nhưng địa phương không giải quyết thỏa đáng.

Ông Dũng trình bày: “Vợ, chồng bà Lê Thị Thang, ông Hải (con của ông Lê Văn Mít) bán nền đất thổ cư cho cháu rể Nguyễn Văn Út. Sau thời gian dài sử dụng, đầu năm 2018, Út bán lại cho vợ, chồng tôi 1 căn nhà sàn gỗ gắn liền với đất, ngang 4,5m dài 15,7m (phần đất trên bờ). Đồng thời, thỏa thuận với vợ, chồng tôi được quyền sử dụng phần dưới mé kênh Đào (trước nhà) để lên xuống sinh hoạt tắm giặt. Toàn bộ khu vực này ai cũng thế, phần mé kênh (thuộc đất của Nhà nước quản lý) trước nhà ai thì người đó sử dụng. Những hộ cư ngụ dọc theo tuyến kênh có nghĩa vụ bảo vệ con lộ đó, do vậy họ đều trồng cây bảo vệ. Sau khi mua nhà, đất của vợ, chồng ông Út, tôi đã trồng một số cây ngang cửa nhà.

Thế nhưng, ông Mít cùng con ông đến tranh chấp, cho rằng phần đất mé kênh là của ông; tự ý chặt, nhổ cây tôi đã trồng; hủy đường ống nước sinh hoạt của gia đình tôi, đe dọa gia đình tôi, làm mẹ tôi phải đóng cửa, bỏ nhà trống, đi nơi khác ở. Rất nhiều lần như thế, gây thiệt hại cho gia đình tôi không có đường lên xuống kênh sinh hoạt sử dụng nước, trong khi ở nông thôn sinh hoạt nước kênh là nguồn chính để tắm, giặt…”.

Vợ chồng ông Dũng trình bày vụ việc

Ông Dũng cho biết, đã gửi đơn đến ấp, UBND xã nhờ can thiệp, nhưng cán bộ tư pháp xã không nhận đơn, nói không giải quyết. Cán bộ này cho rằng, đất mé kênh ngay trước cửa nhà ông là do Nhà nước quản lý, nhưng lại công nhận thuộc quyền sử dụng của gia đình ông Mít (ở cách nhà ông Dũng mấy căn).

“Lẽ ra, chính quyền phải đứng ra phân xử, hòa giải, động viên, giải thích rõ quy định của pháp luật để đôi bên tìm được tiếng nói chung, giữ hòa khí tình làng nghĩa xóm. Đằng này, cán bộ gây áp lực, bất bình cho người dân. Kính mong các cơ quan thẩm quyền xem xét, giải quyết thấu tình đạt lý, đem lại công bằng cho người dân; xem lại tư cách hành động của cán bộ tư pháp xã khi xử lý vụ việc”- ông Dũng bức xúc.

Phía gia đình ông Mít cho rằng: “Gia đình tôi sinh sống tại đây từ năm 1945, phần đất bờ kênh này thuộc quyền sử dụng của gia đình tôi. Trước đây, Nhà nước làm lộ 2-3 lần, tôi phải di dời dần vào trong, nên phần đất bờ kênh này tôi vẫn được phép sử dụng. Tôi đã trồng một số cây tre, bạch đàn, gáo trước khi Nhà nước làm đường kênh Đào, sau này tôi cho con gái phần đất để ở. Con gái tôi bán lại cho đứa cháu, cháu tôi bán lại cho vợ, chồng ông Châu Thanh Dũng mà không hỏi ý tôi, và chỉ là bán phần đất trên bờ, còn phần dưới mé kênh vẫn còn của tôi, nên hộ ông Dũng không được quyền sử dụng”.

Trao đổi với phóng viên, ông Lại Minh Tân (Chủ tịch UBND xã Vĩnh Châu), ông Lý Văn Hải (cán bộ tư pháp) đều khẳng định: đây là đất công cặp kênh Đào do Nhà nước quản lý. Tuy nhiên, phía gia đình ông Lê Văn Mít có quá trình sử dụng lâu đời (từ năm 1945), trồng một số cây bạch đàn, tre trên đất. Sau đó, ông Mít cho con gái Lê Thị Thang sử dụng. Một thời gian, Thang bán lại cho cháu là Lê Thị Loan (vợ ông Nguyễn Văn Út). Gia đình ông Dũng mua lại của vợ, chồng Loan phần đất trên bờ (đất ông Mít đã cho), rồi tự ý đem dừa đến trồng mà không hỏi ông Mít.

Ông Mít yêu cầu: nếu gia đình ông Dũng có nhu cầu sử dụng thì nên thương lượng với ông. Còn phía gia đình ông Dũng yêu cầu được sử dụng phần đất bờ kênh Đào phía đối diện nhà ông đã mua của vợ, chồng bà Loan (nhưng bị ông Mít ngăn cản không cho sử dụng). Về việc này, UBND xã ghi nhận và sẽ mời ông Mít đến động viên giao cho ông Dũng sử dụng. Tuy nhiên phải trên tinh thần 2 bên cùng thống nhất thỏa thuận với nhau.

Thiết nghĩ, địa phương cần xem lại, nếu là đất công thì không thuộc quyền sở hữu của cá nhân nào. Hơn nữa, ông Mít đã cho con gái, con gái bán lại cho cháu, sau đó cháu bán lại cho vợ, chồng ông Dũng, thì liệu ông Mít còn quyền sử dụng trên phần đất đó hay không?

Việc gia đình ông Mít cho rằng “khi vợ, chồng bà Loan, ông Út bán, có thỏa thuận cho vợ, chồng ông Dũng sử dụng cả phần đất dưới mé kênh (mặc dù đất thuộc quyền quản lý của Nhà nước) nhưng gia đình ông không biết, do vậy nếu muốn sử dụng thì phía vợ, chồng ông Dũng phải thương lượng với ông” là điều khó chấp nhận.

Đồng thời, cần xem lại việc địa phương không nhận đơn giải quyết khiếu nại tranh chấp của người dân có đúng quy định hay không, chỉ đến khi Phòng Tiếp Công dân UBND TP. Châu Đốc chuyển đơn khiếu nại về yêu cầu thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật, thì UBND xã mới mời đôi bên đến làm việc.

Bài, ảnh: K.N