Chợ quê những ngày đầu năm

05/03/2018 - 08:23

 - Chợ quê hoạt động rất sớm, chỉ sau 1-2 ngày khi vừa sang năm mới. Chợ quê không lớn nhưng tồn tại lâu đời. Có dịp theo chân các bà nội trợ xách giỏ rảo một vòng chợ mới cảm nhận rõ trong nếp sinh hoạt mua bán, có nhiều nét đẹp văn hóa của người Nam Bộ được gìn giữ một phần bởi chợ quê.

A A

Mùng 2, mùng 3 Tết chợ đã nhóm, phục vụ nhu cầu người dân mua thực phẩm làm mâm cơm cúng tiễn ông bà. Thực phẩm nào cũng có, nhưng nhất định phải có con gà hay các loại cá khỏe như: cá lóc, cá rô… Cái hay của những phiên chợ ở quê là mua được gà, vịt tự nuôi, cá tôm đánh lưới tươi ngon và vô số rau, củ giúp bữa cơm phong phú. Chợ “rộ” lên chỉ vài tiếng đồng hồ, chừng 3 ngày sau mới hoạt động “xôm tụ” trở lại và buôn bán như ngày thường.

Lúc này, chợ bán thêm các vật phẩm khác đáp ứng nhu cầu khai trương như: bắp luộc, bánh bao, hoa tươi, trái cây. Không ồn ào, náo nhiệt như ngày cuối năm, chợ diễn ra trong không khí nhẹ nhàng, vui tươi.

Chị Lê Thị Kim Quý (xã Phú Hưng, Phú Tân) cho biết, thói quen của người ở quê là thức dậy rất sớm, nên muốn ra chợ mua được đồ tươi ngon phải đi sớm hơn. Đầu năm, có khi chợ họp từ tờ mờ sáng, 5 giờ phải chen chân lựa gà, mua cá đồng. Người mua lẫn người bán với tâm lý muốn 1 năm làm việc hanh thông, thuận lợi nên ai cũng vui vẻ, chúc những điều tốt lành, hỏi thăm nhau về tình hình “ăn Tết”.

Nếu những ngày Tết, bánh mứt, thịt cá được ưa chuộng thì sau Tết là thời điểm lên ngôi của rau xanh. Đi chợ quê không phải lo tìm kiếm vì ngoài rau trồng còn có vô số các loại rau đồng không thể kể tên hết. Nào là rau muống đồng, rau trai, đọt nhãn lồng, bình bát, rau cù nèo, bông súng, rau tập tàng… Trở lại ngày làm việc, nhiều bà nội trợ chú trọng bổ sung rau, củ về chế biến trong các món ăn để điều tiết dinh dưỡng.

Ở vùng sông nước, theo thói quen đi lại, chợ quê thường họp gần bến đò, cặp các con kênh, bờ mương nép dưới những hàng cây xanh mát.

Vì vậy, tên gọi của chợ cũng mộc mạc, dễ nhớ, dễ “nhận diện” như: chợ kênh đào, chợ đình, chợ bến đò, chợ mương chùa, chợ đầu vàm… gắn với địa danh từng địa phương. Dù hiện nay đã có chợ trung tâm, trung tâm thương mại, chợ quê vẫn tồn tại và có vị trí riêng.

Ngày thường, chợ quê vẫn nhóm rất nhanh, khoảng 9 giờ là chợ tan. Ai nấy tranh thủ chút thời gian còn lại của buổi sáng ra thăm đồng, các bà, các mẹ thì tất tả về chuẩn bị cơm trưa.

Quy mô nhỏ, họp nhanh chóng, song chợ bán đồ ăn, đồ uống, vật dụng sinh hoạt hàng ngày không thiếu thứ gì, rau củ, cây trái trồng trong vườn còn tươi xanh, cá tôm tươi sống… Góc chợ bao giờ cũng có quán nước để mấy ông già uống trà, cà-phê sáng.

Chợ còn hội đủ những món chè, món bánh bình dân mà nơi phố thị thi thoảng mới có người bán như: cơm rượu, bánh khoai mì, bánh bò, bánh da lợn, xôi gói bánh phồng…

Người nhà quê thường trồng nhiều loại cây ăn trái, những khi ăn không hết thì đem ra chợ bán, đổi lấy quà vặt cho con cháu. Bởi vậy, chợ toàn những người quen mặt nhưng bà con vẫn siêng tới lui để ủng hộ nhau, tìm mua thực phẩm sạch.

Với nông dân, chợ “chồm hổm” diễn ra cấp tốc là nơi “giao dịch” hàng nông sản khá thuận lợi và hiệu quả. Khác với kiểu cung cấp cho bạn hàng, trong 1 xã có 2-3 chợ nhóm nhỏ, nhà nông phải đi bỏ mối tận nơi.

Mấy ngày Tết ít ai nghỉ ngơi, họ vẫn chăm chút các loại rau màu, hoa tươi để bán trong rằm tháng Giêng, đáp ứng nhu cầu cúng bái, ăn chay tăng mạnh.

Bên cạnh số lượng lớn nông sản giao hàng cho thương lái, chợ quê là nơi tiêu thụ ổn định và bền vững mà nhà nông không thể bỏ qua. Đó không chỉ là nơi mua bán, mà là nghĩa tình chòm xóm ủng hộ, giúp đỡ nhau.

Lão nông Nguyễn Văn Đậu (xã Khánh Hòa, Châu Phú) chia sẻ: “Trồng được mấy công rau màu, tui chỉ bỏ mối cho mấy cái chợ nhỏ, mỗi nơi một ít, khỏi phải tìm kiếm nguồn tiêu thụ đâu xa. Mỗi vụ như vậy, tui luân canh rau màu khác nhau để dễ bán. Bà con thương tình ủng hộ nhiệt tình”.

không chỉ phục vụ vì nhu cầu, nhờ kết nối tình cảm giữa người dân quê với nhau mà chợ quê dù qua thời gian dài với bao sự phát triển vẫn tồn tại ở một góc thân thương.

Mỹ Hạnh